Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất ở Ý, với các đội bóng đẳng cấp thế giới trị giá hàng tỷ USD thu hút lượng CĐV cuồng nhiệt trên khắp thế giới. Hơn thế nữa, bóng đá định hình nên bản sắc tập thể của dân tộc, gắn kết mọi người từ ngôi làng nhỏ nhất đến thành phố lớn nhất cùng nhau yêu “trò chơi đẹp”.
Nhưng trong thập kỷ qua, các cuộc điều tra của giới truyền thông đã phát hiện ra bản chất vô đạo đức một cách khó coi trong bóng đá Ý. Sự xâm nhập và thao túng của giới mafia đã trở thành đặc điểm của bóng đá Ý đến mức những hành vi sai trái, lệch lạc và tội phạm dường như đã trở thành chuẩn mực.
NHM của một trong những đội bóng thành công nhất nước Ý là Juventus đã nhiều lần phải thất vọng trước hàng loạt cáo buộc tham nhũng, dàn xếp của CLB. Vào tháng 4/2019, Tòa án Tối cao Ý ra phán quyết rằng BLĐ của Juve đã đưa vé cho đám CVĐ ultras điều phối, dưới sự kiểm soát của các thành viên mafia vùng Calabrian, được gọi là Ndrangheta.
Trong một vụ án trước đó kết thúc vào tháng 10/2018, cựu cầu thủ Juve và nhà vô địch World Cup 2006 Vincenzo Iaquinta đã bị kết án 2 năm tù vì tội sử dụng súng. Y cũng bị triệu tập trong một phiên tòa lớn hơn liên quan đến vụ xâm nhập của gia tộc Ndrangheta ở miền Bắc nước Ý. Cha của y cũng bị kết án 19 năm vì tội liên quan đến mafia.
Những scandal này không chỉ giới hạn ở một CLB bởi các nhóm tội phạm có tổ chức đều thò vòi vào mọi cấp độ thể thao. Năm 2018, bóng đá đã tạo ra xấp xỉ 2,4 tỷ euro chỉ riêng ở Ý - phần lớn trong số đó đến từ khán giả, thậm chí chưa tính các hợp đồng truyền hình, tài trợ và quảng cáo. Rõ ràng, bóng đá là một ngành công nghiệp đẻ ra số tiền khổng lồ, như vậy đồng nghĩa sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các nhóm tội phạm tìm cách tích lũy lợi nhuận và rửa tiền bẩn.
Nhưng các tổ chức mafia cũng được điều khiển bởi quyền lực, với mục đích giành được ảnh hưởng thông qua đe dọa hoặc bảo vệ và cuối cùng cai trị bằng phương pháp bạo lực hoặc tham nhũng. Các nhóm tội phạm như gia tộc Ndrangheta sử dụng bóng đá như một nền tảng để nâng cao danh tiếng và uy tín của mình thông qua các hoạt động hợp pháp ít nhiều.
Một số gia tộc sẽ can thiệp vào các hiệp hội bóng đá trẻ, chẳng hạn bằng cách tài trợ cho các cầu thủ trẻ, mua hoặc thành lập đội bóng hoặc thậm chí “cứu” họ nếu họ gặp khó khăn về tài chính. Một ủy ban đặc biệt của Ủy ban chống mafia của quốc hội Ý đã khám phá những vụ này trên khắp nước Ý vào năm 2017.
Các băng nhóm cũng có thể sử dụng đòn bẩy có được trong môi trường địa phương để khai thác các cơ hội kinh doanh hoặc đạt được quyền lực ở cấp cao hơn. Trong trường hợp của Juve, việc bán vé xem các trận đấu của CLB này đã mang lại cho các gia tộc quyền kiểm soát một thị trường sinh lợi, cũng như một phương tiện để thực thi quyền lực đối với những kẻ cực đoan đôi khi bạo lực.
Ngược lại, điều này sẽ nâng cao danh tiếng của các gia tộc bằng cách chứng tỏ khả năng của họ trong việc thực hiện ảnh hưởng và kiểm soát người dân và vùng lãnh thổ bằng cách sử dụng tiền bạc và bạo lực, nếu cần.
