EURO "chất lượng" hơn World Cup
Chức vô địch World Cup chỉ do châu Âu và Nam Mỹ tranh chấp. Nói thẳng ra thì chỉ do các đội châu Âu tranh chấp với Brazil, Argentina (Uruguay chỉ có thể tranh chấp ngôi cao trong thời kỳ xa xưa). Mà Brazil giờ đã suy yếu đến mức độ chưa từng thấy. Còn khi Argentina vô địch World Cup 2022, đấy là chức vô địch đầu tiên của họ trong 36 năm ở đấu trường này. Thế nhưng, chỉ có 13/32 chỗ của “sô diễn hành tinh” dành cho bóng đá châu ở kỳ World Cup gần đây nhất, coi như gấp đôi số đại diện châu Á (6 đội).
Trong 8 kỳ World Cup gần đây nhất, khó mà đếm cho hết bao nhiêu anh tài của bóng đá châu Âu phải làm khán giả World Cup – vì “quota” khá hạn hẹp mà FIFA dành cho châu Âu chứ không phải vì họ kém tài. Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Ý… đều đã bị loại khỏi World Cup trong kỷ nguyên hiện đại. Đan Mạch, Hy Lạp và Ý thậm chí còn vắng mặt ở World Cup ngay khi họ đang là nhà vô địch châu Âu!
Ở một khía cạnh nào đó, chất lượng chuyên môn của World Cup thấp hơn EURO, vì sự bất hợp lý vừa nêu. Cựu danh thủ TBN Xavi Hernandez từng nói: “Vô địch EURO khó hơn vô địch World Cup, vì EURO không có đội nào quá yếu. Ở World Cup, bạn sẽ được đá với các đội như Honduras hoặc Saudi Arabia”. Nói hơi… khó nghe, nhưng đấy là sự thật phũ phàng. Khi Đan Mạch vô địch EURO 1992, họ phải gặp Anh, Pháp, Thụy Điển ở vòng bảng; Hà Lan và Đức ở giải đoạn knock-out. Còn khi Hy Lạp vô địch EURO 2004, họ đã thắng BĐN (2 lần), Pháp, CH Czech. Pháp vô địch EURO 1984 và tuy có mặt tại World Cup 1986 (vào bán kết), họ đã bị loại ở 2 kỳ World Cup kế tiếp (1990, 1994). Rồi khi trở lại ở World Cup 1998 nhờ tư cách chủ nhà thì Pháp… vô địch World Cup.
Cân bằng hơn
Khi vô địch kỳ EURO gần đây nhất (2020), Italia gặp Áo, Bỉ, TBN, Anh ở giai đoạn knock-out. Họ chỉ thắng một trận trong giờ thi đấu chính thức (2-1 trước Bỉ). Còn lại đều là chiến thắng trong hiệp phụ hoặc thắng luân lưu 11m. Trước đó, chức vô địch EURO duy nhất của Italia là vào năm 1968: họ… không thắng trận nào trong giờ thi đấu chính thức (tung đồng xu để vượt qua Liên Xô ở bán kết và thắng Nam Tư trong trận tái đấu sau khi hòa trận đầu).
Trận hòa 0-0 giữa Italia và Liên Xô tại EURO 1968 chỉ mới là trận đấu chính thức thứ 9 trong lịch sử EURO (không tính các trận vòng loại). Hãy so sánh: 28 năm sau khi ra đời, với hàng trăm trận chính thức, World Cup mới chứng kiến trận hòa 0-0 đầu tiên (Anh hòa Brazil tại World Cup 1958).
Một cách tổng quát: số trận thắng với chênh lệch cao hơn 3 bàn trong toàn bộ lịch sử EURO chỉ đến được trên đầu ngón tay, bằng với số trận như thế chỉ trong 3 kỳ World Cup gần đây. Khoảng 2/3 số trận tại EURO 2020 là hòa hoặc chỉ chênh lệch 1 bàn. Kỷ lục về tỷ số đậm ở EURO là chênh lệch 5 bàn. Tương phản: kỷ lục về tỷ số đậm ở World Cup là 10-1 (và nhiều lần 9-0). Tỷ số cách biệt từ 4 bàn trở lên là rất phổ biến. Trong 4 kỳ World Cup gần đây, có đến 3 lần người ta ghi được 7 bàn trong một trận đấu ở World Cup.
