Vụ việc Ilkay Gundogan trở lại Man City chỉ sau 1 năm gắn bó cùng Barca chỉ còn chờ thông báo chính thức từ các bên. Trong vòng 3 tháng, tính từ sau việc chia tay Xavi, thông qua cách xử lý của ban lãnh đạo Barca hoặc thông qua cách tiếp nhận của dư luận, họ khiến hình ảnh CLB trong mắt người hâm mộ xấu đi.
Trong một lá thư chia tay Man City vào cuối tháng 6 năm nay, Gundogan từng viết: “Nếu tôi đã quyết định ra đi, chỉ có một CLB duy nhất trên thế giới này trở thành điểm đến khả dĩ nhất. Đó là Barca hoặc không đâu hết. Từ khi tôi còn là một cậu bé, tôi đã luôn mơ được khoác lên mình màu áo Barca một ngày nào đó. Tôi tự tin rằng mình vẫn còn vài năm đỉnh cao trong sự nghiệp để cống hiến, và tôi chỉ muốn giúp đưa Barca trở lại với nơi CLB thuộc về.”
Lu Martin, cây bút đã gắn bó với La Liga từ những năm 1980 và từng cùng Pep Guardiola viết một quyển sách vào năm 2001, kể rằng cái ngày Gundogan tự mình thông báo với HLV người Tây Ban Nha về quyết định không gia hạn hợp đồng với The Cityzens để chuyển sang Barca, anh gần như không kiềm được nước mắt. Pep thì nói với cậu học trò mà ông cực yêu quý: “Tôi hiểu mà, cậu sẽ đến với một CLB vĩ đại, ở đấy cậu sẽ được hạnh phúc.”
Mối tình ấy chỉ kéo dài đúng 1 năm. Tôi không chắc Gundogan có hạnh phúc không. Có lẽ là không. Trong những tháng cuối của mùa giải trước, anh bị truyền thông Barcelona “tế” vì chia sẻ quan điểm công khai về màn trình diễn của đội bóng lẫn các đồng đội, sau các thất bại trước PSG và ở La Liga. Và đến cuối cùng, Gundogan trở thành cầu thủ phải hy sinh để giải phóng bớt quỹ lương của CLB này, từ đó giúp một số cầu thủ được đăng ký vào đội hình – bao gồm cả Dani Olmo, một tân binh mới gia nhập với sở trường vị trí giống chính anh.
Trong những tin tức mới nhất về việc Gundogan trở lại City, có một chi tiết đang được dư luận và truyền thông nhấn mạnh vào để chê bai Barca: Tiền vệ này chủ động từ bỏ khoản lương sẽ nhận được trong 2 năm còn lại của hợp đồng với CLB xứ Catalunya.
Những bình phẩm “Barca bạc bẽo”, “Barca như một gánh xiếc” lập tức xuất hiện. Nhưng rõ ràng, bản chất vấn đề cực kỳ đơn giản và đang bị hiểu sai. Với tất cả sự nể trọng, Gundogan có thể là nạn nhân của một vấn đề khác ở Barca, chứ không phải nạn nhân trong thỏa thuận rời Barca để trở lại City, anh không hề “chơi bóng miễn phí vì tình yêu”.
Trước tiên, cần phải làm rõ rằng khi Gundogan lựa chọn sang Barca vào mùa hè năm ngoái, anh không chỉ nghe theo tiếng gọi con tim, mà có sự cân nhắc về điều kiện đãi ngộ trong hợp đồng – điều cũng hết sức bình thường.
Giữa tháng 5/2023, ký giả Sam Lee chuyên về Man City của The Athletic tiết lộ rằng: Ban đầu, City đưa ra lời đề nghị gia hạn thêm 1 năm với Gundogan. Song, anh muốn một bản hợp động có thời hạn 2 năm. Vợ của Gundogan bấy giờ chuẩn bị sinh con đầu lòng và do đó, ổn định về cuộc sống là thứ mà gia đình cầu thủ này đặt làm ưu tiên hàng đầu. Trong khi, Barca chào mời một bản hợp đồng 2 năm.
