Câu trả lời là không! Tuyệt đối không! Có chăng, Covid-19 là đòn đánh cuối cùng khiến gã khổng lồ xứ Catalan gục hẳn. Hậu Covid, Barca gần như mất mọi khả năng vãn hồi từ năng lực cạnh tranh danh hiệu đến tài chính.
Trên sân cỏ, thầy trò Ronald Koeman chuốc lấy thất bại này đến thất bại khác. Họ gục ngã trước những đội bóng nhược tiểu, để thua trước những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Và khi chạm trán gã khổng lồ Bayern Munich, “Hùm xám” tạo cảm giác chẳng mất chút mồ hôi để đánh bại đội bóng xứ Catalonia. Barca thua một cách mặc định, thua một cách thản nhiên, như thể chắc chắn thua. Một đội bóng không còn khả năng tranh đấu.
Về tài chính, khoản nợ 1,4 tỷ USD mà đa phần nợ ngắn hạn là một thảm họa kinh thế khủng khiếp nhất lịch sử thể thao. La Liga không cho Barca chi tiêu thêm bất kỳ khoản tiền nào nằm ngoài năng lực. Quỹ lương của đội bóng từ mức giới hạn 347 triệu euro mùa trước, mùa này chỉ còn 97 triệu euro, chỉ đứng thứ 7 tại La Liga.
Với trở ngại giới hạn quỹ lương như vậy, Messi dù chấp nhận giảm nửa lương, Barca vẫn không đủ khả năng đáp ứng. Hệ quả là, ngôi sao số một, huyền thoại sống, biểu tượng vĩ đại nhất của Nou Camp đã chuyển sang đội bóng khác. Điều mà ngay đến bản thân siêu sao người Argentina cũng chưa từng nghĩ tới. Như vậy, theo sau thảm họa tài chính là thảm họa thể thao khủng khiếp nhất lịch sử.
Nhưng tại sao một đội bóng hùng mạnh nhất thế giới, một biểu tượng thể thao vĩ đại tới mức “hơn cả một CLB” lại sụp đổ khủng khiếp đến như vậy?
Câu trả lời, như đã minh định ngay từ đầu, đại dịch chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Gần như vô hình, Barca bắt đầu rơi tự do từ trên đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu, vào đêm chung kết Champions League tại Berlin vào tháng 6/2015. Đó là lần thứ tư chỉ trong 10 năm, Barca đăng quang tại giải đấu danh giá nhất châu Âu, sau khi đánh bại Juventus với tam tấu MSN, bộ ba tấn công tài năng và tuyệt diệu nhất xưa nay.
Barca vươn tới vị thế kẻ thống trị nhờ hệ thống đào tạo trẻ sản sinh ra một thế hệ cầu thủ tài nghệ tuyệt luân mà chắc chắn không tiền nào có thể mua được. Đó không đơn thuần là những ngôi sao xuất chúng mà còn thấm đẫm triết lý của đội bóng. Tí tách, tí tách, tiqui-taca trở thành biểu tượng khiến hàng triệu con tim tín đồ túc cầu giáo mê đắm, đồng thời trở thành nỗi ám ảnh ma mị với bất cứ đối thủ nào.
Thời điểm đó, Barca đủ sức hấp dẫn từ thương hiệu đến kinh tế để cuốn hút bất cứ vì tinh tú nào trên bầu trời bóng đá. Nhưng, nguồn cơn vấn đề bắt đầu từ đây. Trong bất cứ doanh nghiệp nào, bao gồm cả các CLB bóng đá, tuyển dụng luôn là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công. Và vấn đề là BLĐ Barca đã thất bại thảm hại trong trận chiến giành giật tài năng.
Ngoài những ngôi sao cây nhà lá vườn, số bản hợp đồng thành công của Barca chỉ đếm trên đầu ngón tay. Neymar. Suarez. Rakitic. Dani Alves. Ai nữa? Ngược lại, bom xịt, hợp đồng thất bại, thậm chí những thương vụ ngớ ngẩn nhiều vô kể. Thậm chí cần cả một đề tài nghiên cứu về những tân binh gây thất vọng của đội bóng xứ Catalan, với đủ mọi thể loại giới mộ điệu có thể đem ra để giễu nhại.
Barca yếu kém trong khâu tuyển trạch? Không chỉ có vậy. Quy trình mua sắm cầu thủ của Barca lộn xộn một cách bất thường. Các thế lực ngầm cạnh tranh bên trong đội bóng này thúc đẩy những bản hợp đồng khác nhau, và thường không thèm đếm xỉa ý kiến hay thậm chí thông báo cho HLV. Các ứng viên trong các chiến dịch tranh cử chứ chủ tịch cũng hứa hẹn đem về những ngôi sao khác. Giám đốc thể thao vào từng thời điểm cũng có quan điểm riêng. Và cả Messi cũng vậy.
Người giám sát chính sách chuyển nhượng tai hại của Barca trong giai đoạn 2014-2020 là Josep Maria Bartomeu. Là một người đàn ông tốt bụng và nhu mì, giống như biệt danh Nobita, Bartomeu điều hành công ty gia đình cung cấp thiết bị vận chuyển hành khách trong các sân bay. Vào tháng 1/2014, từ vị trí phó chủ tịch ít tiếng tăm và quyền lực nhất, Bartomeu bỗng nhiên trở thành Chủ tịch khi người đương nhiệm Sandro Rosell từ chức. Từ vị trí kém quan trọng, quyền lực của Bartomeu được nâng tới mức tối cao nhờ chiến thắng trong cuộc tranh cử năm 2015, 1 tháng sau chiến công vang dội tại Berlin.
Vấn đề là Bartomeu có kiến thức rất hạn chế về bóng đá và kinh doanh bóng đá. Giám đốc thể thao đầu tiên của Bartomeu, thủ thành huyền thoại người Tây Ban Nha Andoni “Zubi” Zubizarreta, đã ký hợp đồng với những cầu thủ như Neymar và Luis Suárez, những ngôi sao đã cùng Messi hợp thành hàng công MSN trứ danh. Nhưng Bartomeu sớm sa thải Zubi. Dưới triều đại ông nay, Barca 4 lần thay Giám đốc thể thao.
Sự đi xuống trên của Barca được đánh dấu từ việc mất Neymar, một tiền đạo cánh siêu hiệu quả. Mùa giải 2015/16, Neymar cung cấp 1,2xG/trận, chỉ kém Messi (1,4) chút đỉnh. Nhưng Neymar muốn trở thành Messi: Biểu tượng không thể thay thế của Barca. Năm 2017, ngôi sao Brazil gia nhập PSG với mức phí chuyển nhượng 222 triệu euro, kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Và Barca không bao giờ thay thế được Neymar.
Với số tiền khổng lồ từ việc “mất” Neymar, Barca và Bartomeu chịu áp lực khủng khiếp để giải quyết bài toán này, với lời giải là danh hiệu. Hầu như mọi cầu thủ đều lắng nghe đề nghị từ Barca. “Đôi khi không đạt được thỏa thuận”, Rosell chia sẻ, “nhưng tất cả đều chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán”.
Vào năm 2017, đại diện người Tây Ban Nha Junior Minguella đã đề nghị ban lãnh đạo Barcelona chiêu mộ tiền đạo 18 tuổi người Pháp Kylian Mbappé. Nhưng Minguella thậm chí còn không nhận được phản hồi từ Barça cho đến khi cuối cùng một tin nhắn WhatsApp đến từ một thành viên hội đồng thành viên, Javier Bordas: “Cả huấn luyện viên và Presi [chủ tịch] đều không muốn cậu ấy”.
Nhiều năm sau, Bordas tiết lộ thêm rằng các cán bộ kỹ thuật của Barca còn từ chối cả Erling Haaland, vì cầu thủ trẻ người Na Uy không giống hình mẫu các cầu thủ đội bóng xứ Catalan theo đuổi. Hiện nay, Mbappe và Haaland là những tài năng trẻ sáng chói nhất thế giới, những cầu thủ hứa hẹn tiếp nối triều đại Messi và Ronaldo, và đội bóng nào có một trong hai cầu thủ này xem như “có được thiên hạ”.
Thay cho Mbappe và Haaland, Barca nhắm đến Ousmane Dembele. Đội bóng xứ Catalan dự chi 80 triệu euro. Thực tế số tiền đội bóng xứ Catalan phải chi ra là 105 triệu euro chưa kể 42 triệu euro biến phí. 6 tháng sau, Barca chiêu mộ thêm Coutinho từ Liverpool, với mức phí 160 triệu euro. Vì nhiều lý do, cả hai đều đang thất bại thảm hại tại Nou Camp.
Không chỉ Dembele và Coutinho, Barca với vị thế đội bóng giàu nhất hành tinh đã quá quen với việc trả giá cao cho các cầu thủ. Một ví dụ khác là Frenkie De Jong. Ajax kỳ vọng bán tài năng trẻ người Hà Lan khoảng 40 triệu euro, cuối cùng chảy vào tài khoản đội bóng này là 75 triệu euro.
Và không chỉ quỹ chuyển nhượng, quỹ lương của Barca cũng phình to một cách phi lý. Theo tiết lộ từ tờ El Mundo, từ năm 2017 đến 2021, Messi đã kiếm được hơn 555 triệu euro. BLĐ Barca hay siêu sao người Argentina đều chưa phủ nhận con số khủng khiếp này. Một vị lãnh đạo đội bóng xứ Catalan tiết lộ lương Messi đã tăng gấp 3 trong vòng 6 năm từ 2014 đến 2020.
Nhưng, vấn đề không phải là Messi. Vấn đề là sự lây lan của mức lương Messi. Bất cứ khi nào Messi được tăng lương, các đồng đội của anh cũng đòi hỏi tương tự, tuy không thể sánh với La Pulga nhưng cũng là mức lương cao ngất trời. Hệ lụy là quỹ lương đội bóng này có thời điểm đã vượt quá cả doanh thu.
Tổng quát hơn, từ năm 2014 đến nay, Barca chi hơn 1 tỷ euro để mua sắm, hầu hết là thất bại. Thời điểm cao nhất, Barca phải chi hơn nửa tỷ euro mỗi năm để trả lương. Mọi thứ dần đi ra ngoài tầm kiểm soát, từ tài chính đến chuyên môn. Messi phải ra đi. Những người ở lại không già cỗi cũng ốm yếu què quặt. Tân binh kém chất lượng. Mỗi thứ một ít đập nát chóng vánh tượng đài vĩ đại của bóng đá châu Âu trong 10 năm qua.