Sở dĩ chúng tôi nói Bryant (sinh năm 2016) đặc biệt vì cậu là cầu thủ được đặc cách mang về CLB mà không thông qua tuyển chọn. Vậy, tài năng của Bryant khác biệt thế nào mà Hertha Berlin lại săn đón cậu đến thế? Gia đình Bryant sống ở ngoại ô Berlin.
Lúc chúng tôi đến là 18h00, dưới cái nắng chói chang của mùa Hè nước Đức, Bryant đang tâng bóng và tập sút ngay trong sân bóng mini nhà mình. Dáng người cậu nhỏ, nhưng chắc chắn và dẻo dai, cách đi bóng cho người ta cảm giác của một cầu thủ khoảng 16-17 tuổi với tư duy rất rõ ràng.
Theo anh Đặng Hoàng Công (bố của Bryant), từ khi mới biết đi, Bryant đã bắt đầu làm quen với trái bóng. Đến lúc 3 tuổi, cậu bé đã được chính bố tập cho đá bóng và tham gia tích cực vào các giải đấu phong trào. Mỗi tuần tham gia tập luyện 2 lần và thi đấu 1 buổi vào cuối tuần.
Cũng từ các giải đấu này, Bryant được các nhà tuyển dụng Hertha Berlin phát hiện, cảm thấy cậu bé rất có tiềm năng nên lập tức mời về thử chân. Sau 2 buổi, phía Hertha nói rằng muốn nhận ngay Bryant về CLB trong năm 2024 này.
Tuy nhiên ở Hertha lại không có đội U8, mà chỉ có từ U9. Trong khi đó, đội bóng cũ của Bryant lại ra “tối hậu thư” rằng, hoặc Bryant ở lại CLB, hoặc phải rời CLB ngay lập tức. Đứng trước tình huống đó, Hertha quyết định phá lệ: để Bryant về đá với đội lớn hơn – chính là U9 (Bryant 8 tuổi nhưng đá với lứa 9 tuổi).
Nhưng đội U9 của Hertha lại thi đấu với các đội U10 của toàn bộ thành phố Berlin. Như thế, Bryant đá với các cầu thủ hơn mình 2 tuổi. Các HLV của Hertha nhìn ra được tiềm năng của Bryant mới chấp nhận mạo hiểm mời cậu bé về trước 1 năm.
Tuần tập 4 buổi, thi đấu tuần 1-2 buổi. Kinh phí không mất đồng nào, trang thiết bị cá nhân như quần áo, giầy dép, bóng… đều do chính CLB cung cấp. Nhìn chung đội bóng sẽ tạo điều kiện để Bryant phát triển tối đa tài năng của mình. Hertha vốn là nơi có công tác đào tạo trẻ xuất sắc. Chỉ có điều khi đến tuổi chuẩn bị ký hợp đồng chuyên nghiệp thì lại bị các đội bóng khác “nẫng tài năng”.
Dù rất tài năng, nhưng Bryant cũng gặp những khó khăn nhất định tại Hertha. Thứ nhất, vóc dáng vốn đã nhỏ bé khiến cậu bị “nuốt chửng” trên sân và luôn thấp hơn các cầu thủ khác cả hai cái đầu. “Nhiều ông bố bà mẹ muốn đưa con tới thử việc nhưng không được, còn Bryant lại được các nhà tuyển dụng của CLB mời về, lại vượt lớp.
Vì thế, lần đầu tiên đến sân, bản thân không có điểm tựa nào để tin rằng con trai có thể phát triển tốt hơn, con mình không chạm được vào quả bóng nào cả. Thế nhưng đến lúc này, sau nửa năm thì các thầy đều nói Bryant đã phát triển quá tốt. Và bản thân tôi cũng thấy bao nhiêu công lao đưa đón con cũng bõ công”, anh Đặng Hoàng Công chia sẻ.
Ở lứa tuổi U9, cả khu vực này, Hertha chỉ tuyển đúng 10 người (có 4 thầy dạy), trong đó có Bryant được tuyển thẳng, với rất nhiều tiêu chí khác nhau và nghiệt ngã. Kể từ khi được mời vào U9 Hertha, Bryant (hiện đang học lớp 2) tập luyện tuần 4 buổi, phải đi 50 phút ô tô từ nhà tới sân tập và thường do bố mẹ thay nhau đưa đón.
Tại trường học văn hóa của Bryant, khi ra chơi là có sân đá bóng luôn. Với Bryant, niềm hạnh phúc là trái bóng trong chân, bất kể ở trường, CLB hay ở nhà. Lúc nào cậu bé cũng bị trái bóng “đánh cắp” mất linh hồn.
Tóm lại, Bryant được tạo điều kiện tối đa, từ gia đình, CLB, nhà trường và năng khiếu bản thân để phát triển tài năng. Và, theo gia đình Bryant, nếu tiếp tục tiến bộ và lên chuyên nghiệp, một ngày nào đó cậu cũng có thể trở về Việt Nam phục vụ ĐTQG hoặc một CLB nào đó ở trong nước.
Định hướng của gia đình
Cả gia đình Bryant đều rất yêu bóng đá. Ngoài bố từng thi đấu cho U19 Leipzig, thì anh trai cũng đá bóng nghiệp dư, còn mẹ và chị gái thì luôn là CĐV số 1 của ba bố con Bryant. Bố Bryant nhấn mạnh sẽ đầu tư hết mình cho con trai và hy vọng con được thỏa mãn đam mê, có sức khỏe và không bị chấn thương cho đến khi xác định có hợp với Hertha hay không. Nếu hợp thì gắn bó tiếp, còn không thì có thể tới các CLB khác.