Trả lời tờ Telegraph, Cech thẳng thắn bình luận với những môn thể thao có gốc gác tại Bắc Mỹ, cuộc chơi hướng nhiều tới sự vui vẻ, ưu tiên tính giải trí và mục đích cuối cùng của sự kiện là mang tới tiếng cười cho khán giả.
“Tôi luôn muốn thắng. Giống như trong bóng đá, khúc côn cầu trên băng cũng mang tới cảm xúc hồi hộp. Nhưng tuyệt nhiên, sự căng thẳng không tồn tại, và nhờ thế mà những giá trị tiêu cực gần như bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống thể thao. Nó không giống cảm giác bóng đá mang lại, bởi đôi khi sau một trận đấu và một tình huống thua bàn, các thủ môn thường trực nỗi sợ sẽ bị xã hội tẩy chay, thậm chí là cảm thấy thiếu an toàn về vấn đề sức khoẻ, tính mạng khi trở về nhà”, Cech bộc bạch.
Theo lời kể của Cech, với khúc côn cầu trên băng, các VĐV sau khi ký hợp đồng sẽ tham gia một khoá huấn luyện đặc biệt về “ứng xử thi đấu”, hạn chế tối đa các tranh cãi, xung đột với đối thủ, CĐV trong trường hợp xuất hiện bất đồng về một tình huống hay quyết định.
“Không phải ai cũng hiểu văn hoá thể thao Bắc Mỹ. Các môn thể thao bắt nguồn từ khu vực này coi thể thao là ngành thương mại, một ngành giải trí. Hình ảnh của những môn như bóng rổ, khúc côn cầu trên băng phải gắn liền với giá trị doanh nghiệp tài trợ, tức là hình ảnh sạch, vui vẻ và tràn đầy năng lượng tích cực”, Cech giải thích tiếp.
Khi đứng trước câu hỏi “Nếu chọn lại anh sẽ chọn bóng đá hay khúc côn cầu trên băng”. Cech thừa nhận mức độ thù địch trong các trận đấu bóng đá biến bóng đá thành môn thể thao hấp dẫn nhất thế giới, nhưng ở góc độ người lao động, chơi thể thao Bắc Mỹ giúp VĐV và các cá nhân liên quan có cuộc sống cân bằng hơn. “Thể thao là công việc, chứ không phải là toàn bộ cuộc sống của VĐV ở đây”, Cech rút ra kết luận.