Cựu tiền vệ 48 tuổi hiện là giám đốc của DB Ventures (DBV), công ty quản lý các thương hiệu đắt giá nhất của Beckham bao gồm nước hoa, quần áo và phụ kiện.
DBV hiện đang theo đuổi vụ kiện những kẻ làm hàng “fake”. Được hỗ trợ bởi công ty quản lý bản quyền Authentic Brands Group, DBV yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,58 triệu bảng từ mỗi kẻ làm hàng nhái.
Bằng chứng cho thấy các sản phẩm nhái được bán trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, eBay và Etsy bởi các cá nhân hoặc công ty có trụ sở tại Trung Quốc và châu Á.
DBV đã thuê đoàn luật sư uy tín từ công ty luật The Sladkus Group để ngăn chặn các hoạt động mua bán trái phép.
Nguồn tin trên The Sun cho biết: “Các nhãn hàng của Beckham muốn ngăn chặn và trấn áp những kẻ kiếm tiền từ việc buôn hàng nhái gắn tên David.
“David Beckham và cộng sự tự hào về chất lượng của những gì họ bán, bao gồm cả quần áo và nước hoa. Đồng thời họ không muốn mọi người vô tình bị lừa khi mua phải hàng giả.”
Trong giấy tờ pháp lý được nộp ở Mỹ, David Beckham được mô tả là “một nhà từ thiện tích cực” và “một trong những vận động viên được biết đến nhiều nhất trên thế giới”.
“Các sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của DBV sẽ làm xói mòn danh tiếng của thương hiệu. Nếu người tiêu dùng không hài lòng với chất lượng của sản phẩm nhái thì sự không hài lòng đó sẽ được quy cho thương hiệu DBV”.
Tháng 8 năm ngoái, tòa án Mỹ đã ban hành lệnh cấm sơ bộ đối với tất cả các bị cáo mà DBV khởi kiện.
Vào tháng 1/2022, Becks đã bán 55% cổ phần DBV cho Authentic Brands Group, công ty sở hữu các thương hiệu thời trang Juicy Couture và Forever 21 trong một thỏa thuận trị giá 200 triệu bảng.