- Hé lộ những bí ẩn của bóng đá Đông Đức (Kỳ 1): Nền bóng đá bị bóp chết bởi bàn tay chuyên chế
- Hé lộ những bí ẩn của bóng đá Đông Đức (Kỳ 2): Nền bóng đá yếu kém vì xung đột quyền lực
- Hé lộ những bí ẩn của bóng đá Đông Đức (Kỳ 3): Dám giỡn mặt Stasi, Eigendorf phải nhận án tử
ĐT của nước Đức thống nhất đã thất bại trong hành trình bảo vệ ngôi vương ở World Cup 1994. Không những thế, các cầu thủ của Đông Đức cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cách làm bóng đá mới, còn các CLB của Đông Đức thì mãi lẹt đẹt ở những hạng đấu thấp trong suốt nhiều năm qua...
"Biên giới trong lòng người"
Mùa bóng 1990-1991 là mùa bóng cuối cùng của giải VĐQG Đông Đức. Sau đó, người ta quyết định Đông Đức sẽ được cử 2 đại diện tham dự Bundesliga và 6 đội dự giải Hạng Nhì. Bóng đá Đức bắt đầu một thời kỳ mới trong kỷ nguyên thống nhất. Ở thời điểm ấy, thiên hạ đã biết về các ngôi sao bóng đá Đông Đức đang nổi đình nổi đám như Andreas Thom, Thomas Doll, Matthias Sammer, Ulf Kirsten, cùng khá nhiều cái tên khác. Đấy cũng là thời kỳ mà đội tuyển Tây Đức đang giữ ngôi vô địch World Cup 1990.
Franz Beckenbauer bình luận sau khi trở thành nhân vật đầu tiên trong lịch sử vô địch World Cup trong cả hai vai, thủ quân đội tuyển và HLV trưởng: “Ai cũng thấy rõ sức mạnh của đội tuyển này (Tây Đức). Tôi chỉ băn khoăn, không biết đội Đức sẽ còn mạnh đến cỡ nào khi các ngôi sao phía Đông bước vào đội tuyển”.
Câu nói của Beckenbauer trở nên nổi tiếng không phải ngay thời kỳ ấy, mà là vài năm sau đó. Hóa ra, các ngôi sao nổi tiếng như Sammer hoặc Kirsten đã không làm cho ĐKVĐ Đức trở nên mạnh hơn tại kỳ World Cup 1994 như người ta tưởng. Lần đầu tiên kể từ khi FIFA tăng số đội dự VCK World Cup lên đến 24, đội Đức không thể lọt vào bán kết.
Mà họ thua ai ở vòng tứ kết? Xin thưa, đấy chỉ là đội Bulgaria vốn chưa bao giờ có một trận thắng trên đấu trường World Cup tính đến trước năm 1994! Đấy chỉ là chi tiết điển hình, chứ không phải là chi tiết duy nhất làm vỡ mộng những ai hào hứng chờ sự hội nhập của làng bóng đá phía Đông trong thời kỳ nước Đức thống nhất.
Hóa ra, trừ một số ít nhân vật hưởng lợi, sự thống nhất của bóng đá Đức lại trở thành vấn đề lớn cho khá nhiều phía liên quan. Không như những lời đường mật nặng về chính trị trước đó, không hề có chuyện hòa nhập một cách dễ dàng giữa “những người anh em” hồi đầu thập niên 1990.
Đối với thế hệ chào đời sau năm 1960 tại Tây Đức, Đông Đức gần như là “nước ngoài” thuần túy, thậm chí còn “ngoại quốc” hơn cả các nước phương Tây khác như Anh, Pháp hoặc Italia. Trên khán đài, các cổ động viên cực đoan thường hô vang khẩu hiệu “Hãy dựng lại bức tường như cũ”.
Trừ các danh thủ được săn đón, phần lớn cầu thủ đến từ phía Đông đều có cảm giác bị cô lập, cả trong xã hội chứ không chỉ trên sân bóng. Khi mà biên giới Đông - Tây đã bị xóa bỏ hoàn toàn thì đấy lại chính là lúc người ta cảm nhận “biên giới trong lòng người” rõ ràng hơn cả.
Chết ngợp trong vòng quay mới
Hansa Rostock và Dynamo Dresden là hai đội bóng đầu tiên đến từ phía Đông góp mặt ở giải Bundesliga. Nhưng sức mạnh của họ lập tức tan vỡ vì không giữ được lực lượng. Chỉ trong 1 năm, Dresden mất Ulf Kirsten cho Leverkusen, Matthias Sammer cho Stuttgart, và 3 trụ cột khác cho Fortuna Cologne.
Giới đại diện lao vào các đội Đông Đức chỉ để tranh “mối” chuyển nhượng. Tiền chuyển nhượng trong thời kỳ ấy nếu không rơi vào túi riêng của các cá nhân tranh thủ tư lợi thì cũng chỉ thuộc về sự quản lý của các giám đốc “tay ngang”, còn quá xa lạ so với bóng đá chuyên nghiệp.
