Bằng cách loại Bồ Đào Nha (0-0; luân lưu 5-3) trong một ngày thi đấu đầy căng thẳng tại tứ kết EURO 2024, Pháp đã có lần thứ 4 lọt vào ít nhất tới bán kết ở các giải đấu lớn (EURO/World Cup). Đây là một tần suất dày đặc mà không có bất cứ đội tuyển châu Âu nào sánh kịp trong vòng 12 năm qua. Điều đó đồng nghĩa với việc kể từ khi Deschamps lên dẫn dắt Les Bleus vào mùa Hè 2012, đội bóng áo lam đã có lần thứ 4 lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất ở 1 giải đấu lớn, sau chức vô địch World Cup 2018 và 2 lần giành ngôi á quân EURO 2016, World Cup 2022.
Và Pháp của Deschamps đang bị chê là xù xì, xấu xí tại EURO 2024 khi vào bán kết mà chưa ghi được bàn thắng nào từ các tình huống bóng sống (2 bàn phản lưới nhà của đối thủ và 1 bàn từ chấm penalty của Kylian Mbappe). Tuy nhiên, nhìn chiều ngược lại, cũng chưa từng có bất cứ đội bóng nào xuyên thủng lưới Les Bleus từ tình huống bóng sống (bàn thua duy nhất của họ là từ một quả pennalty được thực hiện lại của Robert Lewandowski).
Vậy, với tần suất vào chơi ở bán kết nhiều như vậy trong vòng 12 năm qua, Pháp đứng ở đâu của châu lục và thế giới? Ở châu Âu, mọi thứ đều rất đơn giản: Pháp giống hệt Real Madrid – không ai làm tốt hơn đội bóng áo lam. Sau khi vượt qua Thụy Sĩ, Anh có lần thứ ba lọt vào bán kết một gải đấu lớn, sau World Cup 2018 và EURO 2020. Trong khi các đội xếp sau là Đức (2014, 2016) và Tây Ban Nha (2020 và 2024) cùng có 2 lần. Và ở cùng thời kỳ, Pháp là đội tuyển châu Âu duy nhất tranh tài nhiều trận chung kết nhất (3 lần, trong trường hợp vượt qua Tây Ban Nha thì sẽ có 4 lần). Anh, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới chỉ có 1 lần.
Tuy vậy, dù vô đối ở châu Âu, Pháp vẫn phải đứng sau một quốc gia khác trên thế giới: Argentina. Lionel Messi và các đồng đội đã chơi tổng cộng 7 trận bán kết World Cup và Copa America từ năm 2012, bao gồm cả giải đấu năm nay, nơi Albiceleste đã vượt qua Ecuador trên chấm phạt đền. Argentina cũng đã chơi 5 trận chung kết và giành được 2 chức vô địch trong giai đoạn này.
Chỉ có điều, để làm được như vậy thì Copa America đã tổ chức 5 kỳ trong vòng 9 năm, so với chỉ 3 kỳ EURO trong vòng 12 năm. Brazil cũng được hưởng “lợi thế” tương tự, nhưng mới chỉ có 3 lần lọt vào bán kết một giải đấu lớn sau hơn 1 thập kỷ qua. Selecao vừa bỏ lỡ cơ hội lần thứ 4 vào vòng 4 đội mạnh nhất khi để thua Uruguay trên loạt đá luân lưu đầy may rủi ở tứ kết năm nay. Và cuối cùng, Ghana cũng đã chơi 4 trận bán kết, nhưng với tổng số giải CAN nhiều nhất: 7 lần từ năm 2012.
Nếu tính từ năm 2000 thì thành tích của Pháp kém đi một chút. Bất chấp chức vô địch EURO 2000, Pháp cũng mới có 6 lần lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất tại các giải đấu lớn và “chỉ” xếp thứ 4 trên BXH. Argentina (9 lần), Nigeria (8) và Đức (7) xếp trên Les Bleus (Brazil cùng có 6 lần lọt vào bán kết tại các giải đấu lớn từ năm 2000, Ghana cũng có 6 lần). Brazil đã bỏ lỡ cơ hội vượt qua người Pháp sau khi để thua Uruguay tại tứ kết Copa America được tổ chức ở Mỹ năm nay.
Argentina vô đối
Từ năm 2000, Pháp đã giành quyền vào chơi ở 5 trận chung kết EURO/World Cup và giành 2 chiến thắng. Thành tích này ngang bằng với Brazil và Ai Cập, nhưng vẫn đứng sau Argentina những người đã đá 7 trận chung kết ở các giải đấu lớn. Xét về danh hiệu, Selecao lại thống trị với 4 chiến thắng (1 World Cup và 4 Copa America), xếp sau họ là Tây Ban Nha, Ai Cập và Cameroon (3 lần). Argentina, Pháp, Chile, Bờ Biển Ngà và Italia cùng có 2 chức vô địch World Cup/châu lục.