Vì sao trước đây Laporta không bị buộc tội?
Trong danh sách những người bị buộc tội mà cơ quan công tố của Tây Ban Nha công bố hồi tháng 3/2023, chỉ có hai cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu, Sandro Rosell của Barca. Những nhân vật chính là cha con cựu trọng tài Jose Maria Enriquez Negreira đương nhiên góp mặt, và ngoài ra còn có tên của một vài giám đốc của Barca.
Thời điểm ấy, quy định không cho phép người ta lật lại những gì từng diễn ra ở Barca trong nhiệm kỳ của hai đời chủ tịch trước đó là Joan Gaspart và Joan Laporta. Nguyên nhân là vì hành vi phạm tội lúc đó được xác định là “gian lận trong thể thao”. Mà với tội danh này, thời hạn điều tra kể từ lần cuối phạm tội chỉ là 5 năm.
Điều này cũng có nghĩa là với lần cuối cùng Barca chuyển tiền cho Negreira diễn ra vào ngày 17/07/2018, cơ quan công tố chỉ được điều tra đến năm 2013. Trong khi đó, Laporta đã kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của mình vào năm 2010. Vì thế, ông coi như được nằm ngoài “vùng phủ sóng”.
Đâu là cơ sở để buộc tội Laporta?
Tuy nhiên, cuối cùng Laporta cùng các giám đốc Barca trong nhiệm kỳ đầu ngồi ghế chủ tịch của ông vẫn “dính chàm” vì một tội danh khác. Thẩm phán Aguirre đã coi Enriquez Negreira - cựu phó chủ tịch ban trọng tài của LĐBĐ Tây Ban Nha - là một “nhân viên công quyền”. Vì thế, ngoài tội danh “gian lận thể thao” thì các đời lãnh đạo của Barca còn bị buộc thêm tội “hối lộ kéo dài”.
Mà theo đoạn 2, điều 132.1 trong luật hình sự Tây Ban Nha thì với tội danh này, thời hạn điều tra sẽ được mở rộng thành 10-15 năm kể từ ngày vi phạm cuối cùng được thực hiện. Lần cuối Barca thực hiện giao dịch có hóa đơn chứng từ với công ty của Negreira là 14/06/2018. Còn lần cuối đội bóng xứ Catalunya chuyển tiền trực tiếp cho vị cựu quan chức trọng tài này là sau đó hơn 1 tháng, vào ngày 17/07/2018.
Với bất kỳ cột mốc nào trong 2 ngày trên, Laporta cũng dính vì thời điểm năm 2008, ông vẫn là người đứng đầu Barca. Ngoài hai tội danh gian lận thể thao và hối lộ, Laporta và hai người kế nhiệm là Rosell và Bartomeu còn đang bị điều tra cả tội gian lận trong quản lý và làm giả giấy tờ liên quan đến một hợp đồng thương mại.
Tội hối lộ là gì?
Tội danh hối lộ và nhận hối lộ là một loạt hành vi gây tổn hại cho lợi ích chung, được quy định trong các điều khoản từ 419 đến 427 trong luật hình sự của Tây Ban Nha. Nó được hình thành khi một cá nhân hoặc tổ chức tìm cách mua chuộc các nhân viên công quyền bằng tiền, quà tặng hoặc thậm chí cả những lời hứa hẹn.
Trong trường hợp của Laporta, thẩm phán Joaquin Aguirre đã coi cựu phó chủ tịch ban trọng tài của LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF), Enriquez Negreira là một “nhân viên công quyền”. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể gây tranh cãi khi bản thân RFEF không phải là một cơ quan thuộc chính quyền. Đây cũng có thể là cơ sở để phía Laporta phản bác lại lời buộc tội của cơ quan công tố.
Những hình phạt mà bộ sậu Laporta có thể chịu?
Nhưng trong trường hợp xấu nhất là không chứng minh được sự trong sạch của mình, Laporta có thể đối diện với những hình phạt khá nặng. Tội danh hối lộ một viên chức công quyền là từ 3 đến 6 năm tù giam, đồng thời bị cấm tham gia hoạt động bóng đá từ 9-12 năm.
Laporta thậm chí còn bị buộc tội “hối lộ kéo dài”, do ông và các đời chủ tịch Barca đã chi 7,3 triệu euro cho công ty của cha con cựu trọng tài Negreira từ năm 2001 đến tận năm 2018. Với tội danh này, hình phạt có thể lên đến án tù 7 năm rưỡi. Tuy nhiên, thông thường thì những cuộc chiến pháp lý kiểu này sẽ không sớm kết thúc. Và không loại trừ khả năng, sắp tới sẽ còn nhiều "cú twist" bất ngờ nữa.