Có một câu nói khá phổ biến được áp dụng trong ngành trồng trọt rồi sau bị xã hội hóa cách sử dụng: “Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín”. Thường thường, trái cây khi chín sẽ có màu đỏ hoặc vàng. Bởi khi trái cây đạt độ chín, những enzyme trong vỏ trái cây sẽ khiến chất diệp lục bị phân hủy, đồng thời các sắc tố màu vàng hoặc đỏ được tổng hợp thay thế.
Vậy nên khi nhóm sắc tố carotenoid tạo màu vàng hay entocyanes tạo màu đỏ xuất hiện, chúng ta biết rằng, ố là là, trái cây chin rồi đây, ăn ngay cho nóng kẻo chim chuột xơi trước. Tuy nhiên, có nhiều loại trái cây lại trải qua 2 giai đoạn: từ xanh sang đỏ rồi lại xanh xong mới đỏ lần cuối để chín.
Thế nên người ta mới nói, đừng thấy đỏ mà tưởng là chín, bởi không phải trái cây nào đỏ một lần là chín, hay màu đỏ đôi khi chẳng phải thể hiện sự chín. Cũng là đỏ đấy nhưng mà có đỏ kiểu này và đỏ kiểu khác.
Chủ Mỹ của các CLB bóng đá ở Premier League hay bất cứ đâu cũng thế mà thôi. Chủ Mỹ đương nhiên là giàu, rất giàu là đằng khác. Bởi đã mang danh “chủ Mỹ” thì chắc chắn cũng phải triệu phú tiền USD cỡ bự hay tỉ phú trở lên. Tầm tỉ phú Donald Trump hay Elon Musk cũng từng hỏi mua Arsenal hay MU cơ mà.
Nhà Glazer là “chủ Mỹ” của MU, nhà Kroenke là “chủ Mỹ” của Arsenal, nhóm John Henry cũng từng là “chủ Mỹ” của Liverpool. Không ai trong nhóm “chủ Mỹ” này mà không bị mòn hết 10 đầu ngón tay vì đếm tiền hàng ngày cả, thậm chí cũng có cả hạng tỉ phú địch quốc.
Đúng là “chủ Mỹ” rất giàu nhưng họ cũng giỏi làm giàu. Họ mua một CLB không phải là vì đam mê, tình yêu gì sất, mà chỉ đơn giản đấy là một thương vụ làm ăn. CLB là một khoản đầu tư, tiền bỏ ra mua cầu thủ, xây sân… này nọ cũng là tiền đầu tư và khoản đầu tư đó phải sinh lời.
Mà rõ ràng, nếu CLB bóng đá không phải là một đối tượng có khả năng sinh lời cao như đất đai, vàng hay dầu mỏ thì làm sao lắm tỉ phú hay doanh nhân Mỹ lao vào thế? Chỉ có điều, cách đầu tư và cách thu lời của mỗi “chủ Mỹ” hay nhà đầu tư Mỹ khác nhau mà thôi.
Có người bỏ hết tiền ra mua cổ phiểu bluechip và mong tài khoản nhân hàng nghìn lần sau một vài năm. Có người phóng tàu vũ trụ để chờ ngày làm "xe ôm công nghệ" đưa khách vào không gian với giá cực cao. Nhưng cũng có người mua con bò, để sáng vắt sữa, tối cho nhai rơm, lợi nhuận đến ngay trong ngày.
Nhà Glazer đã mua MU theo kiểu con bò bằng tiền đi vay, cho gặm bó cỏ, nhưng mai có thùng sữa béo thơm, để rồi vắt liên tục gần 20 năm qua. Qua những gì báo chí Anh công bố về khoản đầu tư của “chủ Mỹ” tại MU thì chúng ta có thể khẳng định kiểu đầu tư của “chủ Mỹ” này thuộc dạng nào.
Thế mới nói, cũng là “chủ Mỹ” nhưng có “chủ Mỹ” này và “chủ Mỹ” khác. Không phải “chủ Mỹ” nào cũng kinh doanh theo kiểu phóng tàu vũ trụ thử nghiệm, mà còn có cả “chủ Mỹ” đầu tư kiểu vắt sữa bò. Do đó, các CĐV của MU hãy cầu nguyện sớm hết kiếp bò sữa hơn là chê giới chủ keo kiệt.