Chỉ 1 ngày sau cuộc gặp gỡ với GĐĐH đội Bình Phước Yusuke Adachi, Công Phượng đã đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với đội bóng miền Đông Nam Bộ. Đây là quyết định tương đối bất ngờ bởi từ khi bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp thì Công Phượng chưa từng đá cho đội hạng Nhất nào của Việt Nam.
Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại thì Công Phượng không có nhiều sự lựa chọn trong việc tìm kiếm bến đỗ. Tham vọng chơi bóng ở nước ngoài với Công Phượng đã thất bại toàn tập khi 4 lần xuất ngoại của anh đều chỉ quanh quẩn với băng ghế dự bị chứ chưa bao giờ được xem là hạt nhân của các đội tại Bỉ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Thậm chí khi trở về Việt Nam lần này thì Công Phượng đã thất bại trong việc đàm phán với 1 đội thuộc dạng đại gia.
Nói tóm lại, khi V.League 2024/25 đã khóa sổ với các nội binh còn hạng Nhất không có nhiều đội bóng giàu tham vọng cũng như mạnh tài chính nên Công Phượng gần như chỉ còn sự lựa chọn là Bình Phước. Với việc đá ở Bình Phước với rất nhiều người bạn thân 1 thời ở đây như Thanh Bình, Tuấn Tài, Công Phượng sẽ đỡ lạc lõng trong môi trường 1 đội bóng hạng Nhất. Đó có thể là động lực để chân sút người Nghệ An đã đưa ra quyết định nhanh chóng về đầu quân Bình Phước.
Tất nhiên, đi cùng với đó là chế độ đãi ngộ của Bình Phước dành cho Công Phượng cũng rất “sộp” chứ không hề rẻ rúng. Theo tìm hiểu, khi ký hợp đồng với Bình Phước thì Công Phượng sẽ được nhận không dưới 6 tỷ đồng/năm tiền lót tay. Quan trọng hơn, Công Phượng sẽ được nhận tiền 1 lần cho 3 năm hợp đồng. Đương nhiên với cơ chế đó, tiền đạo 29 tuổi khó mà khước từ đội bóng miền Đông Nam Bộ.
Công Phượng cảm thấy hài lòng khi đầu quân cho Bình Phước. Ngược lại, đội bóng này cũng hoàn thành 1 KPI về định hướng.
Cần nói thêm, trong hơn 1 năm có nhà tài trợ mới, bóng đá Bình Phước đã đổi thay chóng mặt. Đội bóng này cũng đi đầu trong việc xây dựng một bộ máy bóng đá chuyên nghiệp theo mô hình của Nhật Bản, đặc biệt là xây dựng một học viện bóng đá trẻ trong tương lai. Những người làm bóng đá ở Bình Phước đã mang về những cái tên nổi trội của bóng đá Nhật Bản như: Yusuke Adachi (cựu giám đốc kỹ thuật VFF), trợ lý HLV Kzunori Ohara (cựu GĐKT LĐBĐ Campuchia), Ueno Nobuhiro (HLV thể lực), Machida Yoshiyuki (giám đốc vận hành), Matsuki Hitoshi (chuyên gia vật lý trị liệu), Yamamoto Yoshihiro (giám đốc học viện)….
Định hướng xây dựng 1 học viện bóng đá hoành tráng, bài bản của Bình Phước sẽ rất cần Công Phượng để vừa làm hình ảnh, vừa kích thích học viên đến sơ tuyển. Theo tìm hiểu, ngoài việc thi đấu cho Bình Phước thì Công Phượng sẽ là nhân vật đại diện cho học viện bóng đá của đội bóng này. Hơn nữa, 1 trong những định hướng của nhà tài trợ đội bóng Bình Phước là thu hút khán giả đến xem đội 1 thi đấu.
Rõ ràng, Công Phượng đủ sức nặng để khích thích “cầu thủ thứ 12” đến sân Bình Phước thường xuyên.
Bình Phước có tham vọng làm bóng đá bài bản. Mục tiêu sớm có mặt tại V.League đã được đưa ra. Việc mua Công Phượng cũng là nhằm mục đích đó. Ở sân chơi hạng Nhất, Công Phượng thừa sức để tạo nên sự khác biệt về chuyên môn. Thêm vào đó, sự nổi tiếng của chân sút người Nghệ An sẽ là thỏi nam châm hút sự quan tâm của dư luận, khán giả cho bóng đá nơi đây.