Nhận định bóng đá Bỉ vs Pháp, 01h45 ngày 8/10: Duyên nợ chồng chất!
PV: Câu hỏi triệu đô: ba trung vệ hay hàng thủ bốn người?
Martinez: Còn tùy! Quan trọng là hệ thống nào phù hợp nhất với những cầu thủ mà ta có. Trong trận đầu tiên dẫn dắt đội Bỉ, gặp Tây Ban Nha, chúng tôi chơi với hàng thủ bốn người và đá không tốt. Nên chúng tôi phải đánh giá lại tình hình. Lúc đó chúng tôi có bốn trung vệ chất lượng, nhưng lại không có những hậu vệ cánh giỏi. Thế là, để khai thác hết sức mạnh của các cầu thủ, chúng tôi thử chuyển sang 3-4-3, và gắn bó với hệ thống này từ đó tới nay.
Nhưng hai năm sau đó, trong trận đấu với Brazil ở World Cup, ông lại trở lại với sơ đồ bốn hậu vệ và làm nên lịch sử cho bóng đá Bỉ...
Anh phải linh hoạt chứ. Triết lý của đội thì vẫn thế, nhưng chiến thuật thì phải có sự điều chỉnh. Sơ đồ nào không quan trọng, mà điều quan trọng nhất vẫn là trung thành với phong cách của mình. Các xu hướng chiến thuật đến rồi đi. Đó là lý do tôi không tin rằng mình phải gò các cầu thủ vào một sơ đồ, mà ngược lại, phải tìm ra được một sơ đồ phù hợp nhất với các cầu thủ mình có.
Ai là nhân vật có ảnh hưởng tới nhất tới sự nghiệp HLV của ông?
Johann Cruyff! Ông ấy đã thực hiện những thay đổi rất quyết liệt, giới thiệu những ý tưởng chưa từng thấy trước đó. Có nhiều nhân vật ảnh hưởng tới mảng này hay mảng kia trong bóng đá, nhưng không có ai tạo được ảnh hưởng toàn diện như ông. Thế giới bị chia đôi: những người học theo ông, và những người cố chống lại ông. Ông là người đã mở ra những khái niệm như phòng ngự với bóng, sự vượt trội về quân số, là người đề cao kỹ thuật hơn hết thảy...
Là một Cruyffista, ông có thấy phấn khích khi được Barca quan tâm?
Anh thấy đấy, tôi đã xa quê nhiều năm rồi. Không có nhiều CĐV biết tới sự nghiệp của tôi, hay việc tôi từng có 7 năm làm việc ở Premier League. Điều đó làm tôi thấy buồn cười. Nhưng tôi nghĩ sau World Cup 2018 đã có sự thay đổi. Tôi có thể nhận ra ngay là chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm từ các CĐV Tây Ban Nha. Với tôi, đó là một thành tựu. Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu có mặt trong nhiều tin đồn hơn. Nhưng tôi quen với nó rồi.
Ông có xem tới Barca lúc này là một cơ hội?
Tôi thậm chí còn không nghĩ về nó. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho Nations League được một năm rưỡi nay và đó là tất cả những gì tôi bận tâm lúc này.
Tuchel, Klopp, Nagelsmann... bóng đá hình như đang bị “Đức hóa”?
Nói thế cũng được. Tất cả là nhờ vào việc các đội bóng Đức, kể cả những đội bóng lớn nhất, luôn sẵn sàng trao cơ hội cho các HLV trẻ. Bóng đá Đức đang có một nền tảng rất tốt, với một giải VĐQG mạnh. Quan sát bóng đá Đức giúp chúng tôi học được cách tổ chức khi không có bóng. Chúng ta đến từ một nền văn hóa nơi chúng tôi suy nghĩ về việc làm gì khi có bóng hơn là làm gì khi không có bóng. Nhờ người Đức, chúng ta có pressing tầm cao, pressing chống phản công... Điều đó tốt cho bóng đá nói chung.
Bóng đá Bỉ thì có gì đặc biệt?
Hồi ở Everton tôi làm việc với ba cầu thủ Bỉ (Fellaini, Mirallas và Lukaku), nhưng nói rằng họ tới từ cùng một nền bóng đá nhiều người sẽ không tin. Tôi lúc nào cũng tự hỏi: “Làm sao mà một đất nước chỉ có 11 triệu dân lại có thể sản sinh ra những cầu thủ khác nhau đến thế, chơi theo những phong cách đa dạng đến thế?”.
Từ lúc ấy bóng đá Bỉ đã có một thế hệ tuyệt vời.
11 triệu người nghĩa là Bỉ cũng có thể được xem là Uruguay của châu Âu nhỉ. Làm sao mà một quốc gia nhỏ như thế có thể sản sinh ra nhiều tài năng đến vậy?
Tôi nghĩ là không có gì bất ngờ. Họ có 24 CLB hàng đầu, với 6 hay 7 học viện trẻ chất lượng ở Bruges, Anderlecht... Mối quan hệ giữa các CLB là rất tốt. Ngoài ra còn vấn đề văn hóa. Ở Bỉ có tới ba cộng đồng ngôn ngữ cùng tồn tại, và nhờ thế người dân ở đây có sẵn sự đa dạng và thái độ cởi mở với sự khác biệt. Cũng vì thế mà các cầu thủ Bỉ luôn có sự chuẩn bị rất tốt trước khi ra nước ngoài, dù có thể chính họ cũng không nhận ra điều đó.
Lukaku là một ví dụ?
Chính xác. Ở tuổi 16 anh ấy đã là một cầu thủ chuyên nghiệp và được hướng tới là chủ lực của Anderlecht. Nhưng chỉ sau khi ra nước ngoài anh ấy mới thực sự trưởng thành vượt bậc. Tôi có cơ hội làm việc với Romelu lúc anh ấy 19 tuổi, đầu tiên là theo một hợp đồng cho mượn và sau đó là bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử Everton. Ngay từ khi ở Everten, anh ấy đã luôn bị ám ảnh bởi các bàn thắng.
Hãy nói về văn hóa Premier League với bóng đá Bỉ...
Đó là điều nằm ngoài dự tính. Sau EURO 2000, bóng đá Bỉ bắt đầu cuộc tái thiết. Ban đầu, họ nhắm tới mô hình của Hà Lan và Pháp trong nỗ lực xây dựng một ADN cho nền bóng đá. Nhưng điều mà không ai tính trước được là lựa chọn của các cầu thủ. Có thời điểm, gần như tất cả những cầu thủ giỏi nhất của Bỉ đều chơi bóng ở Premier League. Điều đó rất tốt cho nền bóng đá. Những cầu thủ kỹ thuật của Bỉ được đào luyện trong một môi trường Premier League rất giàu tốc độ và thể lực.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi.