Vì sao Liverpool cần một bước tiến hóa chiến thuật?
Sự ổn định là điều mọi đội bóng đều mong muốn. Để ổn định, điều quan trọng là phải kiên trì với một HLV, duy trì một dàn cầu thủ trụ cột gắn kết nhiều năm, và có một hệ thống chiến thuật xuyên suốt theo triết lý phù hợp.
Đó là trọng tâm trong toàn bộ dự án của Juergen Klopp tại Liverpool. Ông đến với một triết lý rõ ràng, phù hợp hoàn hảo với Liverpool như đo ni đóng giày, và đảm bảo CLB không còn ở thế phải bán đi trụ cột. Sau gần 5 năm tại vị, Klopp đã đem lại cho Liverpool một sự ổn định sâu sắc đến mức họ sắp bước vào mùa giải thứ ba liên tiếp với đội hình tối ưu gần như giống hệt nhau, có chăng chỉ thay đổi ở vị trí một số cầu thủ dự bị.
Sự ổn định ấy rõ ràng là một điều vô cùng tích cực, nhưng bất kỳ đội bóng vĩ đại nào cũng cần phải phát triển và làm mới. Không phải để phá vỡ công thức đã hoạt động quá hiệu quả, mà là tìm thêm các phương án chiến thuật đa dạng hơn, có thể thông qua chuyển nhượng hoặc những điều chỉnh sơ đồ chiến thuật. Đối với Liverpool, có những dấu hiệu cho thấy rằng thời điểm cho một sự thay đổi đã đến.
Một trong những vấn đề thường xảy ra của sơ đồ 4-3-3 được sử dụng xuyên suốt 2 mùa bóng liên tiếp là dễ bị bắt bài. Từ đầu mùa giải 2018/19 đến tháng 2 năm nay, Liverpool đã vượt qua hầu hết mọi chướng ngại vật với sức mạnh áp đảo, đỉnh cao là 26 chiến thắng và chỉ 1 trận hòa sau 27 vòng đầu tiên của Premier League 2019/20, cơ sở vững chắc để họ lên ngôi vô địch.
Nhưng sau giai đoạn thăng hoa này, hiệu suất của thầy trò Klopp đã sa sút đáng kể. Liverpool chỉ thắng 6 trong số 16 trận gần nhất trên mọi đấu trường (bao gồm cả trận Community Shield với Arsenal), tính từ thất bại ở trận lượt đi vòng knock-out Champions League mùa trước với Atletico Madrid.
Tất nhiên, 3 tháng không bóng đá và những khán đài lạnh ngắt sẽ ảnh hưởng tới phong độ của mọi đội bóng. Nhưng một điều có thể nhận thấy từ các đối thủ của Liverpool trong quãng thời gian này là sự tập trung vô hiệu hóa mối đe dọa từ các hậu vệ cánh của Liverpool – cũng chính là nguồn sống cho quãng thăng hoa của họ. Sau tổng cộng 63 lần đóng góp vào các bàn thắng cho đội, rốt cuộc thì Trent Alexander-Arnold và Andy Robertson đã được các HLV đối thủ để mắt tới.
Arsenal đã làm điều đó rất hiệu quả trong hiệp 2 trận đấu giữa hai đội tại Emirates vào tháng 7, sau khi bị áp đảo trong 45 phút đầu tiên, liên tục cắt cử 2 người (hoặc thậm chí 3 người) để đối phó với Alexander-Arnold nhằm ngăn hậu vệ trẻ này tạt bóng vào trong. Trong ví dụ dưới đây, có thể thấy Bukayo Saka, Kieran Tierney cùng hai tiền vệ (Granit Xhaka và Lucas Torreira) đang bao vây tứ phía khiến Alexander-Arnold hoàn toàn bị khóa chặt đường lên bóng hướng lên phía trước.
Atletico đã làm điều tương tự tại Wanda Metropolitano vào tháng Hai, liên tục tăng cường áp lực ở hai cánh để thu hẹp không gian và buộc Liverpool phải lùi vào khu vực giữa sân, nơi họ vốn dĩ không có bất kỳ phương án xâm nhập hiệu quả nào.
Con số thống kê cũng phản ánh thực tế trên. Alexander-Arnold có trung bình 0,35 pha kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút trước khi giải đấu bị tạm dừng (xếp thứ 3 tại Premier League, sau Kevin De Bruyne và Riyad Mahrez ), nhưng con số này chỉ là 0,19 sau giai đoạn nghỉ dịch, khiến anh bật ra ngoài top 30 cầu thủ hàng đầu về số liệu này. Số đường chuyền quan trọng của anh cũng giảm từ 2,64 lần mỗi 90 phút xuống còn 1,58 lần mỗi 90 phút, và Trent đã chỉ có duy nhất 1 pha kiến tạo trong 11 lần ra sân gần nhất, so với 12 kiến tạo trong 27 trận trước đó.
