Người Pháp đau đầu với bài toán an ninh ở EURO 2016

Kuang Dy
09:07 ngày 13/02/2016
Người Pháp là chủ nhân của bữa tiệc EURO 2016 đình đám. Nhưng vẻ bề ngoài lịch lãm không che phủ được những nỗi lo sợ bóng ma khủng bố đang lởn vởn khắp nơi. Những vị chủ tiệc khốn khổ đó đang đau đầu với bài toán an ninh.

BÓNG MA HƯ CẤU THÀNH HIỆN THỰC

Tháng 7/2005, thời điểm của những vụ khủng bố tàu điện ngầm rung động London, nhà văn người Anh Chris Cleave xuất bản cuốn sách “Incendiaire”, trong đó ông tưởng tượng 11 kẻ khủng bố liều chết của Al Qaeda đột nhập vào sân Emirates của Arsenal nhân trận derby London giữa Arsenal - Chelsea và giết hại hàng nghìn người. 3 năm sau bộ phim chuyển thể kịch bản từ tác phẩm đó đã lên màn ảnh. 

Vài tháng trước, khi phần mới của serie kinh điển James Bond ra mắt với tên gọi “Bóng ma”, trong đó cũng có câu chuyện vị điệp viên siêu đẳng phá vỡ một âm mưu khủng bố nhằm vào một SVĐ lớn ở Mexico. Dù không nhắc tên, nhưng những tín đồ túc cầu khắp thế giới đều có thể lập tức nghĩ đến một cái tên nổi tiếng - sân Azteca vĩ đại, với sức chứa 105.000 người, nơi đã đi vào huyền thoại với World Cup 1986.

Nhưng giờ thì tất cả những điều vốn chỉ được tưởng tượng trên phim ảnh hay tiểu thuyết đều đang bước ra đời thực. Ngày 13/11/2015, ba kẻ khủng bố liều chết đã cho nổ bom ngay trước cửa sân Stade de France ở Saint-Denis. Mục đích ban đầu của chúng, rất may đã thất bại, đương nhiên là cho nổ những quả bom đó ở phía bên trong, nơi vài chục nghìn CĐV đang say mê dõi theo trái bóng. 

Trong buổi tối đẫm máu đó, hàng trăm người khác đã bỏ mạng quanh bán kính sân Stade de France chỉ vài kilomet. Vài ngày sau tại Hannover, trận Đức - Hà Lan phải hủy bỏ, Thủ tướng Angela Merkel phải khẩn cấp quay lại Berlin, đường phố, ga tàu đóng chặt vì có tin bọn khủng bố cho chở cả một xe thuốc nổ, giả danh xe cứu thương, đến SVĐ. Gần như cùng thời điểm đó ở Brussels, trận giao hữu Bỉ - Tây Ban Nha cũng không thể diễn ra vì lí do tương tự: đe dọa khủng bố.

Thế giới đang chao đảo và bóng đá không còn là ốc đảo bình yên. Và từ sau ngày 13/11/2015 tại Paris, tất cả đều hiểu rằng các sự kiện bóng đá lớn bây giờ đều chứa đựng nguy cơ. 

BÀI TOÁN HÓC BÚA CỦA FERMAT

Với nước Pháp, EURO 2016 trở thành một “giờ G” mà nghĩ đến không ít người cảm thấy rùng mình. Vì thể diện quốc gia, sẽ khó có chuyện hủy bỏ một giải đấu thể thao lớn thứ 3 thế giới, nhưng vì an ninh, điều gì sẽ đến, điều gì phải làm và làm ra sao lại là cả một câu chuyện khác.

Chỉ nửa tháng sau khủng bố Paris, nước Pháp và thủ đô Paris đã tổ chức thành công về mặt an ninh Hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu - COP 21, một sự kiện lớn nhất mà Pháp từng tổ chức, với sự góp mặt của hơn 100 nguyên thủ quốc gia và khoảng 40.000 quan khách, kéo dài suốt 2 tuần. 

Về mặt kỹ thuật và quản trị, có lí do để tin tưởng vào các nhà chức trách Pháp. Nhưng EURO 2016 lại không phải là một sự kiện như COP 21 bởi nó không gom tất cả vào một nơi để có thể lập một khu vực bất khả xâm phạm.
EURO 2016 diễn ra gần 1 tháng và ngoài các sân vận động, còn có các fan zone, nơi đã trở thành không thể thiếu của tất cả các kỳ World Cup hay EURO từ nhiều năm qua. Làm sao để đảm bảo an ninh cho từng đấy con người, ở từng đó địa điểm, trong từng đó thời gian là một bài toán khổng lồ.


Trước mắt, như quyết định mà Bộ Nội vụ Pháp đưa ra, có 2 việc cụ thể cần phải làm ngay lập tức. Một, nghiên cứu khả năng lắp đặt cửa từ an ninh tại tất cả các sân vận động, giống như tại sân bay. Hai, nới lỏng quy định và tăng cường hỗ trợ để các công ty an ninh tư nhân nhanh chóng tuyển thêm nhân viên. 

Với việc đầu tiên, vấn đề quan trọng nhất là tiền vì để đầu tư cho cả 10 sân vận động các thiết bị an ninh hiện đại là cả một vấn đề. Với biện pháp thứ hai, quan trọng nhất cũng vẫn là… tiền. 

Đây chính là bài toán khiến người Pháp đau đầu bởi nó có lẽ còn hóc búa hơn việc chứng minh Định lý lớn của nhà toán học Fermat để lại.


FAN ZONE HAY KHÔNG FAN ZONE?

Do sự phân cấp về hành chính ở Pháp, các fanzone được quy định như sau: nhà nước, ở đây là cảnh sát quốc gia, sẽ lo an ninh vòng ngoài, từ cửa fanzone vào trong, chính quyền địa phương phải lo, tức chuyện thuê nhân viên an ninh tư nhân là chuyện của các địa phương, nhà nước không trả tiền cho việc đó. 

Rắc rối nảy sinh từ đây. Các chính quyền địa phương ở Pháp thường không dư dả về tài chính. Saint-Denis, nơi có sân Stade de France, là một trong những thành phố nghèo và nhiều tội phạm nhất nước Pháp. Ở Lille, sân Pierre Mauroy cũng nằm ở ngoại ô nghèo. Tương tự là ở Lens, ở Saint-Etienne… 

Khi chi phí đội lên mà fanzone lại hoàn toàn miễn phí cho khán giả, các chính quyền địa phương sẽ tìm cách thoái lui nếu không được trợ giúp từ UEFA. Mặt khác, mọi chi phí nặng nhất, như sửa chữa, cải tạo SVĐ hay chi phí an ninh, đều do Pháp đảm nhiệm. Sự nhượng bộ để đạt những mục đích chính trị và truyền thông, cùng lợi ích tương đối mơ hồ về du lịch, đang khiến Pháp lúng túng khi gánh nặng an ninh bỗng nhiên tăng vọt.

Đã có những ý kiến đòi đóng cửa fanzone. Lí do, dĩ nhiên rất thuyết phục: an ninh. Ở Bordeaux, sau khi rất vất vả thương lượng với các công ty an ninh tư nhân, fanzone mới được giữ nhưng tại Strasbourg, khả năng lớn là sẽ không có fanzone vì cho đến hiện tại, chỉ có một lí do được đưa ra là “an ninh không đảm bảo”. 

Ở các thành phố khác, một số “giải pháp” kỳ quặc đang được tính đến: không đặt màn hình khổng lồ trong fanzone, không truyền trực tiếp các trận đấu, hoặc nếu truyền trực tiếp thì phải chậm 20 - 30 phút. Rất khó tưởng tượng, một fanzone sẽ như thế nào nếu cái mà các CĐV muốn xem nhất là bóng đá thì lại không có màn hình hay phải đợi hết trận mới có thể xem? 

Điều này thì Bộ Nội vụ Pháp không quan tâm. Một thông cáo báo chí của Bộ khẳng định: nếu trận đấu phải hủy, nó sẽ phải hủy. Vấn đề còn lại là các Ủy ban UEFA ngồi lại tính toán với nhau xem trong trường hợp đó thì phải sửa lại luật lệ và lịch thi đấu như thế nào cho hợp lý.

EURO 2016 chưa diễn ra, nhưng những gì hứa hẹn phía trước, có vẻ không hấp dẫn chút nào.

Càng ngày, UEFA lại phải móc hầu bao nhiều hơn và đến EURO 2016, trên danh nghĩa là Pháp tổ chức nhưng nước chủ nhà chỉ có phần góp vỏn vẹn 5%. 95% còn lại là của EURO 2016 SAS, một công ty của UEFA. Để so sánh, 12 năm trước, khi EURO tổ chức ở Bồ Đào Nha, LĐBĐ Bồ Đào Nha chiếm 46%. Với 5% đóng góp ít ỏi, dù EURO 2016 có thành công, thu về (dự kiến) 2 tỷ euro và lãi khoảng 700 - 900 triệu euro, phần của nước Pháp được chia rất ít.

VCK EURO 2016 diễn ra trên 10 thành phố trải khắp nước Pháp trong một tháng trời, dự kiến thu hút khoảng 700 - 800 ngàn CĐV từ khắp châu Âu, chưa kể hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi đổ về Pháp trong Hè có thể nhân dịp này hòa cùng không khí bóng đá. 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất