Nhà sưu tập Phạm Ngọc Quốc Cường: Tay chơi săn lùng những chiến lợi phẩm vô giá

KHÔI NGUYÊN
05:48 ngày 03/06/2024
Khi ngồi đối diện với Quốc Cường, tôi đã biết trước rằng đây là một tay chơi “có số má” chứ không đơn thuần là CĐV bóng đá cuồng nhiệt. Đã có quá nhiều nội dung viết về người đàn ông này trên Internet, tất cả đều toát lên sự trầm trồ, thán phục độ chất chơi, chịu chơi của Cường.

CUỐN SỔ TÌNH YÊU

Có vẻ Cường cũng đã quen với điều đó, một sự quen thuộc đầy tự hào. Đúng thế, bởi Cường sở hữu toàn những vật phẩm “đỉnh của chóp” mà mọi tín đồ túc cầu giáo phải ao ước. Chiếc áo đấu của Diego Maradona, của Lionel Messi, của Cristiano Ronaldo hay của nhiều người hùng sân cỏ khác vốn dĩ đã đủ làm choáng ngợp giới fan cuồng. Nhưng những chiếc áo đấu trong bố sưu tập của Cường mới là vô giá khi lưu giữ dấu tích riêng của cầu thủ, hoặc gắn liền với những trận đấu đặc biệt.

Thế nên, chuyện Cường quen với tiếng trầm trồ cũng là “tất lẽ dĩ ngẫu”. Bởi có ai trong giới này, kể cả ở Việt Nam, châu Á hay thế giới, lại được nhiều danh thủ đích thân quay video ký áo và nói rành mạch rằng chiếc áo đó được dành tặng cho “Mr Cường”. Nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn thoả mãn với câu chuyện Cường kể về những chiếc áo. Vẫn còn thiếu một tuyến tính để người “ngoại đạo” như tôi có thể thấu đáo cuộc chơi mà Cường đang theo đuổi, cho đến lúc anh buột miệng nói về những cuốn sổ cắt dán đầy hình ảnh danh thủ túc cầu từ hồi còn là cậu nhóc 7-8 tuổi. Bingo, trúng phóc!

Cuốn sổ ghi chép thông tin bóng đá đã được anh Cường gìn giữ từ hồi học cấp 1

Hoá ra, xuất phát điểm của gã trai này cũng như bao người khác. “Sập bẫy” quả bóng tròn vào một buổi tình cờ nào đó, chấn động trước một pha bóng hay một chân dung nào đó, để rồi tự nguyện gia nhập thứ tôn giáo mê hoặc này. Với Cường, đó là hình ảnh “Cậu bé vàng” Diego Maradona khóc như mưa sau thất bại ở trận chung kết World Cup 1990. Hồi ấy Cường mới 7 tuổi, và rồi những giọt nước mắt của Maradona đã chảy vào tâm hồn của cậu như thể đó là nước thánh rửa tội cho một tín đồ mới. Nó cũng xác tín tình yêu lớn lao và mãnh liệt của chú nhóc dành cho Maradona, ĐT Argentina và sau này là Lionel Messi.

Kể từ ngày đó, những buổi sáng bụng rỗng xuất hiện. Tiền mẹ cho Cường ăn sáng đã được dùng để mua nhật báo thể thao, những ấn phẩm tin nhanh vào dịp World Cup hay EURO. Đọc xong Cường lại hì hục cắt hình cầu thủ, trận đấu để dán trang trọng vào một cuốn sổ, kèm những dòng chữ non nớt, nguệch ngoạc ghi chép thông tin.

Có thể ai cũng có một cuốn sổ như thế, song không nhiều người giữ gìn được đến tuổi trưởng thành, tuổi trung niên hay cuối đời. Chính vì thế, tôi hơi sững sờ khi cầm trên tay cuốn sổ của Cường. Có rất nhiều hình ảnh quen thuộc giúp ta phóng chiếu lại ký ức xa xưa. Chúng vẫn được gìn giữ cẩn thận một cách có ý thức sau hơn 30 năm, đi theo chủ nhân từ một nhóc tì lớp 2 đến nay đã là một người đàn ông trung niên.

CUỘC CHƠI VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU

Nhờ cuốn sổ này, tôi đã nhìn cuộc chơi của Cường với giác độ khác, không còn nụ cười nhẹ khi nghe Cường thao thao về bộ sưu tập toàn “hàng chất lượng cao” mà anh dự định sẽ hình thành trong khoảng 2 năm nữa. Tiền, mối quan hệ rộng rãi, sự khôn khéo của doanh nhân có thể là chất xúc tác để đem về mọi chiếc áo đấu giá trị nhất, nhưng nó phải được dẫn đường bằng tình yêu bóng đá.

Cường đã từng rất khao khát một chiếc áo đấu của MU. Thời điểm Cường lớn lên cũng là lúc giải Ngoại hạng Anh đổ bộ vào Việt Nam, thế hệ fan cuồng “Quỷ đỏ” đầu tiên cũng phần lớn được hình thành trong giai đoạn này. Theo trí nhớ của Cường, khi đó ở Hà Nội chỉ có duy nhất một shop bán đồ MU tọa lạc trên phố Tràng Tiền. Tuy nhiên, ở đó cũng chỉ bày bán vài chiếc áo đấu bản thương mại với giá cao ngất ngưởng, ngoài tầm với của Cường.

