Bóng Đá Plus trên MXH

Big story

Chiêu 'Doping tài chính' của Man City, CFG và 13 CLB chư hầu

 

Chiêu "Doping Tài Chính" của Man City, CFG và 13 CLB chư hầu

Bằng việc mua ồ ạt các cầu thủ tài năng trẻ trên toàn thế giới, rồi đem dự trữ tại các CLB chư hầu nằm trong hệ sinh thái City Football Group thông qua các hợp đồng cho mượn hay bán cực rẻ, Man City và CFG đã thao túng luật cấm sở hữu quá 8 cầu thủ quốc tế trẻ của FIFA. Đây cũng là cách Man City và CFG "cấp vốn" tá hình cho các CLB vệ tinh để cạnh tranh vượt trội tại giải đấu của mình.

 
 

Ante Palaversa là tiền vệ phòng ngự 18 tuổi được đánh giá cao đến từ Croatia khi Man City ký hợp đồng với anh vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng tháng 1/2019 với mức phí được BBC đưa tin là khoảng 7 triệu bảng. Anh là đội trưởng của U19 Croatia và được coi như người có khả năng kế vị Fernandinho tại Etihad, nhưng ban đầu ở lại Hajduk Split theo dạng cho mượn, nơi đã đào tạo anh từ bé.

Mùa 2019/20, Palaversa thi đấu cho CLB Oostende (Bỉ), mùa giải tiếp theo anh đến Getafe (TBN) và mùa 2021/22 khoác áo Kortrijk (Bỉ), tất cả đều dưới dạng cho mượn. Sau đó, mùa hè năm 2022, anh gia nhập CLB Troyes (Pháp) bằng một hợp đồng dài hạn với mức phí gọi là cho có.

Anh là một trong 4 cầu thủ chuyển từ Man City sang Troyes năm ngoái. Luka Ilic cũng chuyển đến vào mùa hè 2022, trong khi Marlos Moreno và Erik Palmer-Brown đến vào tháng 1/2022. Tổng số thời gian của các cầu thủ này ở Man City lên tới 18 năm nhưng không ai chơi cho CLB lấy 1 giây.

Việc họ chuyển đến Troyes - một CLB trong cùng hệ thống City Football Group (CFG) với Man City - diễn ra khi FIFA đang chuẩn bị đưa ra giới hạn về số lượng cầu thủ mà bất kỳ CLB nào có thể cho mượn tại bất kỳ thời điểm nào.

Các quy tắc này đã được chuẩn bị trong nhiều năm và có hiệu lực vào tháng 7/2022. Mục tiêu của quy tắc gồm 3 phần: ngăn chặn việc dự trữ tài năng, khuyến khích các CLB phát triển cầu thủ (không chỉ cho mượn) và khuyến khích cân bằng cạnh tranh.

Việc Troyes có được 4 cầu thủ từ Man City miễn phí hay mức phí vài xu là một điều may mắn cho họ. Không có quy tắc nào bị phá vỡ, nhưng quy định mới của FIFA có một lỗ hổng to bằng cửa chuồng bò. Hoàn toàn không có gì ngăn cản các tổ chức theo mô hình "nhiều CLB" nắm trong tay nhiều CLB và trữ cầu thủ ở đó, thay vì cho mượn.

Cuối cùng, nếu Palaversa, hiện 23 tuổi, hoặc bất kỳ cầu thủ nào trong 12 CLB của CFG ngoài Man City, phát triển tốt, chúng ta sẽ thấy CFG, với tư cách là người kiểm soát sự thăng tiến của hàng trăm cầu thủ, sẽ tham gia vào việc đưa họ trở lại CLB chủ chốt.

 
 

Sự thống trị đáng kinh ngạc của Man City đối với bóng đá Anh bắt nguồn từ việc thuê một trong những HLV vĩ đại nhất mọi thời đại và chiều sâu vô song trong một đội hình tiêu tốn mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới 1,064 tỷ euro (924 triệu bảng).

Tổ chức CIES Football Observatory đã tính toán chi phí trung bình cho các cầu thủ trong đội hình xuất phát của Man City mùa này là 605 triệu euro (525 triệu bảng). Về bản chất, Man City đang có 2 cầu thủ trị giá 50 triệu bảng ở mỗi vị trí. Man City. không chỉ chi tiêu lớn, họ đã chi tiêu tốt.

Erling Haaland với giá 51,2 triệu bảng là cầu thủ quan trọng nhất của mùa giải này và anh đã thi đấu không tồi. Jack Grealish (100 triệu bảng) là vụ mua sắm lớn nhất vào mùa hè trước đó, và trong 5 mùa giải trước nữa, những bản hợp đồng lớn nhất là Ruben Dias (61 triệu bảng), Rodri (62 triệu bảng), Riyad Mahrez (60 triệu bảng), Aymeric Laporte (£ 57 triệu) và John Stones (47,5 triệu bảng).

Ở đầu bên kia của quy mô tuyển dụng, học viện của Man City đang đào tạo ra những tài năng, Phil Foden là người nổi bật nhất trong 3 cầu thủ trưởng thành ở đội một hiện tại. Romeo Lavia tại Southampton là một ví dụ trong số rất nhiều sản phẩm xuất sắc của Man City hiện đang tỏa sáng ở những nơi khác.

Nhưng sự kìm kẹp tài năng của Man City không bắt đầu và kết thúc với những ngôi sao được mua với giá cao và những cầu thủ được phát triển miễn phí. Giữa hai nhóm đó là một nhóm cầu thủ khác, mà chúng ta sẽ gọi là "ngôi sao cấp đông", được Man City ký hợp đồng từ khắp nơi trên thế giới khi họ vừa chớm nở.

Sau đó, họ thường được lưu giữ trong sổ sách của Man City trong nhiều năm mà không cần họ thi đấu. Phần lớn thời gian của nhóm cầu thủ này đến các CLB trong mạng lưới CFG theo dạng cho mượn. Bốn cầu thủ của Man City đều chuyển đến Troyes năm ngoái nằm trong nhóm này.

Một cuộc điều tra của tờ The Mail on Sunday đã phát hiện ra rằng Man City đã ký hợp đồng với 36 cầu thủ "cấp đông" chỉ trong thập kỷ qua. Bạn có thể đã nghe nói về một số người trong số họ: Aaron Mooy của Celtic, có lẽ, hoặc Douglas Luiz của Aston Villa, hoặc Pedro Porro của Tottenham. Họ không chơi phút nào cho Man City trong tổng cộng 6 năm cộng lại ở CLB.

Có thể bạn chưa từng nghe đến hầu hết những người còn lại, dù là Florian Lejeune hay Ruben Sobrino, Ilic hay Palaversa. Họ cũng chẳng thi đấu phút nào cho Man City dù cho tổng số thời gian tại CLB là 11 năm.

 
 

Tính tổng thể, 36 ngôi sao cấp đông đã có 127 năm trên sổ sách của Man City nhưng mới chỉ đá chính 6 trận, trong đó có 4 trận tính cho Angelino. 36 cầu thủ này đã ngốn của CLB tổng cộng 99,67 triệu bảng phí đã trả, và cho đến nay, chỉ đem về 87 triệu bảng từ phí cho mượn.

Tuy nhiên, giữa nhiều tranh cãi, họ đã phục vụ tốt cho Man City và City Football Group, trước hết là do sự nghiệp của họ bị CFG kiểm soát và do đó được tích trữ ở nơi mà các đối thủ không thể có được. Thứ hai, họ thường đóng góp tích cực cho các CLB nằm trong hệ sinh thái CFG, những đội bóng không thể tiếp cận được những tài năng như vậy.

Điều này đã gây ra sự phản đối đặc biệt ở Tây Ban Nha, nơi vào năm 2017, Girona có không dưới 5 cầu thủ của Man City được cho mượn: Douglas Luiz, Marlos Moreno, Aleix Garcia, Pablo Maffeo và Olarenwaju Kayode.

Chủ tịch La Liga Javier Tebas cáo buộc Man City chơi "doping tài chính" và "xảo trá sổ sách" để lách các quy tắc giới hạn chi tiêu của La Liga áp dụng cho Girona. Man City đáp trả rằng các tuyên bố là "hư cấu thuần túy" và đe dọa kiện.

5 thương vụ này diễn ra ngay sau khi CFG mua 44,3% Girona vào tháng 8/2017, cùng thời điểm Pere, anh trai của Pep Guardiola, một tay cò bóng đá, cũng mua 44,3% Girona. Người phát ngôn của La Liga vừa nói với truyền thông vào Chủ nhật tuần này như sau: "Kể từ năm 2017, chủ tịch Javier Tebas đã tố cáo các hoạt động của Man City. Những điều này đi ngược lại luật công bằng tài chính và có thể được coi là doping tài chính".

Ông này còn nói thêm rằng La Liga hiện đưa ra đánh giá của riêng họ về giá trị nào có thể được quy cho các cầu thủ được cho mượn để phục vụ mục đích giới hạn chi tiêu. "Chúng tôi không khuyến khích việc có nhiều hơn một cầu thủ được cho mượn đến từ một CLB được liên kết". Nhưng điều này không thể được thực thi vì các quy tắc mới của FIFA không quy định điều đó.

Man City đã hỗ trợ Girona 2 mùa trước đó, khi họ bắt đầu mùa 2015/16 ở giải hạng Nhì TBN. Giới hạn chi tiêu của Girona trong mùa giải đó là 3,6 triệu euro (khi đó trị giá 2,6 triệu bảng). Họ chỉ đủ khả năng mua 1 cầu thủ trong mùa giải đó, Pedro Alcala, với giá 75.000 bảng, và có một bảng lương rất thấp.

Họ cũng đã bán 1 cầu thủ là Florian Lejeune cho Man City với giá khoảng 225.000 bảng và Man City đã nhanh chóng cho Girona mượn cầu thủ này ở mùa giải đó. Đồng thời, Man City mua một cầu thủ khác, Ruben Sobrino, với giá 180.000 bảng, tăng lên 320.000 bảng kèm theo các trả thưởng bổ sung, và ngay lập tức cho Girona mượn.

 
 

CFG là ví dụ lớn nhất và được cho là tốt nhất của các tổ chức đa CLB đang phát triển và mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. CFG hiện có 13 CLB trong hệ thống sở hữu, đồng sở hữu hoặc có quan hệ đối tác chính thức, nằm ở 13 quốc gia trải dài khắp các châu lục, trừ châu Phi, cho đến nay.

Man City cũng đã hợp tác chặt chẽ hoặc thực hiện nhiều giao dịch cùng có lợi với một nhóm lớn hơn các CLB không có quan hệ đối tác chính thức, từ Sporting Lisbon và Borussia Dortmund, đến Southampton, Twente, KV Kortrijk của Vincent Tan ở Bỉ, Benfica, Valencia, NAC Breda và Celtic. Nhiều hàng cấp đông đã được cho mượn tại một số CLB này cũng như các CLB của CFG.

Khi Southampton ký hợp đồng với không dưới 4 sản phẩm của học viện Man City vào mùa hè năm ngoái, bao gồm cả Lavia, hai trong số các thương vụ chỉ được thực hiện sau khi họ chấp thuận việc bán Oriel Romeu cho Girona.

Pedro Porro đã có gần 3 năm với tư cách là cầu thủ của Man City từ năm 2019 đến 2022 trước khi bị bán cho Sporting Lisbon với giá 7,2 triệu bảng với mức lỗ 4 triệu bảng. Tám tháng sau, anh được đem cho Spurs mượn, đội có nghĩa vụ mua đứt anh vào mùa hè này với giá 40 triệu bảng.

CFG gần đây đã gây ra sự kinh ngạc ở Bỉ, nơi CLB hạng hai Lommel SK bị một CLB khác là Royal Excelsior Virton khiếu nại pháp lý chính thức lên Ủy ban Châu Âu. Trong một tuyên bố gần đây trên trang web của họ, Virton cho biết CFG đang vi phạm các quy định mới của EU nhằm ngăn chặn "trợ cấp nước ngoài làm méo mó thị trường nội địa".

