Hé lộ những bí ẩn của bóng đá Đông Đức (Kỳ 3): Dám giỡn mặt Stasi, Eigendorf phải nhận án tử

KINH KHA
06:38 ngày 03/06/2024
Ở kỳ trước chúng tôi đã nói tới HLV Helmut Schoen, một người của bóng đá Đông Đức đã bỏ trốn sang Tây Đức và giành nhiều thành công khi dẫn dắt ĐT bóng đá Tây Đức. Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất.

Có một cầu thủ cũng từng bỏ trốn từ Đông Đức sang Tây Đức nhưng không được sống yên ổn như HLV Schoen mà phải chịu sự trả thù ghê gớm vì dám cả gan chọc giận Erich Mielke, người đứng đầu của Stasi. Đó là một trong những cầu thủ tài hoa hiếm hoi của nền bóng đá Đông Đức trước đây, Lutz Eigendorf.

"ĐẶC SẢN" IM CỦA STASI

Từ giữa những năm 1960, bóng đá Đông Đức bắt đầu định hình và phát triển mạnh hơn, vì suy nghĩ mới của nhà lãnh đạo thể thao Manfred Ewald. Không phải cầu thủ nào cũng chấp nhận tình trạng “cơ cấu”. Gerd Kische của Rostock chẳng hạn. Khi được LĐBĐ CHDC Đức yêu cầu “chọn giữa Dynamo Berlin hoặc Carl Zeiss Jena, bằng không sẽ chẳng bao giờ được khoác áo ĐTQG”, Kische thà chịu hình phạt chứ không di chuyển. Thủ môn Juergen Croy cũng khước từ chỉ thị khoác áo Dynamo Dresden. Nhưng nhìn chung, đa số chấp nhận yêu cầu và khăn gói gia nhập CLB mới để được tiếp tục chơi bóng. Đến đây, bóng đá Đông Đức bắt đầu rẽ sang hướng khác.

Thật ra, Ewald chẳng mấy quan tâm đến môn bóng đá, như đã nói ở những kỳ trước. Sau này, báo chí phanh phui khá nhiều tài liệu cho rằng nhân vật này chuyển hướng sang chiến lược gây tiếng vang ở Olympic. Ông chính là người đứng đầu của những chương trình tài trợ cấp quốc gia cho các VĐV điền kinh hoặc bơi lội, điều mà báo chí phương Tây từ lâu đã gọi là “doping có hệ thống” ở CHDC Đức. 

Năm 2000, Ewald và một nhân vật nổi tiếng khác đã bị một tòa án ở Đức kết tội “cố ý gây hại cho cơ thể các VĐV”. Nhưng đấy lại là chuyện khác. Một câu chuyện dài.

Thoát khỏi sự đè nén của Ewald, các CLB Đông Đức như Carl Zeiss Jena, Magdeburg, Dynamo Dresden hoặc Hansa Rostock bắt đầu phát triển ổn định và thỉnh thoảng cũng gây tiếng vang trên đấu trường châu lục. Đội tuyển CHDC Đức lọt vào VCK World Cup 1974, chơi khá thành công. Đấy là giải lớn duy nhất mà đội tuyển này từng góp mặt ở VCK. 

Gerd Kische là huyền thoại của bóng đá Đức

Nhưng trong tình hình mới, bóng đá Đông Đức lại cũng vấp phải vấn đề mới: tình trạng IM xuất hiện tràn ngập như một “đặc sản” của Stasi. IM là chữ viết tắt của Informelle Mitarbeiter (tạm dịch là “cộng tác viên không chính thức”).

Một mặt, những ảnh hưởng quá đáng từ ngoài sân cỏ chỉ làm cho sức sống của bóng đá Đông Đức suy kiệt, bất chấp những thành công hào nhoáng bên ngoài. Riết rồi giới hâm mộ Dynamo Dresden cũng cảm thấy chán ngán những thành công dễ dàng của đội bóng này. 

Khán giả thường xuyên khoảng 25.000 của họ rớt xuống chỉ còn khoảng 10.000 người/trận vào cuối thập niên 1970 (và Dynamo Dresden là đội có cổ động viên nhiều nhất trong làng bóng Đông Đức). 

Mặt khác, những chuyến thi đấu quốc tế – vốn đã là điều thường xuyên đối với các đội “trọng điểm” – bắt đầu tạo ra quan hệ giữa cầu thủ Đông Đức và giới bóng đá phương Tây. Stasi phải tuyển IM tức các “cộng tác viên không chính thức” để theo dõi các cầu thủ và báo cáo hành vi của họ trong những chuyến thi đấu ở nước ngoài. Không còn nguồn IM nào tốt hơn là chính các cầu thủ. Tuyển thủ quốc gia Gerd Weber là một IM như vậy.

Cuối năm 1980, Weber cùng Dynamo Dresden sang Hà Lan gặp Twente Enschede ở Cúp UEFA. Các đại diện của đội Cologne ở Tây Đức liên hệ với Weber cùng 2 cầu thủ khác là Matthias Mueller và Peter Kotte, đề nghị họ trốn sang Tây Đức rồi ký hợp đồng với Cologne. 

Một mặt, Weber không muốn hại đồng đội khi thấy họ tỏ vẻ hứng thú với đề nghị của Cologne. Mặt khác, chính Weber cũng bị lay chuyển và anh nói với đại diện Cologne rằng mình cần thêm thời gian để suy nghĩ. Về nước, trong khi còn đang “suy nghĩ” thì cả Weber lẫn Mueller, Kotte, vợ sắp cưới của Weber, và 6 người khác, đồng loạt bị bắt vào ngày 22/1/1981. Bản thân Weber là một IM trong khi chính anh lại bị một IM khác báo cáo với Stasi! Cả 3 cầu thủ đều bị treo giò vĩnh viễn ở Đông Đức, riêng Weber ngồi tù 1 năm.

"ÁN TỬ CHO KẺ PHẢN BỘI"

Hảo thủ Ulf Kirsten, sau này khoác áo đội Đức thống nhất cũng là IM của Stasi. Còn rất nhiều IM khác trong giới cầu thủ nữa. Số lượng IM bùng nổ kể từ ngày 23/3/1979, sau một sự kiện quan trọng trong làng bóng Đông Đức, làm ông trùm Stasi Mielke giận đến tím mặt.

Ulf Kirsten ngày còn thi đấu

Ngày ấy, cầu thủ Lutz Eigendorf cùng CLB Dynamo Berlin sang Tây Đức đá giao hữu với Kaiserslautern và anh không trở về nữa. Bielke điên tiết bởi Dynamo Berlin chính là đội bóng “của ông”, gần gũi với Stasi hơn bất cứ cá nhân hoặc hội đoàn nào khác. Chính Mielke từng lớn tiếng tuyên bố trước đám đông như muốn dùng Eigendorf làm một tấm gương: “Eigendorf không bao giờ chơi bóng ở giải Bundesliga”. 

Hóa ra, chẳng những Eigendorf đào tẩu để sang Bundesliga khoác áo Kaiserslautern, rồi đến Eintracht Braunschweig, anh còn được giao huấn luyện đội trẻ 1 năm trước khi chơi bóng. Sở dĩ Eigendorf phải huấn luyện đội trẻ 1 năm sau khi gia nhập Kaiserslautern vì đấy là khoảng thời gian anh bị UEFA treo giò, do trốn khỏi Dynamo Berlin.

Ở Tây Đức, Eigendorf đã không tiếc lời chỉ trích ông trùm Stasi cũng như cả nền thể thao và đất nước Đông Đức nói chung. Thế là tai họa ập xuống đối với một trong những cầu thủ tài hoa hiếm hoi của nền bóng đá Đông Đức trước đây. Ngày 5/3/1983, Eigendorf hôn mê sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hai ngày sau, anh qua đời. 

Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy có một lượng cồn trong máu của Eigendorf, nhưng các chứng nhân đều quả quyết Eigendorf uống rất ít bia.

Ở Đông Đức, Frau Eigendorf, vợ của Eigendorf, được các luật sư giải quyết nhanh gọn thủ tục ly hôn và tái giá. Sau này, người chồng mới của Frau Eigendorf thú nhận: anh ta chính là một dạng Lothario, làm việc cho Stasi và theo dõi “nhất cử nhất động” của Frau Eigendorf bằng cách quyến rũ, sau đó cưới cô ta làm vợ (Lothario là một nhân vật của tiểu thuyết, sau này trở thành danh từ chung trong xã hội phương Tây, đại loại như khái niệm “sở khanh” vốn cũng bắt nguồn từ một nhân vật trong truyện Kiều ở xứ ta).

Eigendorf qua đời vì tai nạn trong lúc say rượu? Không hề. Stasi không chỉ có hẳn một lực lượng IM đầy ắp trong và ngoài giới cầu thủ ở Đông Đức. Lực lượng IM ở Tây Đức của Stasi cũng rất mạnh. Có đến 50 IM thường xuyên lùng sục, theo dõi và báo cáo tình trạng của Eigendorf ở Tây Đức sau khi anh gia nhập Kaiserslautern. Đến năm 1983, khi Eigendorf khoác áo Eintracht Braunschweig, thì Stasi phát lệnh hành động, tiêu diệt cầu thủ đã làm cho ông Erich Mielke bẽ mặt. 

Bộ phim tài liệu “Án tử cho kẻ phản bội”, nói rõ quá trình theo dõi và hành quyết Eigendorf, đã xuất hiện trên truyền hình Đức ngày 22/3/2000. Cách đây 2 năm, còn có một cựu điệp viên Đông Đức thú nhận là đã được Stasi ra lệnh hành quyết Eigendorf, nhưng ông ta không hoặc chưa làm được. Câu chuyện về Eigendorf được đưa ra ánh sáng khi người ta “khui” hồ sơ của Stasi sau sự kiện thống nhất nước Đức.

(còn tiếp)

Quyền lực của Stasi ám ảnh không chỉ giới bóng đá Đông Đức mà cả bóng đá Tây Đức nữa. Gần đây, chủ tịch Uli Hoeness của Bayern Munich phải xin lỗi về một sự kiện đã xảy ra vào năm 1974, mà Hoeness tự nhận là “Bayern đã hành xử quá đáng”. 

Khi ấy, Bayern sang Đông Đức gặp Dynamo Dresden ở Cúp C1 châu Âu. Vào giờ chót, chủ tịch Wilhelm Neudecker của Bayern hủy bỏ kế hoạch ngủ tại Dresden trong đêm trước trận đấu, viện dẫn khác biệt về độ cao giữa Dresden và Munich. Bayern ngủ tại một thị trấn nhỏ của Tây Đức, hôm sau mới bay sang Dresden, đá xong lập tức trở về. Họ sợ bị đầu độc! 

Thật ra, quả đã có chuyện phòng thay đồ của Bayern bị ghi âm ngay trước trận đấu, và HLV Walter Fritzsch của Dynamo Dresden sau này thú nhận: đã có người đến đưa cho ông mảnh giấy ghi vắn tắt đội hình cũng như chiến thuật của Bayern trước giờ bóng lăn!

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất