Thế giới ngày càng một hỗn mang, nhất là với sự tiếp tay của mạng xã hội. Có câu nói rằng, “cái gì dễ đến thì cũng dễ đi” hay “cái gì miễn phí thì chắc chắn rẻ tiền”. Kiến thức trên mạng xã hội cũng vậy, chúng có sẵn trên các đám mây điện toán và rơi xuống “miễn phí” như những hạt mưa.
Chính vì miễn phí nên kiến thức trên mạng “rẻ tiền”, theo nghĩa độc hại và không có tính xác tín. Chính vì vậy, cộng đồng mạng mới ồ ạt ném đá một tiểu phẩm trình diễn trong lễ khai mạc Olympic Paris 2024 của đạo diễn trẻ Thomas Jolly là nhạo báng Đức Chúa Trời và 2,4 tỉ tín đồ Ki-Tô giáo.
Sự hiểu biết hời hợt - lạ lùng thay với cả dân Pháp và châu Âu tưởng như am hiểu hội họa Phục Hưng - đã khiến cộng đồng mạng với năng lực kiểm chứng thông tin và tìm kiếm thông tin nhờ “bác Gúc” đã quy kết tiểu phẩm của Thomas Jolly là giễu nhại bức tranh “Bữa tiệc ly” của danh họa Leonardo da Vinci vẽ khoảng năm 1495 thành bức tranh “Bữa tiệc của thánh thần” do Jan Harmensz van Bijlert vẽ vào thế kỷ 17.
Quy kết này là rất tai hại, bởi nó đẩy ý tưởng của Jolly và BTC Olympic 2024 thành thứ gì đó “chống Thiên chúa, nhạo báng tôn giáo”. Bức “Bữa tiệc ly” mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa và 13 tông đồ. Còn “Bữa tiệc thần thánh” mô tả cảnh tiệc tùng phóng đãng của các vị thần Hy Lạp, quê hương của Olympic.
Bối cảnh bàn tiệc có thể giống nhau, nhưng tinh thần của 2 bữa tiệc hoàn toàn khác nhau. Việc quy kết nhầm lẫn khiến Jolly trở thành kẻ dị giáo trong mắt cộng đồng mạng, cho dù cách thể hiện, tạo hình, diễn xuất của các nhân vật trong tác phẩm của Jolly có thể là phản cảm, gây gai mắt.
Thật sự, không thể không liên tưởng sự nhầm lẫn tai hại của cộng đồng mạng với màn đọ sức giữa Barca và Man City. Barca đã từng là một kiệt tác kinh điển cho sự vinh quang của chiến thắng, với biết bao đêm cuồng say ăn mừng danh hiệu. Còn giờ đây, họ lại là hiện thân của một bữa tiệc ly biệt buồn thảm, đầy rẫy sự phản bội, lời từ biệt và tâm trạng hoang mang.
Barca hoan lạc xuất hiện trong thời đại của Pep Guardiola với “cú ăn ba” đầu tiên vào 2009. Nó đã chính thức kết thúc vào năm 2015, khi Barca giành “cú ăn ba” thứ hai, và không thể tái hiện thành tích “cú ăn sáu” như 2009. Trớ trêu thay, Pep lại chính là HLV của Man City, suốt 8 năm qua, xây dựng bữa tiệc thánh thần ở Manchester, song song với 9 năm thất bại của Barca.
Barca của Hansi Flick bây giờ rất buồn thảm. Không còn một vị tông đồ nào ngồi trong bàn tiệc đó nữa, ngoài thủ thành Marc-Andre ter Stegen là thành viên cuối cùng thế hệ chiến thắng 2015. Flick chỉ có một bàn tiệc gồm các ngôi sao già hết đát và những cầu thủ trẻ mới chớm chứng tỏ được tài năng, và cũng phải do CLB hết tiền nên mới được trọng dụng.
Thế nên, khi Barca và Man City chạm trán trong chuyến du đấu hè, đừng ai vội nhầm lẫn giữa bản chất của 2 bàn tiệc này. Cấu trúc bàn tiệc và số lượng thực khách có thể tương đồng, nhưng hương vị và màu sắc hoàn toàn trái ngược. Đừng có nhầm bởi “bác Gúc” của ngày xưa.