NỔI TIẾNG GẤP 12 LẦN TRÊN GOOGLE VÌ TỚI MAN UNITED
Tầm quan trọng của cuộc chiến đó được nhấn mạnh vào tháng trước khi Phó chủ tịch điều hành Man United Ed Woodward khẳng định mạng xã hội sẽ là một trong những trọng tâm của kế hoạch phát triển CLB trong tương lai.
“Tìm kiếm về Angel Di Maria tăng 12 lần trên Google vào ngày anh chuyển tới Man United từ Real Madrid, với Falcao là 10 lần. Khi Daley Blind chuyển tới từ Ajax, số người theo dõi anh trên Twitter ngay lập tức tăng 72%”, Woodward dẫn ra những thống kê ấn tượng.
“Đội bóng hiện có 61 triệu người theo dõi trên Facebook, 3,8 triệu trên Twitter và tổng cộng 87 triệu trên tất cả các mạng xã hội. Như thế, chúng tôi tương tác trực tiếp với hơn 100 triệu CĐV, nếu tính cả 37 triệu CĐV có cơ sở dữ liệu trong hồ sơ của CLB”.
Những tiết lộ của Woodward hé mở nhiều điều về cuộc chạy đua vũ trang trên mạng xã hội giữa Man United và những đối thủ lớn nhất của họ. Các đội bóng hiện đại với tầm cỡ toàn cầu như Man United đang ngày càng chú trọng vào việc mở rộng ảnh hưởng trên 4 trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, Twitter, Facebook, YouTube và Instagram.
Tim Bridge, một chuyên gia tư vấn tài chính bóng đá của hãng Deloitte, bình luận: “Khá đơn giản, các CLB không thể nói không. Với nhiều người, mạng xã hội đã trở thành nguồn thông tin mặc định. Nếu các CLB không tham gia, họ sẽ bị các CĐV chỉ trích, thậm chí là mất đi cơ sở người hâm mộ cũ và mới. Việc sử dụng mạng xã hội chỉ ngày càng tăng và những CĐV giờ kết nối với đội bóng từng ngày, từng giờ, họ muốn biết các cầu thủ tập luyện ra sao, đã bình phục chấn thương chưa, những tin đồn chuyển nhượng nào mới…”
Man United từng bị coi là quá chậm tiến khi chỉ có một tài khoản Twitter từ mùa Hè 2013, nhưng Woodward đang thay đổi điều đó. “Đó là cả một cơ hội kết nối với người hâm mộ toàn cầu, một cách làm không mất nhiều chi phí để chào mời những khách hàng tiềm năng”, Bridge phân tích. “Một cơ hội để bán vé và áo đấu trực tiếp, sẽ là cách mà CLB tiếp cận CĐV, cả hiện hữu và tiềm năng của họ, trong tương lai”.
Trong số 4 trang mạng xã hội hạng đầu, Facebook dẫn trước khá xa, với khoảng 1,3 tỉ người dùng, bao gồm khoảng 500 triệu CĐV bóng đá. Barcelona có 79,1 triệu lượt thích. Real không kém là bao với 77,7 triệu. Man United xếp thứ 3, 61,6 triệu. Cũng những CLB đó thống trị trên Twitter và Instagram.
TƯƠNG LAI VÔ BỜ BẾN CỦA MẠNG XÃ HỘI
Nếu như trong quá khứ, tour du đấu đầu mùa giải của các CLB châu Âu là loanh quanh ở châu Âu 2-3 tuần lễ, thì giờ đây, Man United, Real và Barcelona dành cả tháng trời, bay nửa vòng Trái đất tới với những thị trường triển vọng béo bở như Mỹ, Đông Á hay vùng Vịnh. Nhưng họ không thể có mặt ở tất cả mọi nơi cùng lúc, và vì thế, mạng xã hội trở thành một phương tiện quảng bá lý tưởng.
