Ngay từ kỳ World Cup đầu tiên tổ chức tại Uruguay vào năm 1930, Guillermo Stabile đã được đánh giá là ngôi sao sáng nhất giải. Được xem như là “người mở đường” về vẻ đẹp của các tiền đạo săn bàn trên sân, Stabile rất được yêu mến nhờ 8 bàn thắng năm đó. World Cup 1978 tại Argentina, dù đặc quánh một màu khủng bố dưới chế độ độc tài của tướng Jorge Videla, vậy mà cứ hễ nhắc đến Argentina 78, thì cái tên Mario Kempes với 6 bàn thắng mới là khái niệm được nhớ đến nhiều nhất.
Đấy còn là truyền kỳ về Paolo Rossi - canh bạc tất tay của “ông già ngậm tẩu” Enzo Bearzot ở World Cup 1982. Rossi là tài năng của bóng đá Italia dính án treo giò vì bán độ, nhưng ngay khi Rossi hết án, Bearzot đã gọi Rossi vào đội tuyển trước thềm World Cup. Trước những hoài nghi dành cho mình và HLV, anh đã ghi 6 bàn thắng và đưa Italia đến chức vô địch.
Lịch sử của danh hiệu Vua phá lưới còn vinh danh sự trở lại ngọt ngào của Ronaldo “béo”. Với 8 bàn thắng năm 2002, Ronaldo đã giành Chiếc giày vàng, vô địch World Cup năm đó, và giúp cho những người yêu quý anh mỉm cười sau gần 3 năm nhìn thần tượng quằn quại với những chấn thương.
Rất hiếm các trường hợp như Oleg Salenko của Nga. Ông là Vua phá lưới World Cup 1994 nhờ ghi 5 bàn vào lưới Cameroon, nhưng ĐT Nga của ông thì bị loại ngay từ vòng bảng. Có lẽ đó là một phần lý do sau này ông đã bán đi “chiếc giày vàng” của mình để… trả nợ. Còn thường thì chủ nhân của những Chiếc giày vàng đều giúp đội bóng của họ trở thành “ngựa ô” ở giải đấu. Chúng ta có thể kể ra đây như Bồ Đào Nha năm 1966.
Nhờ có 9 bàn thắng của “Báo đen” Eusebio mà BĐN đi đến nhóm “tứ cường”. Tiếp đến là Ba Lan năm 1974 với 7 bàn của Lato, họ giành vị trí hạng ba World Cup chỉ sau Hà Lan và Đức. Lato xứng đáng là tấm gương cho Robert Lewandowski học hỏi cách ghi bàn trong trận cầu lớn. Sau đó là Hristo Stoichkov của Bulgaria năm 1994, rồi đến Davor Suker với Croatia năm 1998, hay gần nhất là James Rodriguez với Colombia của năm 2014 - nơi anh thậm chí còn khiến người ta nhìn mình mà nhớ Pele hơn cả Neymar.
Tuy nhiên, có một thống kê khá buồn, đấy là Vua phá lưới không phải là “điềm lành” cho nhà vô địch. Có tất cả 26 Vua phá lưới trong 20 kỳ World Cup đã qua, nhưng chỉ có 5 vua là nhà vô địch. Còn lại đa phần ở nhóm “tứ cường” hay “ngựa ô” như nói ở trên. 40 năm qua, chỉ có 3 Vua phá lưới là nhà vô địch thế giới.
Nếu chiếu theo góc nhìn này, thì lợi thế thực tế đang ở cạnh Pháp và Croatia. Tuy nhiên, giá trị chiếc giày vàng lại là khát khao thầm kín cá nhân. Bởi vì Lukaku, Kane hay Mbappe, Griezmann… bất kỳ ai trong đó có thể giành Chiếc giày vàng đi chăng nữa, thì bản thân họ đã làm nên lịch sử rồi. Đấy là lịch sử cho chính họ với một danh hiệu xứng tầm thế giới được ghi vào biên niên sử.