“We had joy, we had fun, we had seasons in the sun
But the hills that we climbed were just seasons out of time”
(Tạm dịch: Chúng ta đã vui mừng, đã sung sướng, đã trải qua những ngày ngập tràn nắng đẹp. Nhưng những ngọn đồi chúng ta đã chinh phục, giờ cũng chỉ như những ngày nắng đẹp đã qua).
Những câu hát trong bản cover “Seasons In The Sun” năm 1999 của nhóm nhạc Westlife cứ ám ảnh trong đầu tôi mãi sau khi xem xong trận đấu của Arsenal với Norwich.
Năm 1999, Thierry Henry đến Arsenal. Giáo sư kéo anh chàng thất bại tại Juve từ cánh vào trung lộ, để rồi giải Ngoại hạng Anh chứng kiến tới 175 bàn thắng của Titi. Nếu Wenger không điều chỉnh như thế, Henry có lẽ sẽ không bao giờ được các cổ động viên bầu chọn là Pháo thủ vĩ đại nhất lịch sử câu lạc bộ.
Một buổi tối mùa hè 2002 trên sân Old Trafford, Sylvain Wiltord lao tới như một mũi tên, đệm bóng cận thành hạ gục Barthez. Trên khán đài, Arsene Wenger bật lên đầy khoái sảng. Arsenal chung cuộc thắng Man Utd 1-0 và giành chức vô địch ngay trên sân nhà đại kình địch.
Pha dứt điểm làm tung lưới Bathez của Wiltord
15/5/2004, trong cơn mưa pháo giấy, Arsenal nâng cao cúp vàng Premiership. Kết thúc trận đấu cuối cùng, Arsene Wenger đi qua đội trưởng Patrick Vieira với nụ cười mãn nguyện. Ngày hôm đó, nắng đổ rất đẹp trên sân Highbury. Ngày cuối cùng Arsenal vô địch Ngoại hạng Anh là một ngày nắng đẹp.
Ngày hôm qua, 30/4/2016, trong một ngày trên sân chẳng còn Thierry, Sylvain cũng như Patrick, Arsenal vẫn thắng 1-0. Nhưng ở Wenger chỉ còn nỗi khắc khổ xa xăm và trên khán đài, ngập tràn những biểu ngữ “Time for change” (Đã đến lúc thay đổi). Chức vô địch giờ đã lìa xa và trên sân không có gì hơn ngoài bế tắc.
Ngày hôm qua, không còn một quyết định nhân sự tuyệt luân nào. Chỉ còn Olivier Giroud gây “ngứa mắt” đến khó tin, Aaron Ramsey làm đỏm nhiều hơn thi đấu, Mesut Ozil đầy ức chế và Alexis Sanchez quần quật tới khốn khổ. Đó không phải một tập thể, họ rệu rạc. Đội hình thi đấu quá dễ bắt bài và các quyết định thay người của huấn luyện viên mờ nhạt tính chiến thuật.
Giroud gây "ngứa mắt" đến khó tin
Trong khi hy vọng lên cao nhất, Arsenal lại trưng ra một bộ mặt thân quen. Đó là tâm lý nhu nhược, thái độ thi đấu như thể không muốn vô địch và quyết tâm bằng số không. Nếu có tính từ nào miêu tả chính xác đội bóng của Wenger thì có lẽ đó sẽ là “tù túng”. Thất bại về chuyên môn có thể chấp nhận được, nhưng việc ra sân không quyết tâm chiến đấu thì không đáng nhận được sự cảm thông.
Có lẽ không ai có thể hiểu được tại sao Wenger chỉ mua Cech và Elneny mỗi kì chuyển nhượng, khi trên sân, Giroud và Walcott chẳng đóng góp được gì. Không ai có thể hiểu tại sao Giáo sư vẫn bênh vực học trò sau khi họ đá bay một mùa giải trời cho bằng sự tự thỏa mãn và thiếu tham vọng. Không ai hiểu tại sao học trò của Wenger đá bóng như “công tử bột” như vậy, trong khi nhìn sang Simeone hay Ranieri, cầu thủ của họ quyết chiến! Không ai hiểu nổi, nên đã có những người đòi hỏi sự thay đổi, đòi hỏi Wenger phải ra đi.
Chắc chắn, Wenger phải chịu trách nhiệm cho kết quả thi đấu của câu lạc bộ. Người ta nói, Giáo sư đã mang tới sự ổn định cho Arsenal và đưa đội bóng qua gian khó. Nhưng bây giờ khi khó khăn đã lùi xa, Giáo sư vẫn dường như bất lực trong việc dẫn dắt đội bóng tới chức vô địch. Nếu cái giá phải trả cho sự ổn định là bạc nhược và nhìn Leicester chiến đấu thực sự mỗi tuần, có đáng không? Nếu cái giá phải trả cho sự ổn định là việc tự thỏa mãn và chấp nhận việc không có chức vô địch cuối mỗi mùa bóng, có đáng không?
Wenger phải chịu trách nhiệm về thành tích của Arsenal
Với những gì đã cống hiến, không gì đau lòng hơn việc Wenger hứng chịu những lời chỉ trích, chê bai, thậm chí là coi thường năng lực chuyên môn. Giáo sư đã trải qua lễ kỷ niệm 1.000 trận dẫn dắt Pháo thủ bằng thất bại 0-6 trước Chelsea, và tới đây có thể là ngày kỷ niệm 20 năm chẳng lấy gì làm vui vẻ.
Cái gì cũng có thời của nó, biết đâu, Maradona đẹp mãi trong mắt cổ động viên Napoli vì anh không ở lại đó tới ngày tàn sự nghiệp; Rivaldo được tôn thờ trọn vẹn vì không đá cho Barca tới tuổi 40; Otto Rehhagel sẽ không bao giờ bị coi là kẻ thất bại nếu rời đi ngay sau chức vô địch EURO 2004. Không gì cay đắng hơn việc chứng kiến một người hùng trở thành gánh nặng cho chính cái mà họ đã cống hiến hết mình.
Ngày hôm qua, nắng vẫn đẹp trên sân Emirates. Nhưng sẽ không có chức vô địch nào cả. Những chức vô địch Ngoại hạng Anh mà chúng ta và Wenger đã chinh phục, giờ cũng chỉ là những ngày nắng đẹp đã qua mất rồi.