Anh Quốc Cường sưu tầm rất nhiều kỷ vật bóng đá giá trị

Đến hôm nay, khi nhìn lại hành trình, Cường thấy mình đã đi được rất xa. Cường không còn thèm muốn hay có nhu cầu sưu tập những món đồ thương mại, bởi việc đó quá dễ dàng. Anh tập trung vào những vật phẩm có giá trị đặc biệt, hiếm hoi mà có tiền cũng chưa chắc mua được. Chúng là những chiếc áo do chính tay cầu thủ ký lên, những sản phẩm chỉ sản xuất cho những sự kiện đặc biệt. Và ở tầng cao nhất chính là áo đấu đã được cầu thủ mặc ra sân (thuật ngữ tiếng Anh là match worn shirt) vẫn còn lưu giữ mồ hôi, vết giày đạp vào, vết xé rách… Đó là những món đồ độc bản “là riêng, là duy nhất”.

Trong kho báu của mình, Cường khoe có khoảng 1.000 chiếc áo đấu, bao gồm khoảng 70 match worn shirt. Về giá trị của bộ sưu tập, Cường xin phép không nêu con số cụ thể vì với anh chúng là vô giá, nhưng lại hào hứng chia sẻ về hành trình công phu để săn lùng từng món đồ đó.

Cơ duyên khởi sinh vào năm 2002, khi Cường sang Pháp du học. Tại đây, anh đã thiết lập những mối quan hệ bạn bè và đối tác làm ăn. Họ chính là những người sẽ giúp cho đam mê sưu tập của Cường tuy khởi đầu muộn nhưng lại sớm đạt thành tựu. Nói thế bởi mãi đến năm 2015 anh mới bắt đầu hiện thực hoá giấc mơ sở hữu những áo đấu mà mình từng thèm khát trong vô vọng lúc nhỏ. Đặc biệt hơn, Cường xác định rằng mỗi món đồ ấy phải là một mảnh kỷ vật gắn với cầu thủ anh hâm mộ.

KỸ NĂNG NHÀ NGHỀ ĐỂ NUÔI ĐAM MÊ

Cường đã vận dụng kỹ năng của dân quản trị tài chính vào cuộc chơi. Thông qua một nhóm bạn, Cường nhờ họ tiếp cận với các đầu mối thân quen của cầu thủ như đồng đội, người đại diện để đặt vấn đề muốn có một chiếc áo đấu. Chiến lược của Cường khá thông minh khi nhắm đến những đầu mối có gốc gác châu Phi, bởi họ dễ đồng cảm và sẵn sàng hợp tác hơn người châu Âu. Vậy nên những chiến lợi phẩm đầu tiên của Cường là áo đấu của các cầu thủ gốc Phi như Hakimi, Saliba, Koulibaly hay nhờ Riyad Mahrez mà anh có mặt trên sân trong ngày Man City ăn mừng vô địch Premier League 2022/23.

Doanh nhân Quốc Cường trong một lần tiếp xúc với ngôi sao Mbappe

Sau đó là chiến thuật “hòn tuyết lăn”, cứ mỗi khi kết nối được với một người đại diện này, Cường lại được giới thiệu cho người đại diện của cầu thủ khác. Từ đó, mối quan hệ được mở rộng, uy tín nâng cao hơn, để rồi Cường không chỉ sở hữu được các áo đấu mơ ước, mà anh còn làm được chuyện vô tiền khoáng hậu là nhờ các cầu thủ quay video ký và nói lời trao tặng cho mình. Đã có hơn 30 cầu thủ, trong đó có ngôi sao Son Heung-min của Tottenham gửi video cho Cường. Ngay cả những chiếc áo match-worn quý hiếm tại những giải đấu lớn như World Cup cũng nằm trong bộ sưu tập của Cường.

Áo match-worn EURO hay World Cup là đồ siêu hiếm vì mỗi cầu thủ chỉ thi đấu tối đa 7 trận, số lượng áo ít mà nhu cầu lưu niệm lại cao nên hầu như không lọt ra ngoài. Để có được chiếc áo như vậy, Cường phải tìm cách lọt vào khu khán đài dành cho gia đình cầu thủ, ngồi nán lại sau trận đấu, đợi đến khi “mục tiêu” ra gặp vợ con thì mới tiếp xúc được. Và Cường chỉ lấy những chiếc áo match-worn được trao trực tiếp chứ không thông qua giao dịch hay đấu giá, vốn không dễ kiểm chứng đó có đúng là chiếc áo đã được mặc thi đấu hay không.

Anh cũng gặp trực tiếp rất nhiều danh thủ để chụp ảnh trang trọng và riêng tư, coi đây như một thứ bảo chứng về nguồn gốc chiếc áo mình có. Cường đã từng gặp mặt riêng các ngôi sao lẫy lừng hàng đầu như Ronaldo “béo”, Messi, Kylian Mbappe; đã sở hữu những chiếc áo đấu ký “tươi”, giày đã dùng thi đấu của nhiều danh thủ.

Cuộc chơi của Cường có vẻ đã đạt đến tầm vóc ít nhân vật nào sánh được. Tuy nhiên, niềm đam mê của anh vẫn còn rất mãnh liệt. Mỗi chiếc áo đấu, mỗi tấm ảnh chụp cùng cầu thủ vẫn chỉ là một mảnh ký ức mà Cường háo hức muốn dán vào cuốn sổ tình yêu của mình. EURO 2024, chắc chắn Cường sẽ lại xuất hiện ở một góc khán đài nào đó để tiếp tục săn lùng những chiến lợi phẩm mới.

#
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất