Herbert Chapman có thể là cha đẻ của hệ thống chiến thuật W-M ở thuở sơ khai, nhưng những người Hungary đã tạo ra sự khắc chế với cấu trúc M-M. Rồi sau đó, người Anh luôn chậm hơn trong những xu thế về cách vận hành bóng đá, từ sự ngẫu hứng của người Nam Mỹ, sự kỉ luật và chắc chắn của người Ý với catenaccio, tới thứ bóng đá tổng lực của người Hà Lan và gần đây là sự nhịp nhàng của định hướng vị trí trong lối chơi của người Tây Ban Nha hay tốc độ và cường độ ở thời điểm chuyển đổi của người Đức.
Mãi đến những năm cuối của thập kỉ đầu tiên trong thế kỉ 2000, liên đoàn bóng đá Anh mới có những bước đi cụ thể trong tầm nhìn thay đổi toàn diện nền bóng đá của mình. Họ nhìn nhận được vấn đề, xử lý vấn đề và nhận được quả ngọt với một lứa cầu thủ đầy đủ kĩ thuật, thể chất và tư duy chơi bóng trong chiến lược “England DNA” được lên kế hoạch và thực hiện bởi cựu giám đốc kĩ thuật Dan Ashworth.
Ngày hôm nay, một tỉ lệ rất lớn trong số 26 cái tên của ĐT Anh tham dự kì EURO trên đất Đức là sản phẩm của chiến lược ấy. Một lứa cầu thủ vô địch những giải đấu trẻ, góp công giúp Tam sư có được những bước tiến ổn định hơn ở những giải đấu lớn. Vị HLV dẫn dắt họ, Gareth Southgate cũng là một phần của bản kế hoạch, khi đã huấn luyện U21 Anh từ năm 2013 đến 2016.
Nước Anh dường như đã bắt kịp với xu thế bóng đá hiện đại xét trên phương diện của những người chơi bóng, nhưng phải thừa nhận rằng, họ đang tụt lùi so với thế giới xét trên góc độ những người huấn luyện các cầu thủ chơi bóng.
“Màn trình diễn” của Gareth Southgate tại EURO 2024 thật tệ hại. Tuyển Anh vẫn có mặt tại tứ kết và duy trì được sự ổn định về thành tích của mình, nhưng tính tổ chức lối chơi của chính họ phải nói là đang tỉ lệ nghịch với số lượng ngôi sao trong đội hình sau mỗi giải đấu lớn.
Cần nhắc lại về những gì vị chiến lược gia 53 tuổi đã làm được trong những năm qua tại ĐTQG Anh. Lối chơi mà Southgate sử dụng không quá phức tạp với lựa chọn sơ đồ chiến thuật quen thuộc 4-2-3-1 hoặc 3-4-2-1. Ở đó, Tam sư tận dụng tối đa sự ăn ý của một hoặc một vài nhóm cá nhân đã thi đấu cùng nhau ở cấp độ CLB để tạo nên lối chơi của tập thể.
Bàn thắng không được công nhận đêm qua của Phil Foden trước Slovakia là một hình ảnh điển hình. Kyle Walker và Bukayo Saka chơi không khác gì chính họ trong màu áo CLB, Jude Bellingham tấn công khoảng trống theo chiều sâu và đồng thời mở ra khoảng trống cho Harry Kane với thói quen giật lại nhận bóng của mình. Quả chuyển hướng của Kane rất hiện đại và làm nhiều người liên tưởng đến thứ bóng đá vẫn được trình diễn tại Premier League. Ở điểm cuối của pha bóng ấy, cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu này mùa giải vừa rồi là người đưa bóng vào lưới.
Những kiểu tình huống chơi như thế luôn xuất hiện tại ĐT Anh. Năm 2018 tại World Cup, có cảm giác họ chơi với nguồn cảm hứng từ Tottenham Hotspur với sơ đồ 4-2-3-1. Năm 2021 tại EURO gần nhất, đội bóng của Southgate có nhiều thời điểm rất liền mạch với cấu trúc 3-2-5 làm nên thành công của Manchester City thời điểm ấy. Nhưng hãy lật ngược lại vấn đề, triết lý của vị chiến lược gia người Anh này là gì?
Thật khó để trả lời.
Southgate làm công việc của mình một cách vừa vặn trong tập thể những ngôi sao thứ thiệt trong tay mình. Khi họ được đặt vào đúng vị trí, đúng sở trường hay nói đúng hơn là cùng nhau được đặt vào đúng sở trường, ĐT Anh chơi không hề tồi. Nhưng tại kì EURO lần này, khi những lựa chọn quen thuộc vì nhiều lí do khác nhau không thể góp mặt, khi những ngôi sao bị đặt sai vị trí, khi Southgate buộc phải có những phương án mới, đội bóng của chiến lược gia 53 nhìn chẳng khác gì một tập thể không được huấn luyện.
Chẳng ai thử nghiệm ở một giải đấu lớn cả. Còn Southgate thì làm điều đó từ trận này qua trận khác. Để rồi, càng thử càng rối. Sức ép của một kì đại hội bóng đá lớn kéo theo những quyết định khó lí giải khác của vị HLV này. Bế tắc một cách hoàn toàn trước Slovakia trong trận đấu đêm qua, nhưng tuyển Anh thay đúng 2 người ở thời gian chính thức trong bối cảnh họ đã ghi bàn gỡ hòa ở những giây cuối cùng.
Việc kéo Bukayo Saka xuống đá hậu vệ trái lần đầu tiên trong 2 năm qua để đưa Cole Palmer vào sân chẳng khác nào lời khẳng định rằng HLV trưởng ĐT Anh đã không có những sự chuẩn bị cần thiết cho các bối cảnh trận đấu khác nhau.
Hãy đưa góc nhìn này ra một bối cảnh rộng hơn. Ở một quốc gia sở hữu giải đấu có giá trị cao nhất thế giới, có chất lượng cao nhất thế giới, thì dấu ấn của những vị chiến lược gia người Anh ở đâu?
Trong một thập kỉ qua, Roberto Mancini đã đến Anh và vô địch với thứ bóng đá của mình, Antonio Conte - một người Italia khác cũng đã đóng dấu triết lý bóng đá ở lục địa này. Và đương nhiên, không thể không nhắc đến Pep Guardiola cùng Jurgen Klopp, một người Tây Ban Nha, một người Đức đã tạo nên một trong những giai đoạn đậm màu chiến thuật nhất ở Premier League.
Những người Anh làm nhiệm vụ huấn luyện thì hoàn toàn mờ nhạt. Những người ở thế hệ trước như Sam Allardyche, Roy Hodgson hay David Moyes đã không còn dấu ấn cụ thể nào. Những người đại diện cho thế hệ trẻ như Frank Lampard, Steven Gerrard hoàn toàn bị đào thải. Họ đều sở hữu chung những đặc điểm không mấy ấn tượng giữa xu thế chiến thuật bóng đá hiện đại bây giờ với Gareth Southgate: bị động, cứng nhắc, thiếu tính cấu trúc, thiếu cường độ và không có triết lý rõ ràng.
Trong sự vươn lên mạnh mẽ của người Ý, người Đức và người Tây Ban Nha, người Anh đang đi lùi ở mảng huấn luyện và đào tạo những HLV giỏi. Hình ảnh nhạt nhòa của Gareth Southgate tại Đức mùa hè này chính là bộ mặt đại diện cho những HLV của quốc gia này.
Trò giỏi mà thầy chưa đủ hay, đó sẽ là bài toán tiếp theo mà liên đoàn bóng đá Anh cần phải giải.