Hệ quả rõ ràng từ đặc điểm cân bằng trong các trận đấu thuộc khuôn khổ EURO là hầu như ai cũng có thể thắng trong từng trận cụ thể. Và, ở một mức độ nào đó, ai cũng có thể… vô địch EURO. Trong 16 lần giải đã có, EURO có đến 10 nhà vô địch. Và đấy là còn chưa có Anh – đội duy nhất trên thế giới đã vô địch World Cup nhưng chưa từng vô địch châu lục.
Tính chuyên môn cao
Công thức chung cho một đội bóng châu Âu chuẩn bị chiến thuật trước khi bước vào World Cup: chọn đội có cùng đặc điểm với đối thủ ở VCK World Cup để đá giao hữu – và đấy thường là đặc điểm liên quan đến vấn đề trường phái, văn hóa bóng đá, hơn là chiến thuật. Ai sắp gặp Cameroon ở World Cup thì sẽ đá giao hữu với Nigeria, hoặc một đội Tây Phi nào đó. Ai sắp gặp Iran thì sẽ đá giao hữu với Saudi Arabia; gặp Peru thì sẽ đá giao hữu với Colombia…
Trước EURO thì không có trào lưu như thế. Các đội thường hướng đến đặc điểm của chính mình (hơn là đặc điểm của đối thủ tương lai) khi chọn đối tượng giao hữu. Đức đang có vấn đề về tiền đạo hoặc sức tấn công nói chung, thì đá giao hữu với Pháp và Hà Lan vốn là các đội không chủ trương phòng thủ dày đặc. Anh muốn rà soát khả năng đương đầu với đối thủ mạnh thật sự, thì đá giao hữu với các đội mạnh như Brazil, Bỉ. Ai cần rà soát khả năng phòng ngự thì sẽ đá với đội giỏi tấn công.
Ngoài vài nước Bắc Âu vì quá lạnh nên phải tránh mùa đông, với giải VĐQG diễn ra từ tháng 3 đến tháng 10, tuyệt đại đa số các nước châu Âu có mùa bóng diễn ra từ tháng 8 đến tháng 5. Hệ quả là họ có sự đồng nhất về lịch thi đấu quanh năm và thời gian chuẩn bị như nhau trước khi bước vào EURO (hoặc World Cup). Điều này khác hẳn với các đội Nam Mỹ, châu Á, châu Phi… vốn có mùa bóng khác nhau về mặt thời gian, nhưng đều phải bước vào World Cup trong mùa hè.
Tóm lại, tính chuyên môn của EURO đã cao hơn World Cup ngay từ trước khi giải đấu khai diễn. Giới cầm quân hầu như chỉ tập trung vào mỗi việc quan trọng nhất là nghiền ngẫm chiến thuật, trong hoàn cảnh tất cả đều đã biết nhau rất rõ và tương đồng về nhiều vấn đề quan trọng ngoài sân cỏ.
Ở World Cup, người ta còn được xem hoàng thân Kuwait bước từ khán đài xuống sân và “bảo” trọng tài hủy một bàn thắng. Báo giới hỏi Roger Milla về tin đồn đội Cameroon luôn thui một con gà trước mỗi trận đấu. “Chuyện ngoài lề” của World Cup thì luôn đầy ắp qua từng giải đấu. Ngược lại, sẽ chỉ có bóng đá, và là bóng đá đỉnh cao với tính chuyên môn đậm đặc, để giới mộ điệu thưởng thức trong suốt một tháng diễn ra EURO. Ai thích xem bóng đá thuần túy sẽ thực sự mãn nhãn, thấy rằng EURO hay hơn cả World Cup. Ngược lại, EURO không dành cho những người hâm mộ thích xem “chuyện bên lề”!
8/10 đội Top 10 dự EURO 2024
Tất cả các đội bóng châu Âu năm trong top 20 trên bảng xếp hạng FIFA đều có mặt tại VCK EURO 2024. Đặc biệt hơn, 8/10 đội được FIFA xếp hạng cao nhất, gồm Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, BĐN, TBN, Ý, Croatia (2/10 đội mạnh nhất còn lại của bảng xếp hạng này dĩ nhiên là Argentina và Brazil), là thuộc châu Âu, và tất nhiên là đều tranh tài ở Đức Hè này. Tóm lại, mọi anh tài của bóng đá châu Âu đều có mặt, để EURO 2024 đúng nghĩa là một cuộc đua giành chức vô địch châu Âu.