Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Premier League
May mắn một lần thì đúng là… may mắn. Nhưng may mắn tới lần thứ hai, theo cùng một kịch bản, ở hai trận đấu liên tiếp ở Premier League, thì có vẻ như không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên nữa. Để làm rõ hơn, hãy xem Arsenal đã “gặp may” như thế nào. Ở trận gặp Southampton, Eddie Nketiah cướp bóng trong chân thủ môn McCarthy để ghi bàn mở tỉ số. Tới trận gặp Norwich, tới lượt Aubameyang làm điều y hệt trước Tim Krul. Có phải những McCarthy và Tim Krul tự đá bóng vào chân hai tiền đạo của Arsenal?
Không hề! Những khoảnh khắc “may mắn” ấy đã chẳng xuất hiện nếu Nketiah và Aubameyang không gây sức ép một cách quyết liệt. Nếu bạn vẫn chưa tin, thì hãy xem tiếp bàn thắng thứ hai của Aubameyang trong trận đấu với Norwich. Kịch bản cũng tương tự. Một cầu thủ đối phương chuyền bóng ngang vòng cấm thẳng vào chân Aubameyang. Thoạt nhìn thì đó là một “sai lầm” ngớ ngẩn. Nhưng tại sao cầu thủ của Norwich lại phải vội vội vàng vàng chuyền bóng như thế? Vì xung quanh anh ta có tới 4 cầu thủ Arsenal đang gây sức ép quyết liệt!
Nghe có vẻ hơi quá lời, nhưng đó là một phần trong chiến lược của HLV Mikel Arteta. Vị HLV người Tây Ban Nha, người cùng trường phái và từng là phó tướng của Pep Guardiola, xem việc gây sức ép một cách quyết liệt ngay khi đối phương vừa bắt đầu triển khai bóng là một yêu cầu bắt buộc. “Nhờ” việc các khán đài vắng bóng khán giả, chúng ta có thể nhận thấy rõ điều đó qua những chỉ đạo mà giờ đây có thể nghe rõ mồn một của Arteta. Không chỉ nhắc đi nhắc lại, ông còn sử dụng nhiều thứ tiếng, để chắc chắn là mọi học trò đều hiểu mình muốn gì.
“Press” (từ tiếng Anh, nghĩa là “gây sức ép”), Arteta hét lên với Reiss Nelson, tiền vệ trẻ người Anh. Một lúc sau, ông lại gào lên “Va” (tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là “chạy đi!”) với Dani Ceballos và Hector Bellerín, hai cầu thủ người Tây Ban Nha, đồng hương của ông. Vì cả hai tiền đạo đều nói tiếng Pháp, nên đương nhiên Arteta không thể không dùng tới ngôn ngữ này. “Allez” (tiếng Pháp, cũng có nghĩa là “chạy đi!”), ông thúc giục Lacazette và Aubameyang mỗi khi hai ngôi sao này tỏ ra lơ là trong nhiệm vụ áp sát và gây sức ép với các cầu thủ phòng ngự của đối thủ.
Sự quyết liệt chính là khác biệt dễ thấy nhất giữa Arsenal và Norwich. Đội khách, dù đang chìm sâu trong nhóm cầm đèn đỏ, chơi bóng như thể họ chẳng phải chịu chút áp lực nào. Ở ngoài sân, HLV Daniel Farke như muốn phát điên, liên tục gào lên “Quyết liệt vào! Quyết liệt vào!” trong vô vọng. Đó cũng là lý do trong giờ nghỉ, ông đã thay liền một lúc ba cầu thủ, trong đó có chân sút chủ lực Teemu Pukki. Đội hình đã không chất lượng bằng, mà còn chạy ít hơn đối thủ, thì thất bại là điều khó tránh khỏi.
Thắng trận thứ ba liên tiếp, hai trong đó ở Premier League, Arsenal có vẻ đã tìm được quỹ đạo ổn định. Khoảng cách với Top 6 vẫn còn khá lớn (kém Wolves 6 điểm), nhưng trong một mùa giải mà đội duy nhất duy trì được sự ổn định đã sớm vô địch rồi, hy vọng “làm được một cái gì đó” vẫn còn nguyên với Arsenal. Quan trọng là họ phải duy trì được tinh thần của thời quan, và tiếp tục “ép” thần May mắn phải đứng về phe của mình.
Thể hiện ấn tượng của Ceballos Người nhận được nhiều chỉ đạo nhất từ HLV Arteta chính là tiền vệ Dani Ceballos. Ở ngoài đường biên, ông Arteta liên tục “chỉnh” chàng tiền vệ đồng hương. Không phụ lòng thầy, cầu thủ mượn từ Real đã có một màn trình diễn ấn tượng. Không ghi bàn hay kiến tạo nhưng anh thực sự là ông chủ nơi tuyến giữa của Arsenal, vừa tổ chức lối chơi (chuyền 65 đường, nhiều nhất, tỉ lệ 92,3%), vừa tham gia phòng ngự (1 tắc bóng, 4 cắt bóng). 4 - Kể từ sau thất bại trước Chelsea trong trận đấu đầu tiên của HLV Mikel Arteta, Arsenal đã thắng 5 trong 6 trận sân nhà tiếp theo ở Premier League (hòa 1). Lần đầu tiên từ tháng 4/2019 họ có chuỗi 4 trận thắng sân nhà liên tiếp. |
XEM THÊM
Liverpool 'chung mâm' với Arsenal sau thất bại bẽ mặt trước Man City
5 sai lầm của Klopp khiến Liverpool thua muối mặt Man City
Bruno Fernandes và hàng loạt kỷ lục sau trận M.U đại thắng Brighton