Bóng Đá Plus trên MXH

Barca copy mô hình của Bayern, tại sao không?
17:19 ngày 31/10/2023
Khủng hoảng tài chính đang trói tay Barca, khiến họ chật vật trong việc duy trì đội hình và tăng cường lực lượng. Giữa bối cảnh đó, Jaume Roures - người từng “góp vốn” cho chiến dịch tranh cử chủ tịch của Joan Laporta - đã đề xuất ý tưởng copy mô hình Bayern Munich.

    Jaume Roures là ai? Ý tưởng của Roures là gì?

    Jaume Roures là một doanh nhân, nhà làm phim và nhà hoạt động chính trị người Tây Ban Nha. Người đàn ông 73 tuổi này cũng là người sáng lập công ty truyền thông Mediapro, gồm một kênh truyền hình và tờ báo Publico. Theo tiết lộ của tờ Expansion, Roures chính là người đóng góp 30 triệu euro trong 124,6 triệu euro tiền ký quỹ của Joan Laporta, khi chạy đua vào ghế chủ tịch Barca năm 2021.

    Mới đây, Roures đã bán cổ phần của mình ở Mediapro và chia tay công ty này sau 30 năm gắn bó. Nhân sự kiện này, ông đã có cuộc trả lời phỏng vấn chương trình phát thanh “El món a RAC1”. Trong đó, vị doanh nhân từng khẳng định “không ai đóng góp nhiều tiền cho Barca bằng tôi” cũng nhắc đến đội bóng xứ Catalunya, vì bản thân ông là một cule.

    Jaume Roures từng bơm tiền cho chiến dịch tranh cử chủ tịch Barca của Joan Laporta

    Roures nhận xét “trên lý thuyết thì Barca thuộc sở hữu của các hội viên, nhưng nó chỉ mang tính hình thức”. Vì thực tế thì “quyền lợi duy nhất của họ là đi bầu chủ tịch sau mỗi ‘x’ năm”. Ngoài ra, các hội viên không được tham gia vào quá trình điều hành, và cũng không thể giám sát công việc của ban lãnh đạo CLB.

    Vì thế, Roures đã đề xuất ý tưởng cải tổ cơ cấu sở hữu của Barca, theo mô hình của Bayern Munich. Theo đó, các hội viên sẽ chỉ nắm 75% quyền sở hữu CLB, và 25% còn lại được bán ra ngoài. Vị doanh nhân 73 tuổi nhận xét: “MU đang được rao bán với giá từ 5-6 tỷ euro. Barca cũng có thể có cái giá xấp xỉ như thế và nếu bán 25% quyền sở hữu, bạn có thể thu về khoảng 1,5 tỷ euro để giải quyết tất cả mọi thứ”.

    Cơ cấu sở hữu và mô hình hoạt động của Bayern?

    Nhưng chính xác thì Bayern có cơ cấu sở hữu như thế nào? Có lẽ tất cả đều biết về điều luật “50+1” nổi tiếng ở Đức, quy định 50% quyền sở hữu và... 1 cổ phần của mỗi CLB phải thuộc về các hội viên. Đây là rào cản được thiết lập để ngăn các đội bóng rơi vào tay của những tỷ phú, nhà tài phiệt, các công ty hoặc của một vị “Sheikh” nào đó.

    Tất nhiên, một số CLB như Wolfsburg (thuộc sở hữu hãng xe Volkswagen), Leverkusen (công ty dược phẩm Bayer), RB Leipzig (tập đoàn Red Bull) hay Hoffenheim (tỷ phú Dietmar Hopp) vẫn “lách luật” được bằng cách này hay cách khác. Nhưng với tư cách một biểu tượng của nước Đức, Bayern phải được bảo vệ một cách tuyệt đối. Mặc dù vậy, họ vẫn được phép kêu gọi sự đầu tư từ bên ngoài.

    Ngoài 75% quyền sở hữu vẫn thuộc về các hội viên, 25% cổ phần còn lại của Bayern đang được chia đều cho Adidas, Audi và Allianz, mỗi công ty 8,33%. Trong đó, Adidas vào cuộc đầu tiên khi bỏ ra 77 triệu euro mua cổ phần của Bayern năm 2002. Sau đó 8 năm, đến lượt Audi chi 90 triệu euro để đầu tư vào đội bóng xứ Bavaria. Và đến năm 2014, Allianz nhập hội với số tiền bỏ ra là 110 triệu euro.

    75% quyền sở hữu của Bayern vẫn thuộc về các hội viên CLB

    Đó là cơ cấu sở hữu, còn cấu trúc quản lý cũng giúp Bayern có sự kiểm soát lẫn nhau. Bayern được điều hành bởi công ty FC Bayern München AG, và quản lý trực tiếp là các thành viên của ban giám đốc gồm CEO, giám đốc tài chính, giám đốc tiếp thị quảng cáo và giám đốc thể thao.

    Nhưng ngoài ra, còn có một ban giám sát với 9 thành viên gồm chủ tịch Herbert Hainer, ba đại diện của Adidas, Audi, Allianz, một đại diện của Unicredit Bank, một của Telekom, chủ tịch danh dự Uli Hoeness và 2 người khác.

    Liệu nó có phù hợp với Barca?

    Mô hình sở hữu nửa kín (vẫn tuân thủ luật 50+1), nửa hở (có sự góp sức của các công ty) này đã giúp Bayern có được một nền tảng vững chắc. Sự nhạy bén của những bộ óc kinh doanh trong ban giám sát cũng giúp họ tránh được những rủi ro về kinh tế. Bằng chứng là trong 2 năm đại dịch Covid-19, trong khi tất cả các CLB cùng báo lỗ thì Bayern vẫn lãi 11 triệu euro.

    Tuy nhiên, liệu mô hình ấy có phù hợp với Barca? Câu trả lời là rất khó. Vì rào cản xã hội, khi không ít người vẫn muốn Barca phải 100% thuộc sở hữu của các các hội viên (socio), những người có vẻ cũng hài lòng với quyền “đi bầu chủ tịch sau mỗi ‘x’ năm” như nhận xét của Roures.

    Barca đang phải vay 1,2 tỷ euro cho dự án trùng tu sân Camp Nou

    Vì Bayern có lợi thế là cả ba đối tác Adidas, Audi lẫn Allianz đều đóng trụ sở ở Munich/Bavaria và đã có truyền thống hợp tác với CLB. Nhưng Barca thì khó có thể kiếm đâu ra những thương hiệu mạnh và hiểu rõ về mình như vậy để gắn bó lâu dài. Ngoài ra, họ còn phải định giá lại CLB, trước khi tiến hành chuyển đổi mô hình sở hữu.

    Đó sẽ là cả một núi công việc. Khoản 1,5 tỷ euro cho 25% cổ phần CLB có thể không phải là cái bánh vẽ mà Roures bày ra. Nhưng để có được nó và trang trải khoản vay 1,2 tỷ euro từ ngân hàng Golman Sachs nhằm trùng tu sân Camp Nou, hơn 200 triệu euro tiền nợ phí chuyển nhượng và nhiều khoản khác, Barca sẽ có cả đống việc phải làm.

    Barcelona vs Real Madrid: 1-2 (Vòng 11 La Liga 2023/24)

     

    HỒ PHƯƠNG • 17:19 ngày 31/10/2023
    Tags: Barca Bayern

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay