Hãy nhớ rằng Hawk Eye, nhà cung cấp công nghệ VAR hiện tại ở Tây Ban Nha kể từ đầu mùa giải 2019/20 và chịu trách nhiệm về công nghệ xác định việt vị bán tự động từ mùa giải tới, là 1 trong 2 công ty duy nhất được FIFA và UEFA chấp thuận cho phép áp dụng công nghệ Goal-line trong bất kỳ giải đấu nào.
Không phải công ty nào cũng được phép phát triển công nghệ này ở các giải đấu trong nước. Trên thực tế, Hawk Eye là nhà cung cấp của UEFA ở EURO và Champions League, bên cạnh các giải đấu VĐQG. Những gì đã xảy ra trong trận El Clasico vẫn không làm thay đổi quan điểm của Tebas.
Vị chủ tịch này cho rằng công nghệ hiếm khi được sử dụng, ngoại trừ trong những tình huống đặc biệt để kiểm soát các bàn thắng ma. Ngoài ra, nó không phải là một công nghệ hoàn hảo. Đã từng có sai sót trong việc áp dụng nó ở các giải đấu khác như Premier League hoặc Serie A.
Chi phí để vận hành nó cũng ngốn tới gần 6 triệu euro/năm. Đó là chưa tính đến các chi phí phát sinh cho các SVĐ để thích ứng với công nghệ này ví dụ như phải lắp đặt 14 camera. Chỉ có những đội thi đấu ở Champions League như Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Sevilla mới đủ khả năng tài chính lắp đặt công nghệ này.
Vì vậy, La Liga vẫn nói không với Goal-line, như Javier Tebas đã một lần nữa khẳng định trong cuộc phỏng vấn với tờ Expansion: “Đó không phải là một công nghệ hoàn hảo. Nhưng không chỉ vậy, trong suốt một mùa giải, các bàn thắng ma chỉ xuất hiện 3-4 lần, nghĩa là rất hiếm khi phải dùng Goal-line. Chả lẽ chúng ta quyết định chi 6 triệu cho một vài lần dùng Goal-line ư? Điên rồ”.
Hơn nữa, Tebas nhất quyết chỉ ra rằng “với VAR, 99% tình huống có thể giải quyết được”. Đó là một vấn đề nan giải đã nảy sinh ở TBN trong nhiều mùa giải trước khi triển khai VAR. Canh bạc lớn của La Liga và Tebas là công nghệ bắt lỗi việt vị bán tự động, thứ cho phép giải quyết ngay lập tức nhiều tình huống việt vị xảy ra trong suốt mùa giải. Do đó, các SVĐ đã được điều chỉnh để có thể bắt đầu áp dụng công nghệ này từ mùa giải 2024/25.