Virton đang đưa ra một trường hợp pháp lý rằng ngân sách hàng năm 4,4 triệu bảng của chính họ đã bị lấn át bởi gần 15 triệu bảng trợ cấp kiểu "viện trợ nhà nước" nước ngoài cho Lommel từ CFG, công ty do Sheik Mansour của Abu Dhabi sở hữu đa số.

Virton lập luận rằng nếu không có CFG, Lommel không có "tính hợp lý về kinh tế". Cơ quan quản lý địa phương của Bỉ đã đứng về phía CFG, do đó Lommel đã đưa vấn đề này lên các cơ quan quản lý châu Âu.

Các lãnh đạo của La Liga đã liên hệ với Virton để đề nghị hỗ trợ. Một đại diện cho biết: "La Liga hiểu bức xúc của Virton. Chúng tôi đã viết thư cho CLB giải thích chi tiết các quy định mà chúng tôi có ở La Liga để ngăn chặn sự bóp méo thị trường. La Liga muốn tất cả các giải đấu đưa vào các quy tắc tương tự về vấn đề này".

 
 

CFG đã khiến NHM Australia khó chịu vào năm 2016 khi họ chuyển Aaron Mooy từ CLB Melbourne City của họ sang Man City mà không được làm gì. HLV của Socceroos lúc bấy giờ Ange Postecoglu đã gọi Mooy là "cầu thủ hay nhất và thú vị nhất ở A-League". Man City đã đem Mooy cho Huddersfield mượn trong 1 năm sau đó bán đứt với giá 8 triệu bảng.

Một nhà báo thể thao hàng đầu của Úc cho biết tình tiết này "đặt ra một số câu hỏi khó xử về khả năng một cầu thủ trị giá 8 triệu bảng có thể rời A-League mà nơi sản sinh ra anh ta không nhận được bất kỳ khoản bồi thường trực tiếp nào".

Gần đây, nhiều sự bực bội cũng xuất hiện ở Pháp và Brazil, nơi CFG trong tháng này đã hoàn tất thương vụ mua lại CLB Troyes và CLB Bahia với giá 158 triệu bảng trong tháng này. Giống như Virton ở Bỉ lo ngại CFG đang tạo lợi thế không công bằng cho Lommel, các nguồn tin từ các CLB nhỏ ở Pháp cho rằng Troyes cũng đang nhận được sự giúp đỡ quá mức.

Các quy tắc mới của FIFA giới hạn bất kỳ CLB nào có tối đa 8 cầu thủ được cho mượn xuyên quốc gia (kể từ tháng 7/2022), và con số này sẽ trở thành 7 vào tháng Bảy này và giảm xuống còn 6 vào tháng Bảy/2024.

Truyền thông Anh đã chỉ ra cho FIFA rằng các quy tắc mới của họ về việc "cấp đông cầu thủ" có một lỗ hổng lớn rõ ràng. Các nguồn tin của FIFA cho rằng các nhóm gồm nhiều CLB đang đưa ra các vấn đề không có câu trả lời dễ dàng. Một phát ngôn viên cho biết: "Ở giai đoạn này, chúng tôi không thể thảo luận về các kịch bản tiềm năng".

Trong khi đó, ở Brazil, CLB Bahia gần đây đã ký hợp đồng với tiền vệ 20 tuổi người Brazil, Diego Rosa với giá khoảng 1,8 triệu bảng từ Man City, đội đã trả khoảng 5,3 triệu bảng cho cầu thủ này vào đầu năm 2021. Dù đá ở đâu, cầu thủ vẫn ở trong quỹ đạo CFG và không có quy tắc nào bị phá vỡ.

Các CLB của CFG dường như rất quan tâm đến các tài năng người Brazil trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020, Man City, New York City FC, Yokohama Marinos, Troyes, Lommel và Bahia đã ký hợp đồng với không dưới 15 cầu thủ Brazil từ các CLB ở Brazil.

Cầu thủ người Brazil mà Man City đã trực tiếp ký hợp đồng vào năm 2021 là tiền đạo Kayky với giá 8,8 triệu bảng khi anh 18 tuổi, hiện đang được cho Bahia… mượn.

Thực hiện

Nội dung: Khôi Nguyên

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongrotvnews.org

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
  • Phạm Quỳnh 17:21 ngày 04/06/2023

    Quan trọng là họ làm đúng luật, các clb trong cùng hệ sinh thái thì đương nhiên họ sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong giới hạn có thể, nếu thấy bất công thì tiếp tục thay đổi luật, nhưng clb naofthif cũng từ nhỏ mà lớn lên, các clb lớn đã đầu tư thu hút hết nhân tài từ lâu rồi, nếu vẫn như vậy sẽ là bất công cho các clb mới thành lập, mới lên hạng, để phát triển cần phải được đầu tư, và như vậy người ta đầu tư hỗ trọ các clb nhỏ là rất tốt chứ có gì đâu mà tranh cãi.

    • LongMC 20:14 ngày 04/06/2023

      Nếu tôi biết cách hack like tôi sẽ cho bạn 1 tỷ cái

    • trung nguyen 02:04 ngày 05/06/2023

      "người ta đầu tư hỗ trọ các clb nhỏ" thì chỉ tốt cho những CLB của CFG chứ đâu có gì tốt cho bóng đá nói chung. mà CFG thì rất sẵn tiền để đốt và thao túng thị trường cầu thủ, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh nên có phản ứng là tất nhiên.

    • Phạm Quỳnh 09:35 ngày 05/06/2023

      @trung nguyen:Các clb khác muốn phát triển cũng phải tìm nhà tài trợ chứ làm gì có ai hỗ trợ được tất cả?

    • Beauty Fan 18:50 ngày 05/06/2023

      @trung nguyen:Các câu lạc bộ tốt lên thì chất lượng của giải đấu cũng tốt lên, các cầu thủ có thêm nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, tăng chuyên môn, tăng sức hút, sao lại nói không tốt cho bóng đá nói chung ? Xóm làng tốt thì phải bắt nguồn từ những gia đình tốt chớ ? Tiêu chuẩn kép thế ?

    • trung nguyen 01:46 ngày 06/06/2023

      @Phạm Quỳnh:các CLB đều cần nguồn tài trợ, qua huy động vốn hay bán bản quyền hình ảnh chẳng hạn. nhưng bằng cách nào thì cũng phải tuân theo các nguyên tắc tài chính của FIFA, UEFA hay liên đoàn. không có chuyện thoải mái dùng tiền tài trợ để chi tiêu mua HLV và cầu thủ. riêng CFG nhờ quá giàu và mưu mô nên có thể làm đủ chiêu khiến cho luật hiện thời vô tác dụng.

    • trung nguyen 01:50 ngày 06/06/2023

      @Beauty Fan:nếu số nhiều CLB tốt lên thì đúng là tốt rồi, nhưng đây chỉ là một nhóm CLB do CFG chi phối, cụ thể là chỉ MC ở Anh hay chỉ Girona ở TBN hay Troyes ở Pháp... bạn không đủ hiểu biết hay là fan MC mà bỏ qua tình tiết này?

    • Hùng Trình 16:19 ngày 06/06/2023

      @trung nguyen:Nhóc nên tìm hiểu thế nào là cạnh tranh không lành mạnh. Người ta làm theo luật, chứ có phải thủ đoạn, o bế gì đâu mà bảo không lành mạnh. Vấn đề ở đây là luật không quy định hết được các trường hợp thực tế. Do đó, nếu fifa muốn quản lý vấn đề này thì phải cụ thể hóa bằng luật. Học lại từ lớp 6 nhóc nhé.

