Các CLB bóng đá bị đổi tên xoành xoạch, các cầu thủ chơi cho các đội bóng được chỉ định... Thế rồi đến thập nhiên 1960, khi ĐTQG của CHDC Đức hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh trên sân cỏ quốc tế thì mọi chuyện đã thay đổi.
TRÒ CHƠI CỦA CÁC NHÂN VẬT CHÓP BU
Có thể xem huyền thoại Helmut Schoen là HLV nổi tiếng nhất và thành công nhất trong lịch sử bóng đá Đức. Chỉ 2 năm sau khi giữ ghế HLV trưởng ĐT Đức, Schoen và các học trò đã vào chung kết World Cup 1966, chỉ chịu thua đội chủ nhà Anh vì sai lầm của trọng tài - một trong những sai lần nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Thế rồi, Đức liên tục thành công với thành tích hạng 3 World Cup 1970, vô địch EURO 1972, vô địch World Cup 1974 và vào chung kết EURO 1976
Mãi đến sau này, khi Tây Ban Nha liên tiếp vô địch EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012, người ta mới cho rằng đội tuyển này qua mặt được Đức của Helmut Schoen để trở thành đội bóng xuất sắc nhất thế giới qua mọi thời đại. Nhưng Tây Ban nha từ năm 2008 đến năm 2012 là của 2 HLV khác nhau, không như Schoen huấn luyện đội Đức (thời Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Paul Breitner, Guenter Netzer, Sepp Maier...) suốt 14 năm.
Nhưng, vì sao phải nói về Helmut Schoen? Vì đấy vốn là người của bóng đá Đông Đức. Ông từng khoác áo đội Friedrichstadt trong trận chung kết giải Vô địch Đông Đức 1950, rồi ngay sau đó cùng một số đồng đội trốn khỏi Đông Đức. Trận chung kết ấy là một phần của lịch sử bóng đá Đông Đức, và nó cũng phần nào nói lên những vấn đề mang tính cội rễ của nền bóng đá này.
Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc và nước CHDC Đức được thành lập, bóng đá trở thành một môn thể thao thứ yếu, không chỉ vì nó không đảm bảo có thể biểu dương sức mạnh cho đất nước (như một số môn thể thao khác), mà còn vì bóng đá khi ấy được xem là môn thể thao của những “đặc điểm tư bản”.
Trớ trêu ở chỗ, trong khi Manfred Ewald (người đứng đầu ngành TDTT CHDC Đức, đã nói trong kỳ trước) chủ trương kìm hãm sự phát triển của môn bóng đá trong đời sống thể thao Đông Đức, thì chính ông lại phải thừa nhận (trong cuốn hồi ký sau này), rằng không ai có thể chống lại sức quyến rũ của bóng đá đối với quần chúng nói chung, cũng như đối với bất cứ ai từng thích môn này.
Mà trong số những người ưa thích bóng đá ở Đông Đức thời ấy, có cả Harry Tisch lẫn Erich Mielke. Tisch là một chính khách thượng thặng, có chân trong Bộ chính trị và rất gần gũi với nhà lãnh đạo Erich Honecker của CHDC Đức. Còn Mielke là người đứng đầu tổ chức mật vụ Stasi. Hâm mộ bóng đá đã đành, các nhân vật chóp bu như Mielke hoặc Tisch còn có nhu cầu dùng bóng đá để phục vụ những mục đích riêng của họ.
"Bản doanh" của Tisch là ở Rostock, còn "bản doanh" của Mielke là ở Berlin. Bóng đá Đông Đức chịu ảnh hưởng theo hướng có lợi cho Dresden và Berlin là vì lẽ ấy. Nhưng vì những định hướng quá khác nhau của những nhân vật có suy nghĩ hoặc quyền lợi khác nhau mà bóng đá Đông Đức rốt cuộc... chẳng đâu vào đâu. Đấy là còn chưa nói đến ảnh hưởng từ Liên Xô, chẳng phải không có.
Các CLB bóng đá bị đổi tên xoành xoạch, có khi đổi cả trụ sở. Đa số cầu thủ chơi cho các đội bóng được chỉ định chứ không phải là đội ưa thích ở địa phương, đội có truyền thống. Càng không có vấn đề chuyển nhượng. |
“CÁI CHẾT” CỦA ĐỘI BÓNG “TƯ BẢN”
SC Dresden của Helmut Schoen vốn là một CLB có truyền thống lâu đời, được công chúng hâm mộ. Năm 1946, đội này phải đổi tên thành Friedrichstadt. Nhưng khi Friedrichstadt gặp Zwickau trong trận chung kết giải Vô địch CHDC Đức 1950 thì, bất chấp việc đội bóng phải mang tên mới, tuyệt đại đa số trong 60.000 khán giả vẫn reo hò cổ vũ cho họ.
Zwickau vừa bị đánh giá thấp hơn về mặt chuyên môn, vừa là đội bóng chỉ mới thành lập như một sự “hợp tác” gượng ép giữa 3 đội bóng khác nhau, đại diện cho thế hệ mới của nền thể thao XHCN. Ở thời điểm ấy, người ta vẫn xem Friedrichstadt là đội bóng “tư bản”, đại diện cho niềm vui của đám đông thay vì cho lợi ích của việc “giáo dục xã hội”.