Trái ngược với Trent, Robertson đã cải thiện số liệu kiến tạo kỳ vọng từ 0,22 lần/90 phút thành 0,25 lần/90 phút, cung cấp tới 5 đường kiến tạo chỉ trong 8 trận cuối mùa giải, 2 trong số đó dẫn tới các cú sút xa của Fabinho (vs Crystal Palace) và Divock Origi (vs Newcastle United), và 1 là từ quả phạt góc cho Mohamed Salah (vs Brighton).
Điều này có thể lý giải bởi sự tập trung dồn về phía Alexander-Arnold, mở ra nhiều khoảng không hơn cho Robertson, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là hiệu suất chung của bộ đôi hậu vệ cánh đã giảm sút, cụ thể là từ trung bình 0,57 kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút còn 0,44 kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút.
Tầm quan trọng của bộ đôi hậu vệ cánh ở Liverpool có thể nói không hề thua kém bộ ba tấn công Salah, Roberto Firmino và Sadio Mane. Hệ thống của Liverpool được thiết lập để tạo điều kiện cho các hậu vệ cánh trở thành nguồn cung cấp bóng chính cho bộ ba tiền đạo, trong bối cảnh 3 tiền vệ trung tâm của họ quá “một màu” và ít sáng tạo. Bẻ gãy những đợt lên bóng từ cánh, và lối chơi của Klopp bị hủy hoại một nửa.
Điều đó không có nghĩa là Alexander-Arnold và Robertson đã hoàn toàn trở nên vô hại. Họ vẫn là hai trong số những hậu vệ cánh xuất sắc nhất thế giới. Nhưng một điều bắt buộc là Klopp cần phải đa dạng hóa lối chơi tấn công của Liverpool để thay đổi cán cân khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào các hậu biên, khiến hướng triển khai bóng của nhà ĐKVĐ Premier League trở nên dễ đoán.
Trong bối cảnh đó, Naby Keita là một phương án được tính đến đầu tiên bởi anh vốn là tiền vệ có khả năng sáng tạo nhất, bằng chứng là ngôi sao người Guinea sở hữu số kiến tạo kỳ vọng trên 90 phút cao nhất đội (0,36), dù thống kê trên xét trên một phạm vi tương đối hẹp, chỉ 812 phút thi đấu. Sở hữu tốc độ tốt, tầm nhìn và kỹ thuật, Keita đủ khả năng đi bóng qua 2, 3 cầu thủ đối phương, mở ra không gian cho đồng đội khai thác. Nếu đảm bảo được thể lực ổn định, Keita có thể tạo nên khác biệt rất lớn.
Đáng tiếc, sự nhạy cảm chấn thương của Keita không đảm bảo cho anh thể lực và phong độ để đá chính thường xuyên, cũng như không đảm bảo cho Liverpool một phương án tấn công đa dạng hơn khi cần thiết. Đó là một trong nhiều lý do khiến Klopp si mê Thiago Alcantara, một tiền vệ sáng tạo lý tưởng sẽ cải thiện ngay lập tức cho chất lượng tấn công của đội.
Trong bóng đá, cũng như trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, một câu nói xưa cũ nhưng vẫn luôn sáng suốt là đừng bao giờ tìm cách sửa chữa những thứ vẫn đang vận hành tốt. Tuy nhiên, bất kỳ công thức chiến thắng nào cũng cần phải mày mò để tiếp tục tiến về phía trước và trở nên hoàn hảo hơn nhằm chinh phục mục tiêu tiếp theo, huống hồ bộ máy Liverpool đã có những trúc trắc nhất định.
Câu trả lời là 4-2-1-3 và Minamino
Cho dù chỉ là một trận đấu giao hữu vô thưởng vô phạt, thì việc ghi 7 bàn thắng trong một trận đấu cũng là dấu hiệu rất đáng khích lệ. Klopp có lý do để không hài lòng với kết quả thua trước 0-2 trong hiệp 1 trước Blackpool, nhưng rốt cuộc The Reds vẫn có được chiến thắng tưng bừng 7-2 để chạy đà hứng khởi trước trận mở màn gặp Leeds cuối tuần tới.