    • Beauty Fan 01:24 ngày 07/06/2023

      @trung nguyen:Khi bạn có điều kiện bạn sẽ muốn lo cho người nhà mình trước rồi mới đến người ngoài, không có luật nào quy định bạn phải có trách nhiệm chăm lo cho người ngoài (chưa nói đến đối thủ). Khi giới hạn tài chính không cho phép họ tiêu quá nhiều tiền thì họ sẽ đi mượn cầu thủ (mà cái này luật không cấm nhé), các clb khác cũng có thể làm như vậy, tuy nhiều clb cùng 1 chủ sở hữu nhưng hoạt động trên 1 lãnh thổ riêng, tuân theo quy định của nước sở tại và độc l

    • Lova Seck 11:33 ngày 07/06/2023

      Ai chẳng biết mô hình này có lợi, nhưng cần rất nhiều tiền. Vì đâu phải cầu thủ nào mua về cũng đá tốt, các giải kia thì tài trợ và giải thưởng không nhiều, nói chung là khả năng lỗ cao. Mấy ông kêu cứ kêu thôi, nói chung sợ mấy ông có tiền.

  • ANHTUANFCB 17:21 ngày 04/06/2023

    Hệ thống quản trị, huấn luyện, ĐT nhân tài, mua bán cầu thủ ... của MC là quá tốt. Thành công của MC khiến nhiều kẻ đố kỵ tức ói máu. Đặc biệt là mấy tay chủ Mỹ bẩn thỉu.

  • kumaura 18:50 ngày 04/06/2023

    Luật nào cũng có lỗ hổng quan trọng là đúng luật, nếu các clb khác muốn thành công thay vì đố kị hãy học hỏi MC , người thành công đâu nhất thiết phải chơi đẹp, họ đúng luật là được rồi , cái quan trọng là họ thành công và hợp pháp

  • Vũ Văn Chinh 09:18 ngày 05/06/2023

    Những chiêu thức lách luật này đã được Abramovic áp dụng từ thời đưa Mou về Chelsea rồi, đến bây giờ Chelsea và nhiều clb Anh khác vẫn thực hiện theo mô hình đó thôi, nhưng ko thể đạt được thành công như MC bởi họ thiếu một chiến lược, tầm nhìn dài hạn,... đặc biệt là thiếu 1 viên kim cương trên nóc kim tự tháp như Pep Guardiola. Trong bóng đá ngoài tiền bạc thì yếu tố con người là quan trọng nhất, Anceloti, Saggchi, Alex, Wenger, Mou đều đạt được những vinh quang nhờ Đắc nhân tâm!

  • hallaybop 01:10 ngày 05/06/2023

    Đằng sau MC là cả 1 quốc gia , nơi mà ông chủ MC thuộc hoàng tộc nắm quyền điều hành đất nước giàu có nhất trong khối tiểu vương quốc ả rập thống nhất . Muốn lách luật dễ như ăn bánh , chỉ cần 1 câu nói có khi hàng tá các hợp đồng quảng cáo từ các doanh nghiệp trong nước kéo tới .

    • LongMC 13:25 ngày 05/06/2023

      Ô hay có ông chủ giỏi làm ăn thế càng tốt chứ sao. Chủ maya clb MU Chel Arse Liv ... cũng toàn cỡ tỷ phú mối quan hệ làm ăn cũng là cực rộng, hđ tài trợ quảng cáo họ có thiếubgif không? So về maya cái hđ qc thì MC xách dép cho MU. Tiêu tiền chả kém ngta mà thua kém trên sân thì chỉ nên tự trách mình chứ đừng lôi mấy cái cớ khác ra để gato

    • Xuan Nam 11:22 ngày 06/06/2023

      @LongMC :Rõ là lạc đề. Mấu chốt ở đây là chủ giàu - mua nhiều CLB, mua nhiều cầu thủ và đẩy ra các CLB vệ tinh để đào tạo, thực chiến và quan trọng là lách luật công bằng tài chính. Nhìn thì thấy thiếu công bằng nhưng họ lách đúng luật. Nhìn vào báo cáo tài chính của MU, Arsenal hay Liverpool... con số rõ đẹp nhưng phần lớn là chạy vô túi giới chủ hay trả nợ ngân hàng chứ có tái đầu tư đâu?

