Người Đức và văn hóa đọc báo giấy

Dọc đường tác nghiệp tại EURO 2024, tôi quan sát xem người châu Âu nói chung, người Đức nói riêng có còn đọc báo giấy hay không, có còn giữ thói quen đọc sách hay không? Hóa ra, trên tàu, trong quán ăn, hình ảnh người Đức đọc sách báo phổ biến hơn là xem điện thoại…

Bạn có thể bắt gặp hình ảnh này ở khắp nơi, bến tàu, nhà ga, trên tàu điện ngầm, công viên...

Nhưng, đa phần người đọc báo giấy (báo giấy khổ lớn) đều là trung niên và người lớn tuổi. Những người trẻ thì họ thường ôm sách, đọc sách. Theo một báo cáo do Văn phòng Thống kê Liên bang tại Wiesbaden (bang Hesse, miền Tây nước Đức) công bố vào ngày 23/4 vừa qua (ngày Sách thế giới), người Đức dành trung bình 45 phút mỗi ngày để đọc “một thứ gì đó”. Trong đó họ dành 22 phút đọc báo, 8 phút cho sách và chỉ 5 phút cho tạp chí. Mười phút còn lại dành cho việc đọc sách hướng dẫn, tờ rơi và danh mục khác.

Thói quen đọc sách cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Liên quan đến độ tuổi, với những người trẻ tuổi từ 10 đến 14 tuổi thì đọc sách trong nửa giờ mỗi ngày. Trong khi đó, người lớn trên 40 tuổi đọc trung bình một giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhóm tuổi này thích báo hơn sách. Những người đọc nhiều nhất là những người trên 65 tuổi. Họ luôn ngồi xuống bất cứ đâu, trong lúc chờ đợi là lại lôi một cuốn sách, 1 tạp chí hoặc 1 tờ báo khổ lớn và trung bình họ đọc khoảng 1,5 tiếng mỗi ngày. Đáng ngạc nhiên là nam giới dường như đọc nhiều hơn đáng kể so với phụ nữ.

Ngồi tàu cùng tôi từ Munich đi Berlin, hai vợ chồng một gia đình sống ở Augsburg có chia sẻ với tôi rằng, họ (bố mẹ cùng các con) luôn duy trì thói quen đọc hàng ngày. Bản thân ông đọc rất nhiều báo giấy vào mỗi buổi sáng. “Hôm nay ra khỏi nhà từ sáng sớm nên tôi chưa kịp đọc gì. Vì thế, bà ấy gom hết báo của cả ngày để mang theo và đọc”, ông lão chia sẻ.

Theo một báo cáo của Media Analysis (MA) công bố vào ngày 22/7/2023, tổng cộng có khoảng 34,6 triệu người ở Đức (cả người Đức lẫn người nước ngoài) đọc báo thường xuyên (đọc ít nhất 1 tờ báo mỗi ngày), tương đương với 49,4% dân số trên 14 tuổi. Con số này giảm nhẹ 2,1% so với tháng 7/2022 và nó phần nào phản ánh dân số Đức giảm đáng kể trong 1 năm qua (khai tử tăng lên, khai sinh giảm xuống). Ngoài ra, tổng cộng có 49,7% người Đức đọc một tờ báo địa phương mà họ đăng ký; 16,9% đọc một tờ báo lá cải, trong khi 4,2% đọc một tờ báo quốc gia. Hơn 136.000 người, bao gồm cả người nước ngoài nói tiếng Đức, đã được khảo sát về thói quen đọc của họ. Bild là tờ báo quốc gia phổ biến nhất, với lượng độc giả là 10,35 triệu người.

Đa phần trung niên và người lớn tuổi ở Đức vẫn đọc báo giấy mỗi ngày

“Tôi thích đọc Bild vì có đủ thứ, trong đó có thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nếu muốn cập nhật tin tức về EURO 2024 chẳng hạn, tôi sẽ giở tờ Bild là thấy hết”, ông cụ ngồi kế bên cạnh tôi trên tàu từ Munich tới Berlin chia sẻ.

Mức độ phổ biến tiếp theo là các tờ báo khổ lớn quốc gia, như Sueddeutsche Zeitung với 1,13 triệu độc giả và Frankfurter Allgemeine Zeitung với 680.000 độc giả. Các tạp chí được 62,3 triệu người ở Đức đọc. Người Đức trung bình đọc tới 8 tờ báo hoặc tạp chí khác nhau và không cố định các chuyên mục cần đọc. Họ có thể quan tâm mỗi ngày một mục khác nhau.

Với truyền thống văn học mạnh mẽ và là cái nôi của báo chí, nước Đức có nền văn hóa đọc được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trung bình 44,6% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần. Cũng vì thế, mối năm, nước Đức lại xuất bản hơn 90.000 cuốn sách mới. Đức cũng là quốc gia có mật độ cửa hàng sách trên đầu người cao nhất thế giới, trung bình 17.000 người Đức thì có một cửa hàng sách. Thư viện cũng mọc lên như nấm, lớn có, nhỏ có và thương đặt tại trung tâm thành phố hoặc thị trấn.

Nếu không đọc báo, thì người Đức có thể tranh thủ làm việc khác

Bên cạnh đó, văn hóa đọc vẫn được lưu giữ đến ngày nay vì người Đức coi đọc sách như một hình thức giải trí và được yêu thích như uống bia hay xem bóng đá vậy. Chính vì thế, người Đức mở hội chợ sách quanh năm, trong đó có hội chợ sách lớn nhất thế giới ở Frankfurt (Frankfurter Buchmesse), được tổ chức vào giữa tháng 10 hàng năm. Sự kiện văn hóa và thương mại quốc tế này thường thu thu hút khoảng 7.300 nhà triển lãm đến từ hơn 100 quốc gia.

Hơn nữa, dù là đất nước phát triển về công nghệ nhưng Chính phủ Đức luôn khuyến khích người dân đọc sách in, lưu trữ sách, giữ sách và đi bảo tàng sách. Thực tế, người Đức thích đọc sách báo giấy hơn là sử dụng thiết bị đọc trên điện thoại hay Ipad.

Bạn có biết?

Ở Đức hiện có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và SVĐ. Trong năm 2022, chỉ có 70 triệu lượt người Đức đến SVĐ, 146 triệu lượt người đi xem phim nhưng có đến 200 triệu lượt người đến thư viện đọc sách. Bạn có thể gặp người Đức đọc sách, đọc báo ở vườn hoa, công viên, trên tàu điện, ở nhà ga, trong quán ăn…

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất