TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Italia
Thời gian diễn ra: Từ 27/5 đến 10/6/1934
Số đội tham dự: 16 đội, đá loại trực tiếp
Các SVĐ: Littoriale (Bologna), Giovanni Berta (Florence), Luigi Ferraris (Genoa), San Siro (Milan), Giorgio Ascarelli (Naples), Nazionale PNF (Rome), Littorio (Trieste), Benito Mussolini (Turin).
CHUNG CUỘC
Vô địch: Italia
Á quân: Tiệp Khắc
Hạng Ba: Đức
Vua phá lưới: Oldrich Nejedly (Tiệp Khắc, 5 bàn).
Số trận thi đấu: 17
Bàn thắng: 70
|
KHÍA CẠNH NGHIÊM TÚC TỪ MỘT CÂU NÓI PHÓNG ĐẠI
Nhìn lại lịch sử bóng đá, chúng ta dễ dàng “điểm danh” các hảo thủ thi đấu cho nhiều đội tuyển khác nhau. Alfredo Di Stefano hoặc Ladislao Kubala thậm chí khoác áo đến 3 ĐTQG, chứ không phải chỉ có 2! Lý do đơn giản: luật lệ mỗi thời mỗi khác.
Nhưng Luis Monti là trường hợp độc nhất vô nhị. Ông là cầu thủ duy nhất trong lịch sử từng dự 2 trận chung kết World Cup trong màu áo hai đội tuyển khác nhau. Tại World Cup 1930, Monti và các đồng đội Argentina đành chấp nhận thất bại 2-4 trước đội chủ nhà Uruguay. Tại World Cup 1934, Monti lại trở thành chủ nhà. Ông và các đồng đội Italia thắng đội Tiệp Khắc 2-1.
Vì sao Monti bảo rằng ông phải “thua để sống” trong trận chung kết World Cup 1930, rồi lại “thắng để sống” trong trận chung kết World Cup 1934? Vế thứ nhất không khó hình dung. Phải thi đấu giữa áp lực đôi khi lên đến mức độ đe dọa từ 93.000 khán giả Uruguay ở
trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử, làm sao Monti và các cầu thủ Argentina không lo sợ?
Và dù đương nhiên là nước chủ nhà phải đảm bảo an ninh, cũng đâu thể nói chắc điều gì sẽ xảy ra nếu Argentina thắng đội chủ nhà Uruguay trong trận đấu lịch sử ấy, giữa cái “chảo lửa” Centenario ấy. Cho nên, dù là phóng đại, Monti cũng có quyền bảo ông phải “thua để sống”.
Bây giờ, Monti và các tuyển thủ Italia lại phải chống chọi trước áp lực từ chính khán giả nhà của họ, phải thắng nếu không muốn trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ. Thật ra, khán giả nhà chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Nhà độc tài Mussolini muốn dùng World Cup 1934, dùng hình ảnh Squadra Azzurri để biểu dương sức mạnh cho chủ nghĩa phát xít Italia. Monti và đồng đội càng phải chiến thắng, càng phải “thắng để sống” là vì lẽ ấy.
Cũng không dễ nói, điều gì sẽ xảy ra nếu Monti và đồng đội thua Tiệp Khắc, khiến Mussolini mất mặt ngay tại sân nhà. “Thắng để sống” chỉ là một cách nói, nhưng bản chất của vấn đề thì lại hết sức nghiêm túc. Phải chăng, vì “không còn đường lùi” mà các cầu thủ Italia phải tập trung một cách cao độ, phải nêu cao tinh thần thi đấu đến cùng, để rồi họ thắng ngược khi chỉ còn cách thất bại trong trận chung kết World Cup 1934 đúng 9 phút?
ĐẤY LÀ LÝ DO ĐỂ POZZO CHỌN MONTI
Không riêng gì Monti, đội tuyển Italia tại World Cup 1934 còn có nhiều ngôi sao khác vốn là tuyển thủ Argentina, nay trở về khoác áo Azzurri theo nguồn gốc, như Raimondo Orsi hoặc Enrique Guaita. Argentina căm giận đã đành, nhưng ngay tại Italia, họ cũng không thoát khỏi những sự chỉ trích ban đầu. Chẳng lẽ Calcio hết người khiến HLV Vittorio Pozzo đành dùng biện pháp “cầu viện”?
Đến đây, càng phải thấy rõ khía cạnh nghiêm túc khi Luis Monti nói rằng ông và đồng đội phải “thắng để sống”. Giả sử thất bại, các tuyển thủ thuộc diện “oriundi” như Monti, Guaita hoặc Orsi sẽ phải chịu đựng áp lực hoặc sự trừng phạt nặng nề hơn so với các tuyển thủ Italia “trong nước”.
Họ phải lựa chọn và chấp nhận trả giá. Họ cũng phải hiểu Mussolini. Và đấy chính là lý do quan trọng để HLV Pozzo chọn các tuyển thủ như thế vào đội hình đá trận chung kết World Cup. Ông nói: “Suy cho cùng, khi một cầu thủ chấp nhận chết vì đội tuyển Italia, anh ta đương nhiên xứng đáng có chỗ trong đội tuyển”.
Sau này, Pozzo sẽ chứng tỏ khả năng một cách rõ ràng hơn, khi ông dẫn dắt Italia bảo vệ thành công chức vô địch World Cup tại Pháp và trở thành HLV duy nhất trong lịch sử vô địch World Cup 2 lần. Còn tại Italia 1934, ít ra Pozzo cũng đã thành công trong lĩnh vực dùng người, khi ông quyết đoán đưa vào Azzurri các cầu thủ thuộc diện “oriundi”.
Chính Orsi - một “oriundi” từng bị chỉ trích, đã cân bằng tỷ số 1-1 cho Italia ở phút 81 của trận chung kết. Từ thành công không thể phủ nhận tại World Cup 1934, chính sách dùng cầu thủ có nguồn gốc Italia đã được Calcio duy trì bền vững.
Trong hành trình tiến đến ngôi vua tại kỳ World Cup đầu tiên diễn ra tại châu Âu của Italia, 2/3 số cầu thủ thuộc diện “oriundi” ghi bàn cho Azzurri: Orsi (2 bàn) và Guaita (1 bàn thắng quan trọng giúp Italia loại Áo tại bán kết). Tại mùa Hè Italia 1934, chính sự kiện những tuyển thủ Argentina trở về khoác áo Azzurri theo nguồn gốc trở thành một trong những điểm nhấn thú vị ở kỳ Cúp Thế giới lần thứ 2 này.
NGÔI SAO CỦA GIẢI: Giuseppe Meazza (Italia)
Meazza là một tiền đạo đa năng, có thể chơi tốt ở vị trí hộ công và tiền đạo cắm. Tại World Cup 1934, HLV trưởng ĐT Italia, Vittorio Pozzo sử dụng Schiavio làm tiền đạo cắm và Meazza đá lệch trái. Meazza đã đóng góp rất lớn vào thành công của tuyển Ý tại World Cup 1934 trên chính quê nhà. Khi gặp Tây Ban Nha ở trận đấu lại (tứ kết), Meazza đã ghi bàn ấn định chiến thắng cho Azzurri. Ở World Cup 1934, Meazza chơi 5 trận và ghi được 2 bàn.
CON SỐ ĐÁNG NHỚ CỦA WORLD CUP 1934
1. Lần đầu tiên và duy nhất, FIFA quyết định đội chủ nhà (Italia) phải đá vòng loại
2. Cựu tiền vệ Luis Monti - Cầu thủ duy nhất dự 2 trận chung kết World Cup trong 2 màu áo khác nhau: ĐT Argentina năm 1930 và ĐT Italia năm 1934
15. Trừ trận đá lại giữa Italia - Tây Ban Nha tại tứ kết và trận bán kết Italia - Áo (cùng có tỉ số 1-0), tất cả những trận còn lại (15 trận) ở VCK World Cup 1934 đều có bàn thắng cho cả hai đội.
BÊN LỀ WORLD CUP 1934
Mexico ấm ức vì không được đá World Cup
Sau khi vòng loại kết thúc, ĐT Mỹ mới nộp đơn xin dự World Cup 1934. FIFA chấp nhận và yêu cầu họ đá play-off với Mexico (đã vượt qua vòng loại). Khi ấy, toàn bộ El Tri đã có mặt ở Italia để chuẩn bị dự VCK. Tuy nhiên, Mexico lại thua Mỹ ở trận play-off. Và dù sau đó, Mexico có ấm ức vì kiểu hành xử của FIFA nhưng vẫn chẳng thể thay đổi được kết quả. Do đó, Mexico trở thành đội duy nhất trong lịch sử dù đã có mặt nhưng không được đá trận nào ở VCK World Cup!
ĐKVĐ tẩy chay World Cup
ĐKVĐ Uruguay đã quyết định không tham dự Word Cup 1934. Động thái tẩy chay đó xuất phát từ việc Uruguay muốn trả đũa cho sự lạnh lùng của các đội tuyển châu Âu ở VCK World Cup đầu tiên. Động thái đó đã biến Uruguay trở thành nhà ĐKVĐ duy nhất trong lịch sử World Cup không có mặt tại kỳ World Cup tiếp theo.
Kỷ lục chờ phá: 8 đội châu Âu cùng vào tứ kết
1934 là kỳ World Cup duy nhất cho tới nay cả 8 đội loạt vào tứ kết đều thuộc châu Âu. Uruguay tẩy chay World Cup 1934 nên không có mặt tại Italia. Argentina cũng chỉ tham dự với đội hình B và Brazil vẫn chưa phải siêu cường bóng đá. Với thể thức đá loại trực tiếp, Argentina và Brazil cùng bị loại ngay từ vòng 1. Nam Mỹ sạch bóng.
Ngoài ra, World Cup 1934 còn có Ai Cập và Mỹ là các đội bóng không thuộc châu Âu. Họ cũng bị loại ngay sau vòng 1. Do vậy, kỷ lục 8 đội châu Âu góp mặt tại tứ kết ở một kỳ World Cup tới nay vẫn đang chờ phá.