  • ..MÁNG ..XANH ..VUA GIAN LẬN 18:23 ngày 04/06/2023

    Cần lên án hành động gian lận của mán xanh, hãy nhanh chóng đem họ ra xét xử vụ 115 để trả lại trong sạch cho BĐ Chel bị cấm chuyển nhượng 2 năm vì ký HĐ với CT chưa đúng tuổi, nhưng man xanh vẫn trơ trơ Hãy nhìn qua giải Ý khi JUV bị trừng phạt 1 cách nhanh gọn khi vi phạm 3mùa từ 2018_2021 Án phạt chậm trể sẽ thiếu công bằng cho các đội cạnh tranh ở PL và C1 nên có đoạt cúp cũng chỉ là do nền tảng gian lận là cup bẩn

    • Thông Chelsea 21:32 ngày 04/06/2023

      Hôm qua thua 2-0 cay quá, à nhầm 2-1, được tài biếu quả an ủi.

    • LongMC 02:56 ngày 05/06/2023

      @Thông Chelsea :Nó giờ chuổn bị chuyển qua làm fan Mờ U mà , mấy hôm nay thấy thỉnh thoảng mấy câu nâng bi, chắc lại đánh hơi thấy cái gì. Mà kể cũng tài, nó chỉ có 1 2 cái câu đó cứ lắp bắp đi lắp bắp lại mà nó cứ nghĩ thế sẽ gây tổn thương cho City mới hay chứ. Chelsea có tên phản đồ như nó mà ko thanh lý môn hộ thật tiếng xấu lưu truyền muôn đời.

    • LongMC 07:33 ngày 05/06/2023

      @Thông Chelsea :Khổ, nó vẫn cứ bị sang chấn tâm lý từ nhỏ tới lớn, cứ thấy ai thành công là máu cay nó dồn lên não ko chịu đc phải cào phím để giảm đau.

  • trung nguyen 01:59 ngày 05/06/2023

    không phải họ "thao túng luật" mà là lách luật. luật của FIFA không được làm ra để áp dụng cho những đối tượng có nhiều tiền và toan tính như CFG, nay cần phải sửa gấp để tránh bị CFG lũng đoạn.

    • Su_Chelsea 19:23 ngày 05/06/2023

      Fifa vs uefa tuổi gì mà so vs Boss M.C. Nếu nay Fifa vs Uefa đổi luật, mai họ sẽ xúm lại và n.cứu lách luật mới tiếp. Fafi vs uefa có 1 thằng ls thì CFG nó cũng sẵn có 2_3 LS và cả đốg Tham mưu bên cạnh. NHƯNG CẦN DỌN DẸP CHO BỚT BẤT CÔNG.

    • trung nguyen 01:56 ngày 06/06/2023

      @Su_Chelsea :"nay Fifa vs Uefa đổi luật, mai họ sẽ xúm lại và n.cứu lách luật mới tiếp" - nói thế bằng thừa vì đó là chuyện xảy ra ở mọi nơi và mọi lĩnh vực. nhưng không có nghĩa CFG nhiều tiền, nhiều luật sư hơn thì sẽ nhiều tuổi hơn và luôn thắng thế, chưa kể UAE giàu mấy cũng chỉ bằng con tép so với mấy nước lớn châu Âu

  • Nga Nga 18:47 ngày 05/06/2023

    mặc dù ko hiều lắm nhưng cảm thấy rất lợi hại

  • Lova Seck 11:38 ngày 07/06/2023

    Hệ thống này là đúng luật, rất nhiều clb đã làm vậy. Chẳng qua làm tới mức lớn và chuyên nghiệp như MC thì giờ mới có thôi. Dù có nhiều lợi ích như tích trữ tài năng, nhưng chi phí rất cao, không có khả năng như mấy ông chủ MC thì khó trụ được. Đâu phải cầu thủ nào cũng sẽ thành công, đâu phải giải nào cũng nhiều phần thưởng, lương cao cho tài năng trẻ sẽ làm những clb đó lỗ, đôi khi lại bị rờ vào luật CBTC chứ chẳng chơi.

Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay