Theo thống nhất được sự cho phép của Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser (đảng SPD), cảnh sát Berlin sẽ được mang lá cờ đen-đỏ-vàng trên chiếc xe công vụ của mình, một quyết định được thay đổi đột ngột ngay trước trận khai mạc. Nhưng chính cảnh sát Berlin đã từ chối thực hiện đặc quyền này. Tất cả vì cam kết trung lập để tạo hình ảnh không thiên vị của nước chủ nhà khi đón tiếp các vị khách quốc tế.
Nancy Faeser nói với tờ Bild: “Các sĩ quan của chúng tôi được phép cổ vũ, ủng hộ đội tuyển Đức. Lệnh cấm vì lý do trung lập đã bị bãi bỏ”. Thượng nghị sĩ Nội vụ Berlin Iris Spranger (SPD) đứng đằng sau lệnh cấm trước đó. Cô nói với tờ Thời báo Berlin: “Tôi tiếp tục ủng hộ quyết định của cảnh sát Berlin với cam kết trung lập. Chúng tôi nồng nhiệt đón chào các vị khách quốc tế với thái độ khách quan, trung lập, công bằng”.
Cảnh sát Berlin đã bị cấm treo cờ Đức trong các giải đấu bóng đá quốc tế một thời gian dài. Ở World Cup 2006, cảnh sát trưởng Berlin lúc bấy giờ là Dieter Glietsch cũng đã cấm các cấp dưới của mình mang cờ Đức, tuyên bố họ là những sĩ quan, không phải người hâm mộ bóng đá. Có thể người Đức vẫn còn ám ảnh nặng nề bởi là tác nhân chính của 2 cuộc thế chiến mà mỗi năm tháng qua đi, họ lại có thêm những quyết định… “trung lập” khi tổ chức những sự kiện quốc tế. Các lãnh đạo lo ngại rằng việc trang trí màu quốc kỳ trên xe và đồng phục cảnh sát có khả năng kích thích những cảm xúc tiêu cực dẫn tới bạo động trong một sự kiện bóng đá lớn như EURO 2024.
Dĩ nhiên là có rất nhiều phản đối với lập luận và quyết định này, trong đó có rất nhiều sĩ quan cảnh sát và một giáo sư luật. Ông Florian Albrecht, giáo sư Đại học Hành chính công Liên bang ở Bruehl đã có chia sẻ rất chân thật trên cổng thông tin pháp lý Legal Tribune: “Trong mọi trường hợp, dựa trên tầm quan trọng mà bóng đá tác động vào xã hội và sự tham gia đông đảo của quần chúng ở EURO 2024, việc các sĩ quan cảnh sát nhận mình là một người hâm mộ là vô hại. Đây không phải một trong mọi trường hợp, dựa trên tầm quan trọng xã hội của bóng đá và sự tham gia đông đảo của người dân vào Giải vô địch châu Âu, nhằm đảm bảo tính trung lập, sẽ vô hại nếu các sĩ quan cảnh sát tự nhận mình là người hâm mộ vì đây không phải là một sự kiện chính trị.” Ông Albrecht cho rằng bản thân lá quốc kỳ có ý nghĩa đặc biệt, là một biểu tượng quốc gia tượng trưng cho cam kết với Cộng hòa Liên bang Đức và các giá trị cơ bản của nó trong bối cảnh EURO.
Người phát ngôn chính sách thể thao của nhóm nghị sĩ AfD (đảng cực Hữu) tại Hạ viện Berlin, Karsten Woldeit, đã kêu gọi Thượng nghị sĩ Nội vụ Spranger cho phép các sĩ quan cảnh sát Berlin được treo quốc kỳ: “Màu sắc của lá cờ nước Đức tượng trưng cho tự do, khoan dung và tính dân chủ. Chúng ta nên treo cờ với sự tự hào, đặc biệt là tại một sự kiện lớn như EURO”.
Những câu chuyện chính trị kiểu này luôn bắt nguồn từ Berlin, thật ra là điều hiển nhiên vì đấy là thủ đô của nước Đức. Và cũng bởi vì thế, đứng dưới góc độ một người đang sinh sống ở đây, tôi thấy nó cũng không mấy…vô lý. EURO vẫn như đang ẩn mình ở thành phố này. Ngoại trừ những nơi gần với sân vận động, fan zone, gần như toàn phần còn lại của Berlin không có bóng dáng của bóng đá. Mảnh đất này quan tâm tới nhiều thứ khác và đặt mình riêng biệt khỏi bức tranh chung của nước Đức, nơi mở lòng chấp nhận, thậm chí “chứa chấp” mọi khác biệt, từ tôn giáo, sắc tộc cho tới quan điểm sống.
Ngay cả khi là nơi diễn ra trận đấu giữa Tây Ban Nha và Croatia, Berlin cũng chẳng mấy khác biệt với thường ngày. Tất nhiên là vẫn có hàng vạn người có mặt ở sân Olympia để xem bóng đá, nhưng đấy cũng là tất cả. Người ta không treo cờ quạt ở đây, bạn ít nhìn thấy sắc đen-đỏ-vàng ở bất kỳ nơi đâu, nhà dân hay các cửa hàng lớn - vốn xuất hiện dày đặc ở những thành phố khác trên nước Đức trong bất kỳ giải đấu bóng đá quốc tế nào.
Thế nên cảnh sát Berlin không treo cờ Đức trên xe có lẽ cũng chẳng là điều gì to tát, đối với xã hội và đối với chính họ.