Chính xác thì trận Valencia vs Real Madrid chỉ được bù giờ 7 phút, đúng như con số được ghi trên bảng thông báo của trọng tài thứ 4. Việc VAR can thiệp vào tình huống thổi phạt đền của Real Madrid đã khiến trận đấu được kéo dài thêm 2 phút. Và trước khi Luka Modric tiến đến thực hiện quả phạt góc ở phút thứ 99, trọng tài Gil Manzano đã ra hiệu rằng đây sẽ là tình huống cuối cùng.
Valencia đã phá được quả bóng ra, nhưng chỉ đến rìa vòng cầm. Và khi Brahim Diaz tạt bóng trở lại vào vòng cấm, trọng tài Gil Manzano đã thổi còi kết thúc trận đấu. Câu chuyện sẽ chẳng có gì, nếu Bellingham không đánh đầu tung lưới đội chủ nhà ở pha bóng sau đó.
Cay cú vì mất bàn thắng quyết định 3 điểm, tiền vệ người Anh đã lao đến trọng tài để phản đối. “Chết tiệt, đó là một bàn thắng” (It’s a f**king goal), Bellingham hét vào mặt Gil Manzano. Sau trận, HLV Carlo Ancelotti cũng đồng tình với phản ứng của cậu học trò, còn trang web của Real Madrid thì nhận xét đây là “quyết định chưa từng có”.
Nhưng luật là luật. Trận đấu đã kết thúc sau hồi còi mãn cuộc, bàn thắng của Real Madrid không được công nhận và thay vì nới rộng được cách biệt với những kẻ bám đuổi, Los Blancos phải chấp nhận một trận hòa. Vậy rốt cuộc, trọng tài Gil Manzano đã đúng hay sai?
Theo Ủy ban Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB), cơ quan lập pháp của bóng đá, thì Gil Manzano không sai. Tổ chức này quy định rõ ràng, trọng tài là “người bấm giờ” và có thể “tăng thêm thời gian, nhưng không được giảm”. Và đây mới là điều quan trọng nhất: “thời gian bù giờ được tính theo ý của trọng tài chính”.
Đây chính là vấn đề. Thông thường thì các trọng tài sẽ chỉ thổi hết giờ sau khi kết thúc một pha bóng. Nhưng đây chỉ là “lệ”, và không có quy định nào bắt buộc họ phải làm điều đó, đồng nghĩa với việc họ có thể kết thúc một trận đấu khi thời gian thi đấu chính thức đã kết thúc.
Trong bản quy tắc dài 230 trang của IFAB, gần như không có trang nào nhắc đến chuyện khi nào trận đấu kết thúc. Nhìn lại lịch sử, đây cũng không phải lần đầu, các trọng tài tác động đến kết quả trận đấu bằng quyết định thổi còi kết thúc trận đấu. Ở World Cup 1978, trọng tài Clive Thomas từng từ chối thắng lợi 2-1 của Brazil trước Thụy Điển với một quyết định như vậy. Tại Premier League, các trọng tài Paul Tierney và Craig Pawson cũng từng có những quyết định gây tranh cãi kiểu thế ở các trận MU làm khách của Liverpool và West Brom.
Thực tế này cũng đặt ra một vấn đề. Đó là liệu bóng đá có nên áp dụng cách tính thời gian kiểu đồng hồ đếm ngược như môn futsal. Vì khi ấy, sẽ không trọng tài nào đưa ra quyết định theo “lệ” là chờ một pha bóng kết thúc nữa. Và nó cũng sẽ chấm dứt những tranh cãi về thời điểm kết thúc của trận đấu.
Ngoại lệ trong F1 và NBA
Thực ra không chỉ trong bóng đá, những môn thể thao khác như bóng rổ (giải NBA) và đua Công thức 1 (F1) cũng có những ngoại lệ khi thời gian chính thức đã hết. Trong những trường hợp như vậy, thường thì các trọng tài sẽ chờ đến khi kết thúc tình huống mới thổi còi mãn cuộc trận đấu. Nhưng với bóng đá, tất cả đều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của trọng tài.