Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Bundesliga
Bước ra ánh sáng
Khi nói đến những tiền vệ công sáng tạo của bóng đá Nhật Bản, người ta thường nghĩ tới Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura hoặc Shinji Kagawa. Nhưng sau lượt đi vòng 1/16 Europa League 2019/20, cái tên Daichi Kamada đang được nhắc tới với tần suất còn nhiều hơn cả những người đàn anh trong quá khứ. Chàng tiền vệ trẻ người Nhật Bản đang biến đấu trường châu Âu mùa giải này trở thành sân khấu của riêng anh với 6 bàn thắng trong 7 trận đấu.
Trước khi lập hat-trick vào lưới Red Bull Salzburg rạng sáng qua, Kamada cũng từng sút tung lưới Arsenal và Vitoria Guimaraes ở vòng bảng Europa League.
Khi Kamada cùng các đồng đội hành quân đến sân Emirates 3 tháng trước, anh từng khiến Pháo thủ ôm hận với một cú đúp trong vòng 10 phút ngay trên đất Anh. Nhờ vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Europa League có một cầu thủ châu Á dẫn đầu danh sách Vua phá lưới.
Không giống như khi thi đấu ở Bundesliga, tại Europa League, Kamada được xếp đá cao nhất trên hàng tiền vệ để thoải mái xâm nhập vòng cấm đối phương. Điều đó lý giải tại sao cầu thủ này vẫn tịt ngòi ở giải quốc nội trong khi liên tục “nổ súng” tại đấu trường châu lục.
Với cú hat-trick vào rạng sáng qua, Kamada cũng trở thành cầu thủ đầu tiên của Frankfurt làm được điều này sau 14 năm, kể từ thời Michael Thurk. Thật khó tin khi biết đội bóng Đức chỉ mất 2,5 triệu euro để chiêu mộ một chân sút xuất chúng đến thế.
Chứng kiến màn trình diễn có một không hai của Kamada, người hâm mộ bóng đá đang ví anh với Shinji Kagawa, người từng tỏa sáng dưới màu áo Dortmund. Tuy nhiên nếu so với người đàn anh ở ĐT Nhật Bản, Kamada thậm chí còn có phần toàn diện hơn nhiều.
Sở hữu chiều cao 1m84 cùng thể hình tương đương các cầu thủ châu Âu, Kamada không ngán những pha tranh chấp tay đôi. Bên cạnh đó những phẩm chất đặc trưng của một cầu thủ châu Á như kỹ thuật, nhãn quan nhạy bén vẫn được giữ nguyên.
Với cá nhân Kamada, những bàn thắng ở Europa League mùa này sẽ là bệ phóng vững chắc giúp anh chiếm một suất thi đấu chính thức ở ĐT Nhật Bản. Trước đó, anh chỉ có cơ hội được góp mặt một vài lần ở đội U21 và U23. Phải đến đầu năm ngoái, Kamada mới lần đầu khoác áo ĐTQG. Mặc dù là cầu thủ tốt, anh chưa thể so sánh với những người đồng đội về độ nổi tiếng.
Khi truyện tranh thành đời thực
Nhìn vào con đường bước lên bóng đá chuyên nghiệp của Kamada, có thể thấy anh chính là một phiên bản ngoài đời thực của những nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản.
Tài năng bóng đá được Kamada thể hiện từ năm lớp 6 khi anh chơi ấn tượng tại giải bóng đá nhi đồng toàn quốc. Theo dõi Kamada thi đấu, những tuyển trạch viên của Gamba Osaka lập tức mời anh vào đội trẻ của CLB. Dù vậy, một chấn thương suýt phá hỏng sự nghiệp của Kamada.
Trong khi nhiều người bạn đồng trang lứa được đôn lên đội trẻ Gamba Osaka, Kamada phải cay đắng rời học viện với nhận xét “yếu ớt, dễ chấn thương, không đủ khả năng chơi bóng đỉnh cao”.
Từ chỗ tương lai xán lạn, anh phải làm lại từ đầu tại đội bóng của trường cấp 3 địa phương. Nhưng tài năng có thể tỏa sáng ở bất cứ đâu. Giữa một đội bóng bị đánh giá yếu nhất nhì khu vực, Kamada một mình vực dậy thành tích cả đội với tấm băng đội trưởng.
Những lời chê bai Kamada năm nào không còn nữa, thay vào đó, hàng loạt CLB ở J-League tiếp cận anh. Tốt nghiệp phổ thông, Kamada lập tức tiến thẳng lên con đường chuyên nghiệp, và thậm chí còn ghi bàn thắng trong lần chào sân ở J-League.
Kamada thi đấu càng hay, các đồng đội càng nhận thấy tầm cỡ của anh đã vượt quá ngưỡng của J-League. Không một ai oán thán trong ngày anh quyết định ra đi để thử sức tại Frankfurt.
Khởi đầu không quá ấn tượng tại Frankfurt trong năm đầu tiên, Kamada được CLB gửi sang Bỉ thi đấu theo dạng cho mượn để trui rèn nhiều hơn với môi trường bóng đá châu Âu.
Kết quả diễn ra ngoài mong đợi khi anh ghi tới 16 bàn trong 36 trận ở mùa bóng năm ngoái. Màn trình diễn của Kamada thực sự là cứu tinh với Frankfurt khi họ lần lượt bán đi 2 chân sút tốt nhất trong mùa Hè là Sebastian Haller và Luka Jovic. Kamada trở lại đội bóng Đức, nhưng lần này là với tư cách một cầu thủ chính thức.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui mỗi khi thấy Kamada thi đấu và ghi bàn. Người buồn nhất có lẽ là Unai Emery, bởi cú đúp của anh vào lưới Arsenal chính là giọt nước tràn ly khiến ông mất ghế HLV trưởng Pháo thủ.
Họ nói gì về Kamada? 15. Nếu ở lại Bỉ chơi bóng thêm một mùa, Kamada có thể đã trở thành đồng đội của Công Phượng. Khi chiêu mộ “Messi Việt Nam”, BLĐ Sint Truidense trao cho anh chính số áo Kamada từng mặc (15) với hy vọng Công Phượng có thể làm được điều kỳ diệu |
XEM THÊM
Javi Martinez: 'Khi tôi chơi bóng, nghĩa là khi tôi… không tư duy'
Bayern được UEFA 'tiếp sức' kéo Sane
Kai Havertz - Mr Toàn năng hay gã trai thông minh nhất Bundesliga?