Lần gặp gỡ gần nhất tại giải lớn là tứ kết EURO 2012, TBN đã đánh bại Pháp 2-0, mở đường cho chức vô địch EURO lần thứ hai liên tiếp của họ. Tuy nhiên lần này, La Roja đối mặt với hàng loạt khó khăn, đặc biệt là những chấn thương và treo giò của các cầu thủ chủ chốt sau trận “chung kết sớm” với người Đức, khiến họ rơi vào thế bất lợi.
Để đánh bại được đội chủ nhà tại một kỳ EURO lần đầu tiên trong lịch sử, TBN đã phải trả một cái giá khá đắt ở trận cầu có tới 39 pha phạm lỗi, 15 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ. Hậu vệ cánh phải Dani Carvajal bị treo giò sau khi bị truất quyền thi đấu. Robin Le Normand cũng đã nhận đủ 2 thẻ vàng từ đầu giải. Đặc biệt, tiền vệ tài năng Pedri dính chấn thương nghiêm trọng và nhiều khả năng không thể thi đấu trở lại ở EURO này, khiến tuyến giữa của TBN mất đi một cầu thủ sáng tạo quan trọng.
Dù vậy, TBN vẫn có những cầu thủ tài năng và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Dani Olmo, người vào thay chính Pedri đã có màn trình diễn xuất sắc ở tứ kết, cùng với Mikel Merino, người ghi bàn quyết định, là những niềm hy vọng lớn. Hàng phòng ngự với Aymeric Laporte và Cucurella cũng đã thể hiện sự chắc chắn trong suốt giải đấu. HLV Luis De La Fuente tự tin với nguồn lực còn lại để đối phó với Pháp: “Tôi có 26 cầu thủ đẳng cấp cao và sẵn sàng thi đấu cho những trận đấu như thế này. Nếu một người vắng mặt, sẽ có người khác thay thế. Đội bóng này tập hợp của rất nhiều tài năng bóng đá xuất sắc. Tôi biết họ sẽ không làm tôi thất vọng”.
Trong khi đó, Pháp đến với EURO 2024 với quyết tâm cao độ với đội hình thuộc vào loại mạnh nhất giải. Tuy nhiên, đội bóng xứ lục lăng thi đấu không ấn tượng, khi vượt qua vòng bảng và 2 trận vòng knock-out mà không ghi bàn thắng nào từ bóng sống.
Nhưng người Pháp cũng vừa vượt qua một ngưỡng cản về tâm lý: kể từ sau chức vô địch tại EURO 2000, Pháp đã thất bại trong cả 4 lần bước vào hiệp phụ tại EURO cũng như World Cup. Điều đó đã thay đổi sau cuộc đấu với Bồ Đào Nha và cách họ thắng trò chơi may rủi trên chấm 11 mét, trước một Diogo Costa đã cản được cả 3 quả penalty tại vòng 1/8 khi đối đầu Slovenia, cho thấy bản lĩnh của một đội bóng lớn.
Cuộc đối đầu giữa Pháp và TBN không chỉ là cuộc chiến về thể lực, kỹ thuật mà còn là sự so tài về chiến thuật và tinh thần. Cả Didier Deschamps và De La Fuente đều là những HLV xuất sắc, có khả năng đưa ra những điều chỉnh chiến thuật phù hợp để khai thác điểm yếu của đối thủ.
02h00 ngày 10/7: Tây Ban Nha vs Pháp
Pháp có lợi thế về đội hình chiều sâu và phong độ ổn định, cùng sự bùng nổ của ngôi sao Mbappe hòng xuyên phá hàng thủ Tây Ban Nha, sẽ mất 2 nhân tố quan trọng là Carvajal và Le Normand. Trong khi đó, Tây Ban Nha sẽ dựa vào khả năng kiểm soát bóng để giảm bớt áp lực từ Pháp. Lối chơi này sẽ đối mặt với một hàng tiền vệ giàu sức cơ bắp của Pháp với Tchoumameni, Kante và sự trở lại của Rabiot, bên cạnh Camavinga cũng có màn trình diễn không tồi ở trận thắng BĐN tại tứ kết. Thành bại ở cuộc đấu này nhiều khả năng sẽ được quyết định ở khu trung tuyến.
Lịch sử đứng về Pháp ở đấu trường lớn
Tây Ban Nha chiếm ưu thế khi thắng 16, hòa 7 thua 13 sau 36 lần gặp Pháp. Song ở 2 giải đấu lớn nhất, Pháp lại là đội được hưởng niềm vui nhiều hơn với 3 thắng, 1 hòa và 1 thua ở 5 lần đụng độ, đáng chú ý nhất là thắng lợi trận chung kết EURO 1984.
ĐỐI ĐẦU TÂY BAN NHA - PHÁP Ở VCK EURO VÀ WORLD CUP
1. Chung kết EURO 1984: Pháp 2-0 Tây Ban Nha
2. Vòng bảng EURO 1996: Pháp 1-1 Tây Ban Nha
3. Tứ kết EURO 2000: Pháp 2-1 Tây Ban Nha
4. Vòng 1/8 World Cup 2006: Pháp 3-1 Tây Ban Nha
5. Tứ kết EURO 2012: Pháp 0-2 Tây Ban Nha