Sau khi mùa 2006/07 kết thúc, Chủ tịch Peter Hill-Wood, Giám đốc Danny Fiszman và Wenger dùng bữa tối tại Wiltons, nhà hàng danh tiếng phía Tây London. Sau bữa ăn, họ bàn bạc về việc gia hạn bản hợp đồng của HLV người Pháp. Fiszman nói: “Arsene, nếu chúng tôi đưa anh 100 triệu bảng mua sắm, anh sẽ làm gì đầu tiên?”. “Tôi sẽ trả lại”, Wenger nói, nhanh chóng và rành rọt.
Câu chuyện này được kể lại bởi Hill-Wood với sự hài lòng. Họ vui mừng vì sở hữu người quản lý hiểu chuyện và sẵn lòng làm việc với một ngân sách eo hẹp.
Đó là hậu quả của chính sách, theo Hill-Wood, có phần ngông cuồng. Việc xây sân Emirates đã ngốn một khoản chi phí lên đến 390 triệu bảng, vượt xa mọi tính toán ban đầu và Arsenal bắt đầu thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Mặc dù tuyên bố rằng việc thi công không ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển đội bóng, và thường xuyên trưng ra những con số đẹp đẽ trên mặt báo, nhưng sự thật thì Arsenal không có một xu dính túi.
Sân Emirates của Arsenal có phần đóng góp không nhỏ từ Barca
Mọi chuyện đã có thể đi theo hướng rất tệ, trong bối cảnh các ngân hàng ngần ngại cho vay vốn. Thế nhưng sự xuất hiện của Barcelona đã giúp cuộc sống của họ dễ thở hơn. Trong vòng 16 năm qua, đội bóng xứ Catalan đã bỏ ra 135 triệu bảng cho 8 cầu thủ Arsenal.
Số tiền này tương ứng với 34,6% kinh phí xây Emirates và nhiều gấp 1,7 lần so với thực chi (sau khi cân đối giữa mua và bán) cho công tác chuyển nhượng trong 10 mùa giải gần nhất của Arsenal (79,3 triệu bảng). Tổng số tiền chi tiêu trong 16 năm của Barcelona là 865 triệu bảng và 15,6% trong số đó được gửi thẳng tới Bắc London.
Không hề quá đáng khi nói rằng, Barcelona là nhà tài trợ vàng cho công trình thế kỷ ở Bắc London, hoặc là Mạnh Thường Quân nâng đỡ Arsenal trong thời kỳ tăm tối. Để rồi bây giờ, khi gian khó đã qua, đội bóng này đã có một nền tảng tài chính vững chắc và quay lại gõ cửa Nou Camp năm 2014.
Họ không nói lời cảm ơn, mà đàng hoàng chồng ra 30 triệu bảng để mang về Alexis Sanchez. Một cảm giác thật khó diễn tả bằng lời. Lần đầu tiên họ mua một siêu sao đích thực. Lần đầu tiên họ không còn tự ti khi đứng trong thị trường chuyển nhượng. Không giống như năm 2003, David Dein trực tiếp đánh giá Antonio Reyes, Harry Kewell và Cris Ronaldo nhưng trong túi không có một xu.
Như vậy, xin khẳng định lại: Arsenal mới chính là kẻ “hút máu” Barcelona. Lần này là về mặt tiền bạc.