Julio Cesar Romero, còn được gọi là Romerito, trở thành người của Barca chỉ vài tiếng trước khi trận El Clasico năm 1989 diễn ra. Hai giờ sáng Chủ nhật, cầu thủ người Paraguay lúc đó đang chơi cho Fluminense ở Brazil nhận được một cuộc gọi từ Barcelona. Tới thứ Ba, ông lên máy bay để sang Tây Ban Nha và thứ Tư thì đến nơi. Vào thứ Năm ông ký hợp đồng sau khi vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe bắt buộc. Tới thứ Bảy thì ông có màn ra mắt trước Real Madrid.
Barca mua Amunike từ Sporting Lisbon sau khi anh tỏa sáng rực rỡ giúp Nigeria đoạt HCV Olympic 1996. Anh là một trong những bản hợp đồng đầu tiên của HLV Bobby Robson, người đến Camp Nou với một sứ mệnh đầy khó khăn là thay thế Johan Cruyff. Tuy nhiên, ngay trong trận đầu tiên Amunike đã gặp hạn khi trượt chân trong một tình huống ném biên và trở thành trò cười cho đối thủ và CĐV đối thủ. Anh gắn bó với Barca 4 năm, nhưng chỉ ra sân 19 lần và chỉ có 1 bàn thắng.
Trung vệ người Hà Lan chuyển tới Barca vào mùa Hè năm 1998 từ Milan, nơi anh chỉ được ra sân có vỏn vẹn 3 trận. Sau này nhìn lại, người ta tin rằng lý do duy nhất Barca mua Bogarde là vì anh là người Hà Lan, và HLV Louis van Gaal của họ thì dường như chỉ tin các cầu thủ đồng hương. Thực tế Bogarde không đủ nhanh và đủ kỹ thuật để chơi cho Barca. Bogarde chỉ ở Barca hai năm thì tới Chelsea, nơi anh nhất quyết không chịu rời đi dù bị ép thế nào để hưởng cho trọn mức lương “khủng” thời ấy là 40.000 bảng/tuần.
Nhiều CĐV Barca có lẽ không còn nhớ là đội bóng của họ từng có một thủ môn tên là Bonano trong đội hình. Thủ môn người Argentina đến Camp Nou vào mùa Hè năm 2001, sau khi có một sự nghiệp khá thành công với River Plate, nhưng không thể hiện được mình đủ giỏi để bắt chính, lần lượt phải dự bị cho Pepe Reina rồi Victor Valdes. Sau hai năm, Barca buộc phải tìm mọi cách đẩy Bonano đi. Một trong những việc họ làm là không phát áo bíp cho thủ môn này.
Geovanni đến Barca vào năm 2001 trong sự kỳ vọng to lớn. Barca đã phải trả tới 20,5 triệu euro để có được anh, lúc ấy được xem là tương lai của bóng đá Brazil. Nhưng những gì mà anh làm được không xứng với sự kỳ vọng đó. Trong 2 mùa khoác áo Barca, Geovanni chỉ có 3 bàn và 3 pha kiến tạo. Sang mùa thứ ba anh được cho Benfica mượn, và sớm ký hợp đồng dài hạn với đội bóng Bồ Đào Nha sau khi được Barca giải phóng hợp đồng.
Davids là một trong những bản hợp đồng thành công nhất của Barca. Sự xuất hiện của anh vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông mùa 2003/04 chính là bước ngoặt mở ra một thời kỳ thành công mới của Barca với HLV Frank Rijkaard. Điều đáng tiếc là Davids chỉ ở Camp Nou có 6 tháng. Sở dĩ Barca có thể mượn được tiền vệ người Hà Lan là vì Juventus thấy anh không còn cần thiết nữa, sau khi đã đồng ý bán anh cho Inter từ mùa giải 2004/05.
Vào ngày 23/7/2009, Barca hoan hỉ thông báo họ đã có được chữ ký của tiền đạo trẻ đang lên người Brazil, Keirrison. Để có được anh, Barca đã phải trả 16 triệu euro (14 triệu trả ngay, 2 triệu trả sau). Barca cũng ký với Keirrison một bản hợp đồng có thời hạn tới 5 năm, thể hiện rõ sự kỳ vọng của họ vào anh. Nhưng chỉ sau 5 ngày anh đã được đẩy cho Benfica mượn. Tới khi hết hợp đồng, Keirrison còn được cho 4 CLB khác mượn. Và anh không có một lần nào ra sân cho Barca, dù là ở giao hữu.
Những người không ưa Pep Guardiola luôn lấy Dmitro Chygrynskiy ra làm vũ khí. Trung vệ người Ukraine chính là người được mua về theo đề nghị của Pep, với cái giá không hề rẻ (25 triệu euro). Tuy nhiên, Chygrynskiy không thể hòa nhập được với cuộc sống mới ở Camp Nou, và chỉ sau một mùa thì Barca phải “cắt lỗ” bằng cách bán lại cho chính Shakhtar với giá chỉ 15 triệu euro. Từ sau vụ Chygrynskiy, Pep không bao giờ yêu cầu đích danh bất kỳ cầu thủ nào nữa.
Cho tới giờ nhiều CĐV Barca vẫn chưa hiểu động cơ nào đã thúc đẩy CLB ký hợp đồng với Boateng hồi tháng 1/2019. Lúc về Camp Nou, Boateng đã qua thời đỉnh cao từ lâu (đang chơi cho đội bóng trung bình yếu Sassuolo). Phong cách của anh cũng không thực sự phù hợp với phong cách của Barca. Và thực tế là Boateng chỉ được ra sân có 3 lần trước khi hợp đồng cho mượn hết hạn vào cuối mùa đó. Dù thế nào thì anh cũng đi vào lịch sử khi là cầu thủ Ghana đầu tiên khoác áo Barca.
Barca ký hợp đồng với Okunowo sau khi tuyển trạch viên của họ phát hiện ra anh ở một giải đấu giao hữu diễn ra ở Lisbon. Okunowo lúc đó là thành viên của đội bóng tới từ Nigeria, Shooting Stars. Hậu vệ phải này có khởi đầu khá tốt với 21 lần ra sân (15 đá chính) trong mùa giải đầu tiên. Nhưng anh mất chỗ ở mùa tiếp theo, bị đẩy xuống Barca B và sau đó được cho Benfica rồi Badajoz mượn. Sau 3 năm, Okunowo bị Barca cắt hợp đồng.
XEM THÊM
'Messi là số 1 nhưng Maradona đến từ hành tinh khác'