Bức tường Berlin đổ xuống cách đây đã tròn 35 năm, thế giới kể từ đó vẫn luôn nhìn nước Đức là một cường quốc kinh tế chính trị. Còn bản thân người Đức vẫn có những chia rẽ nhất định giữa phía Đông và Tây. Người ta không công khai nói nhiều về nó, nhưng ở trong chăn mới biết chăn có gì.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo), số tiền mà các vị khách quốc tế mang lại cho nền kinh tế Đức trong vài tuần tới sẽ lên đến con số 1 tỷ euro, giúp GDP của nước này tăng khoảng 0,1%.
Nhà nghiên cứu Gerome Wolf của Ifo cho biết thời gian đầu diễn ra World Cup 2006, lượng khách nước ngoài tới Đức và nghỉ qua đêm tăng 25%. Nếu các giá trị và thông số tương tự lặp lại với EURO 2024, sẽ có thể có thêm khoảng 1,5 triệu lượt lưu trú qua đêm trong những tuần tiếp đến. Tất nhiên, doanh số bán hàng và giá cả của ngành nhà hàng, khách sạn cũng sẽ tăng theo.
EURO 2024 diễn ra trên 10 thành phố, hứa hẹn đem lại tiềm năng kinh tế đáng kể, bao gồm các thành phố lớn Berlin, Munich, Stuttgart và Hamburg. Chỉ riêng Berlin dự kiến sẽ đón 2,5 triệu du khách trong vài tuần tới, trong đó có khoảng 1,9 triệu du khách đến từ nước ngoài.
Nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn vào danh sách các địa điểm, ta sẽ thấy chỉ có 2 trong số 10 thành phố này thuộc Đông Đức là Berlin và Leipzig. Các đội bóng cũng thích ở phía Tây hơn. Trong tổng số 24 đội tham gia, cũng chỉ có 2 đội dựng đại bản doanh ở Đông Đức: Croatia ở Brandenburg và Anh ở Thuringia.
Nhưng tại sao Đông Đức không có cái “đặc quyền” đó? Berlin phân chia thành phía Đông và Tây, nhưng “hào quang” của thủ đô vẫn mang đậm màu sắc Đông Đức, là nơi diễn ra tới 6 trận đấu của EURO này (trong đó có trận chung kết) nhưng thậm chí SVĐ Olympia cũng nằm ở phía Tây thành phố.
Thật ra thì mọi chuyện cũng không có gì quá khó hiểu và... bất công. Đông Đức có rất ít SVĐ bóng đá lớn đủ khả năng tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ như vậy. Ngay từ đầu cũng có rất ít thành phố phía Đông đăng ký là đơn vị tổ chức các trận đấu ở EURO. Cùng với Berlin, Leipzig, chỉ có Dresden đăng ký với Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) vào năm 2017.
Ngay cả với trường hợp của Leipzig, thành phố này cũng chỉ có một sân vận động với sức chứa 42.000 chỗ ngồi, là đấu trường nhỏ nhất của EURO. Sức chứa này ít hơn đáng kể so với sân Volkspark của Hamburg (khoảng 50.000 chỗ ngồi) hoặc sân vận động Olympia tại Berlin (75.000 chỗ ngồi).
Tây Đức vốn giàu có hơn, giờ họ lại tiếp tục giàu và hưởng lợi lớn từ EURO và nếu không có gì thay đổi, điều này sẽ còn tiếp diễn một thời gian dài mỗi khi Đức là chủ nhà một sự kiện lớn nào đó. Tất nhiên, các thành phố của Đức không chỉ hy vọng vào hiệu quả kinh tế thuần túy. Hình ảnh đất nước cũng cần được trau chuốt vì ngoài hàng triệu du khách từ nước ngoài, EURO sẽ được phát sóng tại 210 quốc gia.
Cổng thông tin du lịch chính thức Visit Berlin đã nhấn mạnh về “hiệu ứng quảng cáo vô giá” này. Đông Đức, tất nhiên, cũng chẳng được hưởng mấy lợi ích từ điều này. Đó là chưa bàn tới việc Đảng cực hữu AfD đã giành thắng lợi áp đảo ở các thành phố phía Đông và các vị khách quốc tế, nếu đủ bận tâm về chính trị, chắc cũng đã biết điều này từ trước. Cách biệt tư tưởng, kinh tế sau EURO giữa Đông và Tây Đức liệu có tiếp tục trở nên sâu sắc hơn hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng những gì người ta nhìn thấy trước mắt cũng không cho thấy một tương lai khả quan hơn.
Như thường lệ, dù là một cường quốc hay một đất nước đang phát triển, thì hệ lụy của chiến tranh cũng để lại những lỗ hổng và mâu thuẫn tư tưởng nặng nề hơn những gì mọi thứ thể hiện ra ngoài cho mảnh đất đó. Tôi nhớ trong một lần nói chuyện về bóng đá với người bạn cũ người Đông Đức, khi nhắc tới Toni Kroos và Michael Ballack đơn giản với tư cách cầu thủ, anh chẳng ngần ngại nói: “À, người Đông Đức chúng tôi là vậy”. Dù rằng đến tận bây giờ, tôi cũng chưa hiểu thực sự rõ cái vế “là vậy” có thể sâu xa đến mức nào.