Các nhóm mafia còn sử dụng mạng lưới và liên hệ cá nhân để dàn xếp kết quả trận đấu và thu lợi từ mạng lưới cá cược bất hợp pháp. Một vụ án nổi tiếng liên quan đến một cầu thủ bóng đá Serie A, Giuseppe Sculli - cháu trai của một ông trùm Ndrangheta rất nổi tiếng - đã cho thấy mafia sẵn sàng dùng cầu thủ hoặc trọng tài để dàn xếp tỉ số.
Ở bóng đá Ý, dàn xếp tỉ số xảy ra ở mức độ đáng báo động. Vụ bê bối Calciopoli năm 2004 cuối cùng đã dẫn đến việc Juventus bị xuống hạng ở giải Serie B vào năm 2006. Trong vụ này, người ta cáo buộc rằng các cầu thủ, trọng tài và lãnh đạo CLB đã tạo ra một hệ thống tham nhũng và bôi nhọ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến thắng của một số đội, bao gồm cả ở Serie A.
Niềm tin của người Ý vào sự công bằng trong bóng đá sau bê bối Calciopoli sụt giảm trầm trọng. Nhưng các cáo buộc rửa tiền và gian lận vẫn tiếp tục được đưa ra đối với những cấp cao nhất, như đã thấy trong vụ án năm 2019 liên quan đến cựu chủ tịch của Palermo FC, Massimo Zamparini.
Trong khi tình hình bóng đá Ý có vẻ đặc biệt ảm đạm thì những cáo buộc tham nhũng trong môn thể thao này xảy ra ở khắp mọi nơi. Vào tháng 10/2018, chính quyền Bỉ đã buộc tội 5 người liên quan đến một cuộc điều tra quy mô lớn của cảnh sát về gian lận tài chính và dàn xếp trận đấu.
Vào tháng 5/2019, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ một số cầu thủ và giám đốc điều hành CLB ở La Liga và giải hạng Nhì trong khuôn khổ cuộc điều tra về dàn xếp tỷ số. Tháng 6/2019, cựu chủ tịch UEFA và cựu ngôi sao của Juventus là Michel Platini đã bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng trong quyết định chỉ định Qatar là quốc gia đăng cai World Cup 2022 - ngay cả khi ông này đang bị cấm hoạt động bóng đá 4 năm vì nhận một “món thanh toán không minh bạch”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc nâng cao niềm tin của công chúng vào sự công bằng của bóng đá đòi hỏi phải cải thiện hệ thống quản lý, từ cấp địa phương đến đấu trường quốc gia. Vì vậy, có một tin tốt là FIFA đã khôi phục quy tắc đạo đức của mình về tội tham nhũng, sau khi đã loại bỏ nó vào những năm trước.
Cũng cần phải có sự theo dõi và minh bạch tốt hơn xung quanh số tiền khổng lồ mà ngành này thu hút. FIFA và các LĐBĐ quốc gia cần phải giám sát các giao dịch mua bán đội bóng và cầu thủ, sắp xếp các hoạt động cá cược hợp pháp và đảm bảo trách nhiệm giải trình trong các hệ thống tài trợ ngay từ đầu.
Nhưng cũng cần phải nhận thức được rằng bóng đá luôn là con bò vàng cho các tổ chức mafia và các nhóm tội phạm có tổ chức, cũng như các doanh nhân “bẩn”. Để giải quyết vấn đề này, FIFA cần phát triển kiến thức chuyên môn và xây dựng các biện pháp chống tham nhũng, đồng thời duy trì quyền giám sát và kỷ luật đối với bóng đá.
Sân bóng là nơi gặp gỡ của những sở thích khác nhau và những con người khác nhau. Đó là không gian dành cho kinh doanh nhưng cũng là không gian để giải trí và cạnh tranh. Việc lãnh đạo trong những lĩnh vực như vậy đòi hỏi sự chính trực, cống hiến và ý chí làm việc vì số đông chứ không phải làm giàu cho số ít.