Vì chuyển sang Barca dưới dạng chuyển nhượng tự do, Gundogan được hưởng mức lương cao thứ ba đội bóng, chỉ sau Frenkie De Jong và Robert Lewandowski, xấp xỉ 20 triệu euro một năm – cũng thuộc hàng Top ở La Liga. Hợp đồng còn có điều khoản cho phép gia hạn thêm 1 năm, tức là đến 2026, với điều kiện là trong mùa giải đầu tiên, anh phải thi đấu hơn 60% số lượng các trận đấu.
Mùa giải vừa rồi, Gundogan là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của Xavi, thi đấu nhiều trận nhất (51) trên mọi đấu trường, với tổng thời gian ra sân là 4.180 phút, ghi được 5 bàn và có 14 kiến tạo. Thế nên, điều kiện giao kèo dễ dàng được đáp ứng, Gundogan được gia hạn thêm đến năm 2025.
Giờ đây, Gundogan cũng sẽ trở lại City dưới dạng chuyển nhượng tự do. Nghĩa là dù Barca vẫn còn 2 năm hợp đồng với Gundogan, nhưng CLB và cầu thủ đồng ý kết thúc sớm hợp đồng để thương vụ không có phí chuyển nhượng. Và khi các bên đã cùng chấp nhận không hoàn tất nốt 2 năm còn lại của hợp đồng, nghĩa vụ thanh toán tiền lương trong 2 năm ấy cũng không còn (tiền lương của năm đầu tiền thì đương nhiên đã được thanh toán). Câu chuyện hết sức đơn giản và cũng cực kỳ bình thường, phổ biến và hợp tình hợp lý trong thế giới bóng đá. Gundogan không hề bị “quỵt” lương và Barca cũng không hề “chơi xấu” trong vấn đề này.
Nhưng nếu có một vấn đề nào đó đáng để chê trách Barca thì đấy chính là họ đã để sự việc ra tới nông nỗi này.
Nếu đã không có tiền, hãy chơi theo kiểu của người phải thắt lưng buộc bụng, đừng cố giàu sang trong khi bản thân không có điều kiện. Barca bất kể tình hình tài chính tồi tệ, hàng năm đều phải hồi hộp chờ đợi xem quỹ lương có đáp ứng đủ điều kiện về luật công bằng tài chính của La Liga để đăng ký cầu thủ, vẫn muốn chiêu mộ những ngôi sao.
Đặc biệt nếu đó là những ngôi sao vừa hết hợp đồng với các CLB khác, điều này có thể giúp Barca không tốn phí chuyển nhượng, nhưng cũng khiến họ phải “deal” lương cao. Ngay cả trong vụ chuyển nhượng Lewandowski, Barca vừa phải tốn 50 triệu euro phí chuyển nhượng trả cho Bayern Munich, vừa gật đầu trước mức lương cao hàng Top đội bóng của chân sút bấy giờ 34 tuổi.
Chính việc đáp ứng mức lương quá cao của một số cầu thủ, dẫn tới hoàn cảnh trong những năm đã qua, Barca ở mỗi mùa Hè đều rộ lên những thông tin tìm cách đẩy cầu thủ A, đẩy cầu thủ B… khỏi đội bóng, để cắt giảm quỹ lương. Kéo theo đó, là những câu chuyện về cách đối nhân xử thế.
Gundogan chính là trở thành nạn nhân của câu chuyện đấy. Và cũng từ đó, anh quyết định không muốn trở thành “vấn đề” cho “vấn đề” của ban lãnh đạo Barca. Tiền vệ người Đức rõ ràng hoàn toàn có thể tiếp tục ở lại, có thể là ngồi chơi xơi nước, nhưng vẫn bỏ túi khoản tiền lương cực lớn. Nhưng như đã nói, anh có tình yêu với đội bóng này, cũng như vẫn còn đó khát khao chinh phục và chấp nhận giải pháp ra đi.
Barca có thể đang rất tệ ở khoản đối xử với những người có công với họ, nhưng ít ra trong vụ việc thỏa thuận với Gundogan để anh trở lại Man City, CLB này đã không tự biến mình trở nên thảm hại.