Trong chiến thắng đó, dấu ấn tích cực nhất thuộc về Minamino, cũng như cái cách anh đã toả sáng ở Community Shield dù pha lập công của tiền vệ này không đủ để giúp Liverpool giành Siêu cúp. Thêm 1 bàn thắng và 1 kiến tạo ở trận gặp Blackpool, ngôi sao người Nhật đang thực sự hoà quyện vào lối chơi của Liverpool và thậm chí còn là nhân tố nổi bật.
Ở trận đấu mà nhiều học trò cưng của Klopp phải nghỉ thi đấu vì những lý do khác nhau, bao gồm Gini Wijnaldum (phục vụ ĐT Hà Lan), Jordan Henderson (chưa đủ thể lực để ra sân) và Alex Oxlade-Chamberlain (chấn thương), chiến lược gia người Đức đã tranh thủ thời cơ để tìm ra cách “lắp ghép” Minamino sao cho hoàn hảo nhất. Thay vì như thường lệ là trám anh trực tiếp vào 1 trong 3 vị trí trên hàng công của sơ đồ 4-3-3, Klopp đã bố trí cựu cầu thủ RB Salzburg chơi như một “số 10”, kết nối hàng tiền vệ và tiền đạo.
Phía sau anh, Naby Keita và Fabinho (nhường chỗ cho tài năng trẻ Curtis Jones trong hiệp 2), chủ yếu hoạt động song song và gần nhau như một trục kép, trong sơ đồ 4-2-1-3.
Và đây chính là sở trường của Minamino. Nhận bóng từ những vị trí xa khung thành đối phương hơn, tiền vệ người Nhật có khoảng không để dẫn bóng, liên tục hoán đổi vị trí một cách nhuần nhuyễn với tiền đạo Roberto Firmino thay vì giẫm chân nhau, điều từng xảy ra khi anh phải đá tiền đạo cánh thay Salah hoặc Mane ở mùa giải vừa qua.
Được trao nhiều bóng và nhiều không gian hơn, Minamino tỏ ra thoải mái, hiệu quả và vững vàng với vị trí của mình trong một hệ thống mà anh đang ngày càng quen thuộc. Trước đây, do thiếu tốc độ bùng nổ mà Minamino đã thất bại trong những lần thế chỗ Salah hoặc Mane ở biên. Anh cũng không đảm bảo được thể lực và cảm giác không gian để trở thành một Firmino thứ hai. Cũng khó trách Minamino, bởi vị trí của Firmino thực sự khó tìm được người thứ hai đảm nhận nổi.
Trái lại, được chơi phía sau lưng bộ ba tấn công và luân phiên hoán đổi vị trí với họ, Minamino dường như trở thành một con người khác, giống như anh từng thể hiện trong màu áo Salzburg trước Liverpool tại Champions League mùa trước – màn trình diễn khiến Lữ đoàn Đỏ phải móc hầu bao rước anh về. Kỹ năng nhận bóng trước áp lực lớn, xoay người và nhanh chóng chuyền cho đồng đội là sở trường của Minamino, và anh thể hiện những điểm mạnh này tốt nhất trong vai trò tiền vệ tấn công tự do, điều này cũng khiến anh trở nên cực kỳ khó bị bắt bài.
Việc bố trí Minamino đá “số 10” cho thấy sự thay đổi rõ rệt về quan điểm chiến thuật của Klopp, vị HLV gần như chưa từng tin dùng vai trò này kể từ khi đến Liverpool, ngoại trừ giai đoạn nửa đầu mùa giải 2018/19, khi ông chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1 với Firmino đá hộ công, Salah sắm vai trò trung phong.
Thế giới bóng đá luôn vận động và đầu óc Klopp cũng thế. 4-3-3 đã rất thành công trong thời gian qua, nhưng điều đó khó tiếp tục duy trì ở tương lai. Như đã phân tích ở trên, Liverpool cần một phương án tấn công mới để đa dạng hoá lối chơi, và màn bước ra ánh sáng của Minamino trong vai trò số 10 là một dấu hiệu rất tốt. Một sơ đồ mới với trái tim là cầu thủ hộ công sẽ không chỉ đem đến nhiều cơ hội hơn cho tiền vệ người Nhật, mà còn cả Curtis Jones hay Xherdan Shaqiri.
XEM THÊM
Giới thiệu Liverpool mùa 2020/21: Bảo vệ ngôi vương
Chuyển nhượng Liverpool: Lý do nhà ĐKVĐ chùn tay và kế hoạch 4 năm