Một đêm tàn khốc và man rợ
Vào cuối thập niên 1990, HLV David O’Leary đã biến Leeds United thành một trong những đội bóng đáng xem nhất ở xứ sương mù. Đó là tập thể trẻ trung, đầy khao khát và chơi thứ bóng đá khoáng đạt, đẹp mắt.
Mùa giải 1999/2000, lần đầu Leeds trở lại đấu trường châu Âu sau 1/4 thế kỷ. Rất nhanh chóng, họ cho thấy đẳng cấp khi tiến rất xa. Và sau hành trình dài gian khổ, qua Hà Lan để đối đầu Partizan Belgrade, hai lần tới Nga gặp Lokomotiv và Spartak, ghé qua Italia và đánh bại Rome trước khi chạm trán Slavia tại Séc, cuối cùng Leeds hành quân tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), gặp Galatasaray trong khuôn khổ lượt đi bán kết UEFA Cup.
Trước ngày 5/4/2000 định mệnh, Leeds đứng thứ hai tại Premier League. Trong trường hợp không thể cạnh tranh ngôi vô địch với M.U và giữ được ngôi á quân, đây cũng là vị trí cao nhất của Leeds kể từ khi Premier League ra đời năm 1992. Nếu vượt qua Galatasaray để có mặt ở chung kết rồi tiếp tục giành chiến thắng, mùa giải 1999/2000 sẽ thật rực rỡ với Leeds.
Vì vậy, dù biết rõ sự hung hãn và thái độ thù địch của các CĐV Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 1.000 CĐV Leeds vẫn tới Istanbul 1 ngày trước trận đấu với tâm trạng phấn khích. Buổi chiều, 150 người đã tới quán rượu James Joyce Irish Pub ở khu Taksim sầm uất để nhậu nhẹt. Chắc chắn họ uống rất nhiều ồn ào, nhưng không gây ra bất cứ sự khiêu khích nào.
Kevin Speight và Chris Loftus là hai trong số những CĐV đó. Họ ngồi trong nhóm 20 người, uống và ca hát. Tất cả không biết mình đã bị phục kích bởi khoảng 100 hooligan Thổ Nhĩ Kỳ, với dao rựa, gậy gộc và tuýp sắt. Một khung cảnh hỗn loạn và đổ nát. Sau khi đám người man rợ bỏ đi, rất nhiều CĐV của Leeds bị thương. Nặng nhất là Speight và Loftus. Speight - 40 tuổi, bị đánh vào đầu bằng gậy baton, trong khi Loftus - 37 tuổi, bị chém ngang bụng.
Cả hai được bạn bè đưa vào bệnh viện trên taxi. Chủ tịch của Leeds, Peter Ridsdale, đến ngay khi biết tin. Nhưng khi ông có mặt, Loftus đã chết, còn Speight đang ở tình trạng nguy kịch. Ridsdale trả thêm tiền để Speight được chăm sóc tốt hơn, song người đàn ông từng đi cùng đội bóng trên chuyến bay tới Istanbul và trò chuyện với tiền đạo trẻ Alan Smith trong sảnh chờ, đã chết trên bàn mổ.
Khi bóng đá không còn quan trọng
Vị chủ tịch của Leeds đã chạy đôn chạy đáo trong đêm đó. Và ông hy vọng có thể hoãn trận đấu. Nhưng trước lúc bình minh, Ridsdale được thông báo trận đấu phải diễn ra, nếu không Leeds sẽ bị xử thua 0-3. Ông miễn cưỡng đồng ý.
Rồi HLV O’Leary cùng các cầu thủ cũng biết tin. Họ bàng hoàng và sụp đổ. Vì trận đấu diễn ra vào buổi tối, họ có cả một ngày để nghĩ về thảm kịch ấy, để không còn tâm trí cho cuộc đối đầu sắp tới. “Tôi không tài nào tập trung và cũng không thể bắt các cầu thủ tập trung. Chúng tôi thất bại ngay khi trận đấu còn chưa bắt đầu”, HLV O’Leary nói.
Tâm trạng của Leeds còn xuống thấp nữa khi bước vào sân Ali Sami Yen. “Tôi và các học trò như thể đi vào vùng chiến sự”, O’Leary nhớ lại. “Chúng tôi đi dưới những tấm khiên của cảnh sát, giữa những CĐV bám theo ra dấu sẽ cắt cổ cả đội. Rồi bên trong sân, pháo sáng ném cả vào khu kỹ thuật để bầu không khí trở thành địa ngục thực sự”. Đội chủ nhà cũng từ chối 1 phút mặc niệm hoặc đeo băng tay đen.
Leeds thua 0-2, song họ không còn nghĩ về bóng đá. Họ chỉ muốn về nhà, cùng hai CĐV xấu số. Cho đến 2 tuần sau, các cầu thủ Leeds vẫn chưa hết đau buồn và hòa 2-2 ở trận lượt về rồi bị loại. Tuy nhiên, không ai tiếc nuối vì điều đó, nhất là mùa sau, đội quân của O’Leary khuynh đảo Champions League và cũng vào đến tận bán kết.
Sau nhiều hoạt động pháp lý, phiên tòa cũng được mở vào năm 2002. Có 4 hooligan Thổ Nhĩ Kỳ bị kết án. Một người bị tuyên 15 năm tù, nhưng được phóng thích năm 2010, và 3 người còn lại nhận án 6 năm.
Trong 20 năm tiếp theo, mỗi dịp tháng 4, người dân ở Leeds lại đặt bó hoa tưởng niệm Speight và Loftus dưới chân bức tượng đội trưởng Billy Bremner, người nói rằng luôn cống hiến hết mình vì người hâm mộ, không phải bất cứ điều gì khác.
Những tranh cãi xoay quanh thảm kịch Leeds, biểu tượng một thời 20. “20 năm kể từ khi thảm kịch xảy ra, nghe có vẻ lâu, nhưng với tôi, nó vẫn sống động như mới hôm qua. Tôi đã sốc khi nó xảy ra, và ký ức ấy vẫn đeo bám tôi cho đến tận bây giờ. Một vết sẹo không bao giờ lành”. Andy - em trai CĐV xấu số Chris Loftus |
XEM THÊM
Ighalo từng làm đồng đội giận dỗi bỏ về nhà một mình
Cái nháy mắt của Ronaldo không phải ký ức đen tối nhất của Rooney
Diego Maradona và Juan Riquelme: Hai 'số 10' kỳ diệu nhưng không thể song hành