Cũng vì tình trạng “chụp giật” của giới đại diện mà giá chuyển nhượng của các cầu thủ tầm thường đến từ phía Đông bị đẩy lên cao hơn thực tế, dẫn đến hệ quả là cầu thủ đến từ phía Đông phải chịu ác cảm về mặt chất lượng.
Trên sân, họ bỗng thi đấu giữa các “chảo lửa” hừng hực khí thế sôi động ở Dortmund, Gelsenkirchen hoặc Stuttgart, với khoảng 35.000 - 40.000 cổ động viên, thay vì chỉ là vài ngàn khán giả như ở Magdeburg hoặc Leipzig trước đó. Ngoài sân, họ phải thường xuyên đối phó với cánh báo chí “luôn soi mói và lắm chuyện”. Họ phải tự bảo vệ mình, thay vì được Stasi bảo vệ như trước đó. Tóm lại, tất cả đều quá xa lạ.
Cả Dynamo Dresden lẫn Hansa Rostock đều chỉ tồn tại lay lắt trước khi rớt hạng ở Bundesliga. Ngoài 2 đội ấy, miền Đông nước Đức chỉ có thêm Energie Cottbus - đội bóng có cổ động viên nổi tiếng Angela Merkel (cựu Thủ tướng Đức) - từng được góp mặt ở Bundesliga. Sau khi Cottbus rớt hạng ở mùa bóng 2008-2009, miền Đông hiện không còn đội bóng nào xuất hiện ở Bundesliga nữa.
Ban đầu, bóng đá miền Đông kiệt quệ vì không được “bao cấp” như trong thời kỳ Đông Đức. Sau đó, bóng đá phía Đông thất bại chủ yếu vì các CLB đều không biết cách quản lý thật sự. Hệ quả đi kèm là giới tài trợ ngoảnh mặt làm ngơ. Không có kinh phí, người ta không thể làm tốt khâu đào tạo trẻ, cũng khó đầu tư vào sân bãi hoặc trang thiết bị tập luyện. Tít mù cứ thế vòng quanh, làm cho bóng đá miền Đông cố mãi vẫn không có CLB nào phất lên nổi suốt hơn 20 năm qua.
Đấy là chưa kể những khó khăn về mặt xã hội, như tình trạng hooligan hoặc nạn “tân phát xít”. Đến tận bây giờ, miền Đông nước Đức tuy không được góp mặt ở trận địa đỉnh cao nhưng vẫn được xem là những điểm nóng về bạo lực trong làng bóng Đức.
20 năm vẫn không thể phát triển
Lạ ở chỗ, bóng đá nói riêng cũng như xã hội châu Âu nói chung đã có những thay đổi lớn trong suốt nhiều năm gần đây, riêng sự thoi thóp của bóng đá miền Đông nước Đức thì vẫn giống như 2 thập kỷ trước.
Việc đăng cai thành công World Cup 2006 đã làm cho bóng đá Đức phát triển một cách tổng thể, từ chuyên môn đến năng lực tổ chức, từ cơ sở hạ tầng đến sự hâm mộ bóng đá trong mọi tầng lớp. Đã có lúc, người ta tưởng như bóng đá chuyên nghiệp ở nơi từng là Đông Đức rút cuộc cũng sẽ “cất cánh”.
Nhưng rồi, mọi sự chờ đợi lại vẫn như cũ. Những tên tuổi lớn một thời như Magdeburg, Carl Zeiss Jena, Lokomotiv Leipzig giờ đang chìm khuất trong sự quên lãng. Union Berlin hiện đứng áp chót ở giải hạng Nhì, nếu không rớt xuống hạng Ba vào cuối mùa này thì đấy đã là một sự thành công. Erzgebirge và Dynamo Dresden đều đang đứng ở nửa dưới của bảng hạng Nhì. Chỉ có duy nhất một Energie Cottbus là đang khấp khởi hy vọng, tạm xếp nhì bảng sau 5 vòng đấu.
Hy vọng thăng hạng để lại trở thành đội bóng duy nhất phía Đông góp mặt ở Bundesliga mùa tới của Energie Cottbus chẳng phải không có. Suy cho cùng, ngay cả các đội “bé tí” như Hoffenheim, Augsburg, Greuther Fuerth đều đã lần lượt làm nên lịch sử, xuất hiện lần đầu tiên ở đẳng cấp cao nhất trong làng bóng Đức những năm gần đây. So với Greuther Fuerth, Cottbus cũng không thua sút bao nhiêu (Cottbus chính là đội đầu tiên trong lịch sử Bundesliga đưa ra sân một đội hình chính gồm đủ 11 cầu thủ nước ngoài).
Nhưng thực tế vẫn không thay đổi: cho dù thăng hạng đi nữa, một đội như Energie Cottbus vẫn khó có hy vọng gây tiếng vang ở đẳng cấp cao. Giới hâm mộ vẫn cứ khắc khoải chờ đợi trong khi các nhà nghiên cứu cứ mãi đi tìm nguyên nhân vì sao bóng đá miền Đông nước Đức không hề phát triển, suốt hơn 20 năm sau khi nước này thống nhất!