Sau 10 trận mùa này, Arsenal mới thắng 4, hòa 1 và thua 5. Với vỏn vẹn 13 điểm sau 10 vòng, cùng hiệu số bàn thắng bại -2, Pháo thủ đang đứng thứ 14, cách vị trí dẫn đầu tới 9 điểm. So với Tottenham là một trời một vực. Nếu Spurs đánh bại Arsenal vào tối nay, họ sẽ đòi lại vị trí đầu bảng và đẩy đối thủ lún sâu vào cuộc khủng hoảng.
Arsenal chưa bao giờ khởi đầu tệ như thế kể mùa 1981/82, khi đó đoàn quân của HLV Terry Neill chỉ thắng 3, hòa 3 và thua 4. Trong những thất bại của mình, fan Pháo thủ xấu hổ vì họ còn thua cả những đội bóng nhược tiểu như Swansea và Notts County.
David O’Leary, cựu HLV của Leeds và Aston Villa, là thành viên của Arsenal thời điểm đó. Theo ông, có sự tương đồng nhất định giữa 2 phiên bản Pháo thủ cũ và hiện tại: "Điểm mấu chốt là không đội hình nào đủ chất lượng. Cả 2 đội hình này có khả năng tranh chấp vị trí ở nhóm đầu không? Không hề, không một cơ hội nào luôn".
Nguyên nhân trực tiếp nằm ở đâu, theo O’Leary thì là do rất nhiều mùa chuyển nhượng tồi tệ gộp lại. Năm 1981, Arsenal không thể tìm ra người thay thế 2 cầu thủ tốt nhất của mình đã lần lượt ra đi ở 2 mùa hè trước đó là Liam Brady và Frank Stapleton. Thậm chí, đầu mùa bóng đó, họ chỉ có đúng 1 tiền đạo kinh nghiệm là Alan Sunderland.
Không ai có thể đổ lỗi cho Arteta vì tình hình hiện nay, ông giống một "nạn nhân" hơn. O’Leary thông cảm: "Tuyển dụng cầu thủ như thế này thì trách được HLV nào? Arteta đã có 2 bản hợp đồng tốt là Gabriel và Thomas Partey. Nhưng trong đội hình hiện tại có tới 8-9 cầu thủ mà Arteta không mê nổi, cũng chẳng thể loại ra vì lương của họ quá cao. Tôi biết từ kinh nghiệm làm HLV của bản thân mình rằng nếu trong đội của bạn có những cầu thủ chỉ chờ tới ngày nhận lương, không khí phòng thay đồ là cực độc hại".
Nhưng mùa 1981/82 không chỉ có khởi đầu tệ hại. Sau một mùa thu đáng quên, tiếp tục bằng thất bại trước Ipswich ở vòng 11, Arsenal của O’Leary đã có mạch 6 chiến thắng. Họ thoát xa khỏi nhóm cầm đèn đỏ, rồi từ đó cán đích ở vị trí thứ 5 và giành suất đi Uefa Cup.
Nếu Arteta nhìn về quá khứ để tìm một lời khuyên, ông hẳn sẽ muốn xem bản tin... thời tiết. Arsenal khi đó đã được hưởng lợi từ một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất lịch sử nước Anh. Hàng tá trận đấu phải hủy bỏ vì mặt sân đóng băng. Kể cả Highbury với hệ thống sưởi âm cũng bó tay.
Chính vì điều kiện thời tiết bất thường này mà Arsenal đã không phải thi đấu ở giải quốc nội từ 5/12/1981 tới 20/1/1982. Và đây chính là thời khắc mà HLV Neill cùng cộng sự Don Howe bắt tay vào một cuộc cách mạng.
Stewart Robson, người có màn ra mắt đội một Pháo thủ ở tuổi 17 trước West Ham ngay trước khi giải đấu bị tạm hoãn, nhớ lại: "Có một cái sân trong nhà dành cho bóng đá 5 người cùng một luồng chạy điền kinh ở dưới khán đài phía Nam của sân Highbury, họ đã bắt chúng tôi ở đó trong suốt mùa đông điên rồ. Chẳng có khoa học gì đâu, chỉ có "tra tấn" mà thôi. Họ khiến mọi thứ trông như giai đoạn tiền mùa giải. Tôi nhớ mình đau khắp người vì phải nâng đủ loại tạ. Nhưng tôi nghĩ khi các trận đấu trở lại, các đội bóng khác phát phì vì vừa có một kỳ nghỉ đông bổ sung, còn chúng tôi thì sung sức hơn bao giờ hết".
Nhưng thứ khiến Arsenal vẫn khó nuốt trôi cách đây 39 năm là sự lớn mạnh của Tottenham. Khi đó, Spurs là đội bóng của thời đại, họ có các ngôi sao Ardiles, Ricky Villa và Glenn Hoddle đang ở đỉnh cao. Họ còn đang xây dựng White Hart Lane, một biểu tượng của nghệ thuật thời bấy giờ. Ngay cả hệ thống sưởi âm của Tottenham cũng tiên tiến hơn, biến họ thành cửa trên về mọi mặt so với Arsenal.
O’Leary nhận ra áp lực dành cho Arteta vô tình gia tăng bởi đại kình địch của Arsenal - Tottenham cũng đang thi đấu rất tốt vào lúc này. Déjà vu chăng?
Đến tháng 3/1982, Neil đã chuẩn bị xong cho mùa giải mới khi tuyên bố hợp đồng với một ngôi sao 21 tuổi mang tên: Diego Maradona. Theo dự kiến, tiền đạo của Boca Juniors sẽ cập bến Highbury vào mùa hè nhưng vì các xung đột chính trị, huyền thoại vừa qua đời cách đây không lâu đã chuyển tới Napoli và làm nên lịch sử ở đó. Neill chán nản và cũng rời Arsenal vào mùa xuân năm sau. Gooner hi vọng Arteta chỉ nên tham khảo các câu chuyện quá khứ, chứ đừng học theo Neill.