Tomos Grace, phụ trách phần thể thao của YouTube ở Anh, nói: “YouTube chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hiện diện toàn cầu của các CLB đó. Chẳng hạn, những CĐV ở Indonesia sẽ kết nối hàng ngày với kênh Manchester City YouTube để được cập nhật thông tin”. Đội ĐKVĐ Anh cũng là tiên phong ở Premier League trong nhiều lĩnh vực mới mẻ. Hồi tháng 10, họ ra mắt ứng dụng di động CityMatchday. Diego Gigliani, giám đốc truyền thông và quan hệ với CĐV ở Man City, giải thích: “Ý tưởng là chúng tôi tới với các CĐV, quan sát và tìm hiểu những nhu cầu của họ. Chúng tôi thấy khuynh hướng sử dụng thiết bị di động như một “màn hình thứ hai” ngày càng trở nên phổ biến khi họ xem trận đấu trực tiếp trên truyền hình, hay ngay cả trong sân bóng.
Sau nhiều nghiên cứu, chúng tôi thấy họ có 3 nhu cầu cơ bản. (1) Xem bình luận trực tiếp kèm theo các đoạn video những tình huống quan trọng. (2) Có thể cập nhật mọi thông tin cần thiết trên điện thoại di động của họ. (3) Chơi những trò chơi đơn giản, có tính tương tác với bạn bè và có thưởng. CityMatchday đã ra đời như thế”.
Nhưng sự hiện diện của Man City trên mạng xã hội và ứng dụng mới giúp CLB tăng thêm cơ sở CĐV ra sao? “Chìa khóa vẫn là xây dựng một đội bóng mạnh, chơi bóng đẹp và cạnh tranh cho mọi danh hiệu có thể”, Gigliani nói. “Nhưng điều đó phải kết hợp với việc tăng sự hiện diện trên toàn cầu, và mạng xã hội giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cụ thể của CĐV, nhất là những người không có dịp tới Etihad. Những ứng dụng như CityMatchday không chỉ giúp chúng tôi tăng số lượng CĐV, mà còn cả chất lượng mối quan hệ với họ, gần gũi hơn, mạnh mẽ hơn”.
Josh Cowls, giáo sư của Viện nghiên cứu internet, Đại học Oxford, cho rằng yếu tố tâm lý, thích thể hiện và được chia sẻ của con người, có vai trò rất quan trọng. “Các đội bóng, nhất là những đội hàng đầu cần lượng CĐV toàn cầu, và mạng xã hội giúp họ lôi cuốn sự chú ý bất chấp khoảng cách về địa lý và văn hóa. Chẳng hạn, tuyên bố bạn ủng hộ Barcelona trên Facebook hay đặt hình ảnh đại diện trên Twitter là logo của Real Madrid giúp bạn thể hiện mình với mọi người, dễ nhận thấy hơn là việc bạn ghé thăm trang chủ của CLB hay la hét trong một trận đấu.
Cho tới giờ, các CLB vẫn duy trì một chiến thuật thận trọng: các thông tin họ đăng tải chủ yếu mang tính thông báo, giải thích và giải trí, nhưng tiềm năng thương mại thông qua mạng xã hội là vô bờ bến, họ có thể bán từ áo đấu, vé đến cả những đoạn video độc quyền”, Cowls nói.
Top 10 CLB nhiều lượt “thích” trên Facebook nhất 1. Barcelona 79,1 triệu 2. Real Madrid 77,7 triệu 3. Man United 62,5 triệu 4. Chelsea 38,3 triệu 5. Arsenal 30,7 triệu 6. Bayern Munich 24,1 triệu 7. Liverpool 24 triệu 8. AC Milan 23,4 triệu 9. Man City 16,7 triệu 10. Juventus 15,2 triệu Top 10 các CLB có kênh YouTube được đăng ký theo dõi nhiều nhất 1. Real Madrid 1,6 triệu 2. Barcelona 1,59 triệu 3. Chelsea 387.000 4. Man City 328.000 5. Liverpool 310.000 6. Juventus 309.000 7. Bayern Munich 255.000 8. AC Milan 254.000 9. Santos 243.000 10. Arsenal 266.000 |