Độ quậy phá của hooligan Anh là điều không có gì phải bàn cãi. Ở những giải đấu lớn được tổ chức gần đây, từ EURO 2016, World Cup 2018 đến EURO 2020, cảnh sát sở tại đã phải chật vật khi dẹp tan màn quậy phá của hooligan Anh. Chỉ nhìn qua những con số thống kê đưa ra, cũng đủ thấy hooligan Anh trở thành vấn đề cộm cán ra sao. Cụ thể hơn, tại EURO 2020 có 599 cổ động viên Anh bị bắt giữ trong khi con số này ở World Cup 2022 là 123 trường hợp. Cũng cần thấy, về mặt nhân khẩu học, nhóm chiếm số đông trong số fan ĐT Anh đổ bộ vào Đức tại EURO 2024 là 18-35 tuổi và phần lớn là nam giới, mặc dù số lượng thành viên nữ ngày càng tăng. Theo khuyến cáo, thế hệ hooligan Anh mới trẻ hơn không chỉ mang trong mình dòng máu bạo lực, mà còn sẵn sàng sử dụng các chất kích thích như rượu hay cocaine để thêm độ hung hãn.
Trong bối cảnh đó, vấn đề do hooligan Anh đưa lại đương nhiên trở thành vấn đề quan tâm đặc biệt của nước chủ nhà Đức tại EURO 2024. Để giải quyết triệt để “những cái đầu nóng”, nước chủ nhà Đức đã tăng cường lực lượng an ninh làm nhiệm vụ tại EURO 2024 lên con số 22.000 cảnh sát. Đa phần lực lượng này sẽ kiểm soát trên đường phố để sẵn sàng can thiệp bất kỳ lúc nào. Bà Nancy Feaser, Bộ trưởng Bộ nội vụ Đức nhấn mạnh: "Trong suy nghĩ của tôi, an ninh phải là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi luôn hết sức cảnh giác và rất coi trọng mọi rủi ro an ninh đưa lại. Chúng tôi tập trung vào những mối đe dọa từ các phần tử khủng bố, hooligan và tin tặc. Chúng tôi sẽ yêu cầu cảnh sát hiện diện dày đặc ở khắp nơi để kiểm soát tình hình nếu có bất kỳ điều gì bất thường xảy ra”. Hồi tháng 4 vừa qua, cảnh sát Đức đã tiến hành một buổi diễn tập chống hooligan ở Ilmenau. Ngoài sự hiện diện đông đảo của cảnh sát, việc kiểm tra biên giới gắt gao cũng được thực hiện.
Riêng với hooligan Anh, cảnh sát Đức đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Anh để có biện pháp ngăn chặn từ xa. Đơn cử như chỉ riêng tại thành phố Manchester, 152 người đã buộc phải giao hộ chiếu cho cảnh sát Anh và bị cấm xuất cảnh sang Đức trong thời gian diễn ra EURO 2024. Đây là những đối tượng có máu mặt và được đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Chính nhờ biện pháp này, số fan cuồng ưa quậy phá đã hết cơ hội tới Đức để kích động, cổ súy những màn quậy phá thậm chí tấn công bạo lực CĐV đối phương.
Một fan có tên George Broadbent nói: “Phần lớn người hâm mộ là những người khá tử tế nhưng luôn có một số nhân vật ưa quậy phá chạy xung quanh. Rất may là những kẻ này đã bị gạt lại”. Chính nhờ những biện pháp đồng bộ kể trên, vấn nạn hooligan Anh không còn quá tệ hại so với những gì diễn ra ở các giải đấu lớn trước đó.