Chiến thuật trong bóng đá đương đại như một con lắc. Nó dao động vĩnh cửu trong môi trường chân không. Hai điểm có biên độ dao động cực đại là hai triết lý đối nghịch. Triết lý kiểm soát bóng và triết lý phòng ngự cô đặc. Hai nhà cầm quân đại diện cho hai trường phái đối nghịch này là Pep Guardiola và Diego Simeone.
Mario Mandzukic là cầu thủ hiếm hoi có cơ duyên được cả hai vị chiến lược gia đại tài này dẫn dắt (Bayern Munich 2013/14 và Atletico Madrid 2014/15). Nhưng thật trớ trêu, sự trải nghiệm ấy thật tệ hại. Chân sút người Croatia đều bị cả Guardiola lẫn Simeone thất sủng và bị tống khứ chỉ sau một năm cộng tác.
Lý do dẫn đến cái kết đắng ấy đơn giản là Mandzukic không phù hợp với cả hai triết lý đối nghịch của Pep và El Cholo. Anh như một kẻ đứng giữa lằn ranh hai triết lý chiến thuật, không hẳn thuộc về bên nào và tồn tại theo cách riêng.
Trong cách chơi của Pep, đòi hỏi đầu tiên là các cầu thủ đều phải giỏi trong xử lý bóng ở phạm vi hẹp, đặc biệt những người hiện diện ở trung lộ. Mandzukic không đáp ứng được đòi hỏi ấy. Trong cách chơi của El Cholo, các tiền đạo phải hoạt động khá xa khung thành đối phương, thế nên ông ưa thích những chân sút giàu tốc độ để thực hiện những pha phản công chớp nhoáng. Mandzukic cũng không có tố chất ấy.
Mandzukic không phù hợp với cả Simeone lẫn Guariola
Mà, trên thực tế, có rất nhiều kỹ năng Mandzukic thiếu sự nổi trội. Từ tốc độ, xử lý bóng, rê dắt cho đến phối hợp. Thế nên, anh lạc trôi giữa hai miền chiến thuật của Simeone và Guardiola. Tất nhiên, không phải đội bóng nào hay huấn luyện viên nào cũng đậm đặc tính triết lý như Simeone và Guardiola. Nó dao động từ triết lý của Pep đến El Cholo. Cho nên Mandzukic vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Cụ thể hơn, anh xây dựng hình ảnh một tiền đạo dập trong màu áo Juventus. Tức trên lý thuyết, Mandzukic vẫn là tiền đạo, nhưng nhiệm vụ ghi bàn không bị đè nặng lên cầu thủ người Croatia. Bằng chứng là cả ba mùa giải qua Mandzukic chưa bao giờ ghi quá 15 bàn trên mọi mặt trận. Thay vì ghi bàn, Mandzukic tham gia phòng ngự và thu hút sự chú ý của các cầu thủ đối phương.
Khi đối phương có bóng, Mandzukic là cầu thủ phòng ngự đầu tiên, và phòng ngự ở đây không chỉ mang nghĩa gây sức ép lên hậu vệ đối phương. Thực tế, Mandzukic di chuyển rất rộng, theo kèm từ trung vệ đến hậu vệ biên hay lùi về phần sân nhà, thậm chí vòng cấm địa để tranh chấp, phá bóng và tắc bóng. Còn khi đội nhà có bóng, Mandzukic sẽ như hoa tiêu hút sự chú ý của cầu thủ đối phương.
Mandzukic luôn biết cách ghi những bàn thắng bất quy tắc
ĐT Croatia càng chú trọng vai trò của Mandzukic vì nguồn lực hữu hạn. Tại Juve, vấn đề được giải quyết khá đơn giản bởi đội bóng này còn có Paulo Dybala, Gonzalo Higuian hay trước đây là Alvaro Morata. Nhưng trong tay HLV Zlatko Dalic có nhiều tiền về đẳng cấp, nhưng ở hàng tiền đạo, Mandzukic là cái tên duy nhất đáng tin dù anh không giỏi ghi bàn.
Tại Croatia, nhiệm vụ săn bàn được giao cho các cầu thủ hoạt động phía sau Mandzukic trên sa bàn. Đó là Ivan Perisic, Ivan Rakitic hay Luka Modric. Còn Mandzukic, anh di chuyển để kéo dãn hàng thủ đối phương, hiếm khi là đích đến của những đường chuyền của đồng đội. Dẫn chứng cụ thể nhất là trận gặp Anh. Croatia thực hiện 22 cú dứt điểm và Mandzukic chỉ đóng góp 3.
Tất nhiên, đừng nghĩ Mandzukic không biết ghi bàn. Vì đứng giữa lằn ranh hai triết lý chiến thuật, những pha làm bàn của tiền đạo này thường được thực hiện theo kiểu bất quy tắc, tức bất thình lình không theo bài vỡ. Cú ngả người móc bóng trong trận chung kết Champions League 2016/17 hay pha ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 trong trận bán kết World Cup mới đây là minh chứng điển hình.
Mandzukic đại diện cho phẩm chất chiến binh của người Croatia
Trên mặt trận tấn công là vậy, ở khâu phòng ngự, anh đích thực là tiền đạo dập. Điều đó thể hiện rõ ràng qua các con số thống kê. Trung bình mỗi trận Mandzukic có 1,6 pha tắc bóng, 2,4 lần phá bóng và 2,2 pha phạm lỗi trong khi chỉ có 2,2 pha dứt điểm và 0,4 nỗ lực rê dắt bóng. Nhìn vào bản đồ nhiệt của Mandzukic càng thấy rõ vấn đề. Tiền đạo này di chuyển cực rộng, đôi khi như một tiền vệ cánh trái.
Thế nên, trước những ý kiến chỉ trích Mandzukic, HLV Dalic đã phản bác một cách quyết liệt nhưng ngắn gọn rằng: “Anh ấy là linh hồn của đội bóng”. Dĩ nhiên, linh hồn không chỉ ở khía cạnh chuyên môn mà còn ở khía cạnh tinh thần. Thế hệ cầu thủ Croatia hiện tại không được đánh giá cao về mặt tinh thần như thế hệ Davor Suker năm 1998, nhưng Mandzukic là ngoại lệ.
Sinh trưởng trong chiến tranh và loạn ly, Mandzukic sở hữu trọn vẹn phẩm chất thiện chiến để sinh tồn của người Croatia. Anh xả thân hết mình trên sân bóng, sẵn sàng đổ cả máu để giành chiến thắng. Napoleon từng nói: “ Hãy cho tôi 100.000 người Croatia, tôi sẽ chinh phục cả thế giới”. 100.000 con người ấy, là 100.000 chiến binh như Mandzukic.
Và ngày mai, Mandzukic sẽ dẫn dắt người Croatia đương đầu đội bóng quê hương Napoleon để chinh phục thế giới.
Các bộ trưởng Croatia mặc "đồng phục" mừng chiến thắng ở World Cup |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |