Ai từng tới thủ đô nước Đức hẳn cũng bất ngờ với hàng triệu bức tường loang lổ hình hoạ Graffitis trải dài khắp thành phố, những cột điện, cột đèn giao thông chằng chịt áp phích, khẩu hiệu hô hào, đấu tranh về đủ mọi thứ.
Trong những tháng ngày mà cuộc chiến Ukraine - Nga, Israel - Palestine diễn ra, người ta nhìn thấy cờ Ukraine, cờ Israel còn nhiều hơn cả quốc kỳ nước Đức trên đường phố Berlin. Nhưng chuyện đó sẽ không diễn ra ở EURO.
Cổng thành Brandenburg là nơi có màn hình khổng lồ lớn nhất để phục vụ cho cổ động viên có mặt ở Dải người hâm mộ trên con đường dẫn tới cổng thành. Nhưng hôm trước, ban tổ chức EURO đã thông báo bằng cờ của Israel và Palestine sẽ không được phép vẫy trong khu vực này.
Cụ thể là quanh cổng thành Brandenburg và trước toà nhà Quốc hội Reichstag. Ban tổ chức cho biết, chỉ cờ của các quốc gia có đội bóng tham dự EURO mới được phép mang vào khu vực dành cho người hâm mộ. Thực ra điều này chưa bao giờ là một quy định rõ ràng trắng đen như thế.
Nhưng với không khí nhạy cảm của những cuộc chiến tranh đang diễn ra, giám đốc điều hành của sở văn hoá Berlin Moritz van Dülmen thẳng thừng tuyên bố khu vực dành cho người hâm mộ không phải là nơi dành cho các cuộc biểu tình dưới bất kỳ hình thức nào.
Người Đức không lo xa, nhất là với một nơi tự do thoải mái như Berlin, mọi chuyện kích động dẫn đến bạo động là hoàn toàn dễ dàng diễn ra. Lãnh đạo đảng SPD Berlin Lars Klingbeil thẳng thắn bày tỏ quan ngại rằng chính trị sẽ là trọng tâm của EURO này, thay vì bóng đá.
“Tất nhiên, bóng đá luôn mang tính chính trị. Sẽ thật ngây thơ nếu phủ nhận điều đó. Nhưng liệu chúng ta có thể xoay chuyển tình thế vài ngày trước khi giải đấu diễn ra hay không? Thú thực, mọi thứ đang trở nên hơi quá tải đối với tôi”, Klingbeil chia sẻ. “Tôi không mong đợi bất kỳ biểu tượng lớn nào. Tôi không mong đợi bất kỳ bài phát biểu mang tính chính trị nào. Tôi trông chờ một thứ bóng đá tận hiến, dũng mãnh và cởi mở với tất cả người hâm mộ cũng như tất cả những ai muốn biến giải đấu này thành một kỷ niệm đẹp”, ông nói tiếp.
Người Đức đã thể hiện bộ mặt tuyệt vời của nước chủ nhà World Cup 2006. Nhưng đó là chuyện của 18 năm về trước, với một Đảng cầm quyền khác, tổng thống khác và nền kinh tế chính trị xã hội càng khác xa hiện tại. Nhưng có vẻ như quan điểm này của Klingbeil sẽ gặp không ít trở ngại với cách tiếp cận của UEFA tại EURO năm nay, những người đang theo đuổi một chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy bảo vệ khí hậu, sự đa dạng chủng tộc, giới tính và tính bền vững cho môi trường ở EURO này.
UEFA phác thảo một kế hoạch dài tới hơn 36 trang với đủ hạng mục. Ví dụ như việc lắp đặt nhà vệ sinh không phân biệt giới tính ở tất cả các sân vận động, gọi là nhà vệ sinh dành cho cả nam và nữ, nơi tất cả mọi người đều có thể sử dụng bất kể giới tính của họ. Hay như việc sử dụng nước nghiêm ngặt trong nhà vệ sinh: sử dụng ‘nước xám’, tức là nước thải không có phân, bị ô nhiễm nhẹ vẫn sẽ được tái sử dụng.
Ngoài ra, theo UEFA, các sân vận động và khu vực cho người hâm mộ cần cung cấp thực phẩm thuần chay và chay ở nhiều nơi hơn cũng như áp dụng chính sách không hút thuốc trong sân vận động. Tất cả các sân vận động cũng cần phải có chỗ đậu và lối đi dành riêng cho xe đạp để càng nhiều khán giả có thể đến sân bằng cách đi bộ hoặc đạp xe càng tốt.
Bóng chưa lăn nhưng các quan điểm chính trị, xã hội đã được đẩy lên cao như vậy, khi bóng lăn rồi, mọi chuyện có thể mất kiểm soát hay không? Và có đúng như lời Klingbeil nói, người ta quá quan tâm đến những điều ngoài bóng đá hay không?