Công tác chuyển nhượng của M.U rất tệ trong thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Nó chỉ bắt đầu khởi sắc dưới thời HLV Ole Solskjaer với các bản hợp đồng được đánh giá thành công như Harry Maguire, Aaron Wan-Bissaka, Daniel James và Bruno Fernandes.
Đó là vì sự phối hợp ăn ý giữa Solskjaer, trợ lý Mike Phelan với trưởng bộ phận tuyển trạch toàn cầu Marcel Bout, phụ trách kỹ thuật tuyển trạch Mick Court và tuyển trạch viên trưởng Jim Lawlor. Đằng sau họ còn có Matt Judge, trưởng bộ phận tài chính doanh nghiệp và phụ trách đàm phán cùng với phó chủ tịch điều hành Ed Woodward, người tham gia vào mọi khâu trong các thương vụ chuyển nhượng. Mô hình này đã được vận hành rất tốt khi Sir Alex còn tại vị, nay được kế thừa và phát triển lên cấp độ mới khi có sự tham gia của bộ phận phân tích dữ liệu được điều hành bởi Court.
Tuy nhiên, một thực tế là M.U cũng đã thất bại trong các vụ theo đuổi Erling Haaland, Joshua King và Jude Bellingham. Trong một số thương vụ, họ cũng chậm chạp và thiếu nhạy bén trong việc thu thập thông tin để có thể đẩy nhanh thương vụ hoặc tạo nên bản hợp đồng có lợi. Giống như nhiều đội khác, M.U nên có một giám đốc bóng đá với kinh nghiệm và tầm nhìn dài hạn.
Từ 2 năm trước Woodward đã có ý định bổ nhiệm chức danh này, song vì lý do nào đó đã bị gác lại. Bây giờ, kế hoạch tìm kiếm lại được tái khởi động. Tất nhiên nó sẽ được điều chỉnh để phù hợp với những đổi thay tích cực mà Solskjaer đã tạo ra. Theo tìm hiểu của tờ Telegraph, vị giám đốc bóng đá tương lai không đến để thay đổi văn hóa CLB, như Monchi đã làm ở Sevilla. Ông ta sẽ là một phần của cấu trúc hiện tại, hỗ trợ Solskjaer và phối hợp chặt chẽ với ban chuyển nhượng. Ngoài ra, còn đảm đương những nhiệm vụ khác ở Trung tâm huyến luyện Carrington và phát triển bóng đá nữ.
Hai cái tên mà Woodward nhắm đến cho vị trí giám đốc bóng đá đầu tiên trong lịch sử M.U là Andrea Berta và Fabio Paratici, hai người đang đảm nhiệm công việc tương tự ở Atletico Madrid và Juventus. Năm ngoái, Berta được Globe Soccer Awards vinh danh là giám đốc bóng đá xuất sắc nhất năm. Mùa giải này, ông đã làm rất tốt việc thay thế 6 trụ cột ra đi. Những cầu thủ ông đưa về như Kieran Trippier, Renan Lodi, Felipe, Hector Herrera, Marcos Llorente và Joao Felix đều đóng góp lớn trong thành công của Rojiblancos.
Còn Paratici, kể từ khi gia nhập vào năm 2010 đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng tạo nên kỷ nguyên thống trị của Juventus. Các bản hợp đồng mà ông thực hiện ở Turin, có tên tuổi lớn, có cả những tài năng trẻ, đôi khi đắt đỏ và đôi khi miễn phí, nhưng điểm chung là đều phát huy giá trị.
Trong trường hợp không thuyết phục được hai người này, M.U có thể trở lại những mục tiêu cũ như Antero Henrique, người vẫn chưa tìm được công việc mới sau khi rời PSG, hoặc Ralf Rangnick, trưởng bộ phận thể thao và phát triển bóng đá của Red Bull. Trước đây, cũng có thông tin nói rằng Woodward nhắm tới các cựu Quỷ đỏ gồm Edwin van der Sar, hiện đang là giám đốc điều hành của Ajax, Rio Ferdinand, Patrice Evra hay Darren Fletcher.
Dù là ai, nhiệm vụ đầu tiên của tân giám đốc bóng đá sẽ là giúp M.U đẩy nhanh vụ Jadon Sancho. Sau đó, giải bài toán hóc búa mang tên Alexis Sanchez cũng như tinh giản đội hình bằng cách đẩy đi những cầu thủ ít đóng góp, để dọn đường cho các tân binh sắp được đưa về.
M.U tiêu bao nhiêu tiền thời “hậu Sir Alex”?
Tính đến nay, M.U đã chi 900 triệu bảng để mua sắm cầu thủ trong 7 năm kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Tổng số cầu thủ họ đưa về là 31, trung bình 29 triệu bảng mỗi người. Lưu ý rằng suốt 26 mùa cầm quân, Sir Alex chỉ tiêu hết 546,5 triệu bảng.
“Ưu tiên hàng đầu của M.U là xây dựng đội ngũ dựa trên những thành quả mà Solskjaer đạt được. Nhưng chúng ta cũng cần kế hoạch rõ ràng cho tương lai. M.U vẫn xem xét phát triển cấu trúc đội bóng, như vị trí giám đốc bóng đá mà mọi người đề cập”, - Woodward nói.
XEM THÊM
Đội hình M.U sẽ 'kinh hoàng' như thế nào nếu có cả Ake, Sancho và Grealish?
Aybameyang và Lacazette tươi rói trong bộ áo đấu mùa 2020/21 của Arsenal