Helmut Schoen nói rằng ông tin chắc Liên Xô muốn thấy Zwickau thắng Friedrichstadt trong trận chung kết năm 1950. Cũng cần nói thêm: tuy bóng đá CHDC Đức đã có 2 nhà vô địch trong 2 năm trước đó, nhưng mùa bóng 1949-1950 mới là mùa bóng đầu tiên nước này có một giải VĐQG hoàn chỉnh.
Bóng lăn mới được 3 phút, Friedrichstadt đã mở tỷ số. Kể từ đó, hình ảnh phổ biến trên sân chỉ là những màn “chém đinh chặt sắt” từ phía Zwickau, cầu thủ Friedrichstadt ngã như sung rụng trước sự làm ngơ của trọng tài. Do bóng đá khi ấy chưa có luật thay người nên quân số của Friedrichstadt rơi rụng vì chấn thương và thua đến 1-5.
Ngay khi kết thúc trận đấu, khán giả tràn vào sân đuổi đánh các cầu thủ Zwickau, khiến cảnh sát phải vất vả lắm mới có thể vãn hồi trật tự. Vài ngày sau đó, đội Friedrichstadt phải giải tán theo lệnh “từ phía trên”. Không ai thấy Schoen và một số đồng đội của ông nữa, cho đến khi Schoen xuất hiện trong làng bóng Tây Đức.
DIỆN MẠO MỚI CỦA BÓNG ĐÁ ĐÔNG ĐỨC BẮT ĐẦU
Cuối năm 1954, đội bóng nhỏ Empor Lauter bỗng thắng như chẻ tre và vươn lên dẫn đầu ở giải VĐQG. Đấy là một hiện tượng lạ, vì Lauter chỉ là một thị trấn nhỏ có khoảng 8.000 cư dân, ở vùng đồi núi Erzgebirge gần biên giới Tiệp Khắc. Nhà máy than của địa phương không đủ sức hỗ trợ cho đội bóng này, dù chỉ là sự hỗ trợ tinh thần.
Ngay lập tức, Harry Tisch ra lệnh cho đội Empor Lauter dời đến Rostock. Đơn giản là bản doanh của Tisch phải có một đội bóng “xem được”. Các cầu thủ của Empor Lauter phải lên tàu lúc 5 giờ sáng để tránh sự “dòm ngó” của công chúng. Nhưng họ bị phát hiện và người ta chặn xe, chửi rủa, khiến cảnh sát lại phải vào cuộc. Một số cầu thủ của Lauter từ chối di chuyển, và họ phải giải nghệ sau đó không lâu. Đa số đành “lên Rostock” vì không có lựa chọn khác. Empor Rostock ra đời, sau đó đổi tên thành Hansa Rostock.
Dynamo Berlin là một trường hợp tương tự. Do đã bị tước đi niềm tự hào SC Dresden (phải đổi tên thành Friedrichstadt, sau đó lại bị giải tán “theo lệnh trên” vào năm 1950), “thành phố bóng đá” Dresden được đền bù cho một đội bóng khác, gọi là Volkspolizei Dresden, sau đó trở thành Dynamo Dresden. 17 cầu thủ từ 11 thành phố khác nhau được cử đến Dresden để hình thành hạt nhân của đội bóng mới, và Dynamo Dresden đoạt chức VĐQG chỉ trong 3 năm.
Ông trùm mật vụ Mielke, điều hành Stasi ở Berlin, cảm thấy không ổn. Thế là Mielke ra lệnh cho nhà vô địch CHDC Đức 1953 dời lên thủ đô, trở thành đội mạnh Dynamo Berlin. Một vài lão tướng và các cầu thủ trẻ vẫn ở lại Dresden, và đội bóng còn lại này được chơi ở giải hạng Nhì. Họ thậm chí còn không giữ nổi đẳng cấp hạng Nhì. Mãi đến năm 1962, Dynamo Dresden mới trở lại được bảng hạng Nhất trong làng bóng Đông Đức.
Cứ thế, các CLB trong làng bóng Đông Đức thay đổi xoành xoạch, trong khi vẫn phải đảm bảo “tiêu chí” của nhà lãnh đạo thể thao Ewald, rằng bóng đá phải đại diện cho xã hội mới chứ không tôn vinh ngôi sao ở khía cạnh cá nhân! Đến thập niên 1960 thì mọi chuyện thay đổi. Ewald bắt đầu nhận ra rằng ĐTQG của CHDC Đức hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh trên sân cỏ quốc tế nếu như cả nền bóng đá cứ được chỉ đạo theo kiểu cũ. Thế là thay đổi mô hình.
Một sắc lệnh mới được ban hành vào đầu năm 1966. Theo đó, CHDC Đức chọn ra 11 đội bóng “trọng điểm” để cung cấp tuyển thủ cho ĐTQG. Cầu thủ trên khắp nước cũng được tuyển chọn và “cơ cấu” vào 11 CLB hạt nhân ấy. Hansa Rostock, FC Dynamo Berlin, Dynamo Dresden, Carl Zeiss Jena, Lokomotiv Leipzig, Magdeburg... bắt đầu làm nên một diện mạo mới cho bóng đá Đông Đức.
(còn tiếp)