Đúng ở thời điểm không ai ngờ tới nhất, Tây Ban Nha đã đấm gục Đức. Không chỉ 1 mà tận 2 lần, với những pha lập công của Olmo và Merino. Một "Bò tót" bản lĩnh, lạnh lùng đã chơi lấn lướt hoàn toàn một "Cỗ xe tăng" bị choáng ngợp bởi lối chơi thiên biến vạn hóa của đối thủ.
Nhưng thực tế, Đức không chỉ bị "bắt vía" bởi Tây Ban Nha phiên bản De la Fuente, mà La Roja thực sự là "ngáo ộp" với người Đức ở những giải đấu lớn suốt từ năm 1988 cho tới bây giờ.
Và với những người tâm linh, họ hoàn toàn có thể khẳng định rằng cứ đánh bại Đức là Tây Ban Nha sẽ vô địch. Thật vậy, tại EURO 2008, bàn thắng kinh điển của Fernando Torres giúp La Roja đánh bại Đức ở trận chung kết. Sau đó 2 năm, ở bán kết World Cup 2010, cũng với tỷ số 1-0, Tây Ban Nha một lần nữa khiến Đức ôm hận. Sau đó, thầy trò Del Bosque tiến vào chung kết và thắng nốt Hà Lan.
Ngoài ra, Tây Ban Nha còn thắng Đức với tỷ số của một sét tennis 6-0 tại UEFA Nations League 2020/21 và loại đối thủ ở vòng bảng World Cup 2022. Chính vì thế, với việc đánh bại Đức để vào tới bán kết, tham vọng vô địch EURO 2024 của La Roja lại được củng cố rất nhiều.
Ngoài ra, tại Stuttgart, Tây Ban Nha cũng đã chính thức chấm dứt lời nguyền thua các đội chủ nhà tại các kỳ EURO và World Cup. Lần đầu tiên trong lịch sử, La Roja giành chiến thắng trước đội bóng đăng cai giải đấu.
Lùi về quá khứ, Tây Ban Nha từng nhiều lần không thể vượt qua các đội chủ nhà.
Tại World Cup 1934, Tây Ban Nha lần đầu tiên tham dự giải đấu. Ở tứ kết, họ phải đối đầu với Italia trên đất Florence. "Chẳng ai biết liệu chiến thắng đó có chính đáng hay không", các nhà báo Italia nói trong nhiều năm qua về hai trận đấu, bởi vì một trận play-off đã được tổ chức, điều này khiến cho World Cup 1934 bị phủ bóng bởi hình ảnh của Benito Mussolini. "Vụ cướp thế kỷ" là biệt danh mà người ta đặt cho trận đấu đó.
Kỳ World Cup 1950 tại Brazil là cơ hội tốt nhất để Tây Ban Nha chạm đến chức vô địch. Sau vòng bảng hoàn hảo, chức vô địch được quyết định trong vòng play-off giữa bốn đội nhất bảng: Tây Ban Nha, Brazil, Uruguay và Thụy Điển. Tuy nhiên, thảm bại 1-6 trước chủ nhà Brazil khiến giấc mơ của Zarra và các đồng đội tan vỡ.
EURO 1980 là kỳ EURO đầu tiên có sự tham gia của 8 đội bóng. Tây Ban Nha ra quân với trận hòa 0-0 trước chủ nhà Italia tại San Siro, điều khiến các tifosi không hài lòng. Sau đó, đội bóng của Kubala không tận dụng được lợi thế: họ thua Bỉ và Anh, và phải dừng bước.
Sau cú sốc World Cup 1982, Tây Ban Nha đã tiến tới trận chung kết EURO 1984. Họ đến Paris nhờ các bàn thắng của Maceda vào lưới Đức và Đan Mạch. Nhưng họ đã không thể chiến thắng tại Parc des Princes trước một Pháp hùng mạnh của Platini.
Tại EURO 1988, Tây Ban Nha rơi vào một bảng đấu khó khăn: Đan Mạch, Italia và Đức. Sau khi đánh bại Đan Mạch ở Hannover (3-2) và thua Italia ở Frankfurt (0-1), họ phải gặp đội chủ nhà Đức trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng. Đội nào thắng sẽ đi tiếp. Và đó là Đức với chiến thắng 2-0 nhờ cú đúp của Voller.
Tây Ban Nha gặp khó khăn trong việc vượt qua vòng bảng tại EURO 1996, giải đấu đầu tiên có sự tham dự của 16 đội. Họ đi tiếp với tư cách đội nhì bảng sau Pháp và bước vào trận đấu giành vé bán kết tại Wembley gặp Anh. Đội bóng của Clemente chơi hay hơn nhiều so với đội được dẫn dắt bởi Terry Venables. Nhưng họ không ghi được bàn thắng. Những lượt sút luân lưu hỏng của Hierro và Nadal đã khiến họ phải dừng bước.
World Cup 2002 là một vết nhơ lớn trong lịch sử. Tây Ban Nha của Camacho đã ghi hai bàn thắng vào lưới Hàn Quốc ở tứ kết. Nhưng cả hai bàn thắng đều bị trọng tài Ai Cập - Al Ghandour và các trợ lý của ông không công nhận. Hàn Quốc thắng Tây Ban Nha trên chấm luân lưu, khiến ngày 22 tháng 6 năm 2002 tại Gwangju trở thành một trong những ngày đen tối nhất của La Roja.
Tiếp đó, ở EURO 2004 và World Cup 2018, Tây Ban Nha tiếp tục gặp ác mộng trước lần lượt Bồ Đào Nha và Nga. Và phải đến tận EURO 2024, La Roja mới có thể vượt qua cái dớp đáng sợ này.