Đấy hẳn nhiên là một sự nghiệp lạ lùng. Và khi nhìn lại sự nghiệp lạ lùng của Schuerrle, không thể bỏ qua giai đoạn có liên quan đến Chelsea. Đấy là năm 2015. Kỷ niệm tuyệt vời về World Cup 2014 hãy còn nóng hổi (Schuerrle kiến tạo cho Mario Goetze bàn thắng duy nhất trong trận chung kết, đưa đội tuyển Đức lên ngôi vô địch).
Đang ở Wolfsburg thì Schuerrle nhận được điện thoại của HLV Jose Mourinho, nói về chiếc huy chương vô địch Premier League... của chính anh. Do không có nhiều cơ hội ra sân, Schuerrle đành chuyển từ Chelsea sang Wolfsburg vào giữa mùa bóng 2014/15. Anh nghe lời HLV Joachim Loew của ĐT Đức: phải ra đi để có cơ hội thi đấu nhiều hơn, từ đó mới mong giữ được chỗ đứng trong hàng ngũ Mannschaft.
Schuerrle đã quên hẳn Chelsea, không còn nhớ rằng chính mình - nhờ những lần vào sân từ ghế dự bị - vẫn đủ tư cách nhận huy chương vô địch Premier League. Bây giờ thì Schuerrle ngán ngẩm việc phải… chơi bóng liên tục. Ngày ấy, anh lại sốt ruột vì không được thi đấu nhiều. Bóng đá đỉnh cao dễ khiến người ta trầm cảm vì những áp lực như thế. Nhưng ở đây, chúng ta đang nói về Chelsea.
Có vẻ như Stamford Bridge không hề là nơi “đất lành chim đậu” cho cầu thủ Đức, đến một mức độ mà ngay cả ngôi sao World Cup như Schuerrle cũng phải tháo chạy, ngay giữa mùa bóng. Trước Schuerrle, Chelsea có Robert Huth.
Anh từng vô địch Premier League hồi đầu kỷ nguyên Abramovich, nhưng vai trò của anh trong chức vô địch Premier League 2015/16 của Leicester được nhớ đến nhiều hơn. Bên cạnh những John Terry hoặc Ricardo Carvalho, Huth chỉ là vai phụ ở Stamford Bridge.
Bấy nhiêu vẫn còn đỡ hơn so với Marko Marin. Từng được xem là “Messi Đức”, là một trong những ngôi sao trẻ sáng giá nhất mà Bundesliga từng giới thiệu, rút cuộc Marin trở thành bản hợp đồng “thảm họa” của Chelsea. Còn trước Marin là Sebastian Kneissl. Rất đơn giản: sẽ chẳng ai biết đến cái tên này!
Đấy là tất cả những cầu thủ Đức từng khoác áo Chelsea xưa nay, ngoài hai cái tên nữa, không phải nhắc. Một là Antonio Ruediger, ngay trong hàng ngũ Chelsea hiện thời. Người kia là huyền thoại Michael Ballack. Vâng, Ballack là trường hợp duy nhất xưa nay vươn đến đẳng cấp “tỏa sáng” trong màu áo Chelsea (một phần nào đó có thể là Ruediger, tùy quan điểm).
Hơi ít, đặc biệt là với Chelsea - ngọn cờ đầu của bóng đá Anh trong lĩnh vực chiêu mộ ngôi sao nước ngoài. Thật ra, Ballack chỉ đến Chelsea trong danh nghĩa chuyển nhượng tự do, ở tuổi 30, và không còn được Bundesliga quá trọng vọng nữa. Nhờ vậy, anh mới thành công vang dội?
Bây giờ, bỗng nhiên Timo Werner và Kai Havertz gia nhập Chelsea một cách đình đám. Và nếu vô địch Premier League 2020/21, sẽ có đến 3 cầu thủ người Đức trong hàng ngũ Chelsea. Là kỷ lục mới đã đành, đấy còn là một chi tiết trọng đại, sẽ được bàn nhiều, về văn hóa bóng đá.
XEM THÊM
Ferdinand đảm bảo M.U có thể yên tâm về Greenwood
Fan sốc nặng, thóa mạ Man United thậm tệ sau trận thua Aston Villa