Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Cuộc chiến Man City vs UEFA và những điều cần biết
13:51 ngày 08/06/2020
Một trận chiến đã được Man City bắt đầu ngày hôm nay và kéo dài 3 ngày, khi họ quyết định chống lại án phạt của UEFA cấm tham dự cúp châu Âu 2 năm do vi phạm luật công bằng tài chính.

    Hồi tháng Hai năm nay, UEFA đã đưa ra án phạt cực nặng dành cho Man City. Theo đó, nhà ĐKVĐ Premier League sẽ bị cấm thi đấu ở cúp châu Âu trong thời gian 2 năm, ngoài ra cũng phải nộp phạt số tiền 26,06 triệu bảng. Nguyên nhân dẫn đến án phạt của đội chủ sân Etihad là họ đã vi phạm luật công bằng tài chính (FFP), đồng thời thiếu hợp tác với UEFA trong quá trình điều tra. Man City sau đó đã khiếu nại lên Tòa án trọng tài thể thao quốc tế và bắt đầu từ hôm nay, phiên tòa xét xử sẽ chính thức mở ra dưới hình thức trực tuyến.

    Phiên tòa sẽ lắng nghe những giải trình, bằng chứng mà Man City đưa ra để chứng minh sự trong sạch trong vòng 3 ngày, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Theo lịch, ngày hôm nay phiên tòa có "mức độ bí mật hiếm có" sẽ bắt đầu. Nhân sự kiện này, hãy cùng điểm lại những điều cần biết trước cuộc chiến "Man City vs UEFA".

    Luật công bằng tài chính (FFP) là gì?

    Theo UEFA, FFP giúp cải thiện tình hình tài chính chung của các CLB bóng đá tại châu Âu, hoặc theo mô tả của cựu chủ tịch UEFA, Michael Platini vào năm 2010 thì đó là hình thức ngăn chặn doping tài chính. Về bản chất, FFP có nghĩa vụ ngăn chặn các CLB gặp vấn đề về tiền tệ trong tương lai bằng cách giới hạn số tiền mà một CLB có thể chi tiêu trong ngắn hạn. Trong vòng 3 năm, các đội bóng phải hạn chế chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được, mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ như cơ sở hạ tầng, cơ sở mới, v.v... Tất cả đều được giám sát bởi 'Cơ quan kiểm soát tài chính câu lạc bộ' (CFCB) của UEFA.

    Man City đã làm gì sai?

    Về cơ bản, UEFA tuyên bố rằng trong khoảng thời gian 4 năm (2012-2016), tỷ phú Sheikh Mansour đã bơm nhiều tiền vào đội bóng bằng các thỏa thuận tài trợ từ Abu Dhabi. Theo một tuyên bố của UEFA hồi tháng 2, Man City đã ký hợp đồng tài trợ tên SVĐ, áo đấu lẫn các cơ sở tập luyện với hãng Hàng không quốc gia UAE là Etihad trị giá 59,5 triệu bảng trên giấy tờ. Tuy nhiên, con số thực tế mà Etihad trả chỉ là 8 triệu bảng. Phần còn lại thuộc về ADUG, tập đoàn đầu tư mà ông chủ Sheikh Mansour dùng để mua lại Man City vào năm 2008. Hành vi này đã vi phạm FFP (Luật công bằng tài chính) một cách nghiêm trọng.

    Ngoài ra, UEFA cũng cáo buộc Man City không có thiện chí phối hợp điều tra những hành vi vi phạm của mình.

    Điều này từng xảy ra trước đây?

    Đúng. Không chỉ các CLB khác đã đưa UEFA lên CAS vì các vấn đề liên quan đến FFP trong quá khứ, mà chính Man City từng bị trừng phạt vì vi phạm các quy định này. Trở lại năm 2014, The Blues là một trong số các đội bao gồm cả PSG bị buộc tội không tuân thủ FFP. Man City chấp nhận mức phạt 49 triệu bảng ở mùa giải 2014/15.

    Man City sẽ chiến đấu như thế nào?

    Ngay sau khi UEFA đưa ra án phạt, GĐĐH của Man City, ông Ferran Soriano tuyên bố: "Chúng tôi thất vọng, nhưng không hề bất ngờ với hành động này. Tuy nhiên, các CĐV của chúng tôi có thể chắc chắn về 2 điều. Thứ nhất, cáo buộc mà UEFA đưa ra là không đúng sự thật. Thứ hai là đội bóng sẽ làm tất cả những gì có thể để chứng minh sự trong sạch". 

    Luật sư nổi tiếng David Pannick sẽ "cãi" cho Man City

    Man City đã chuẩn bị rất kỹ cho phiên tòa cực kỳ quan trọng với vận mệnh của họ. Đội chủ sân Etihad đã thuê những đội luật sư của 2 "thầy cãi" danh tiếng David Pannick và Paul Harris từ 2 văn phòng luật nổi tiếng của nước Anh là Blackstone Chambers và Monckton Chambers. Ngoài ra, các công ty luật nổi tiếng Anh quốc, Clifford Chance, Freshfields Bruckhaus Deringer và Kellerhals Carrard cũng được thuê để trợ giúp.

    Theo Telegraph tiết lộ vào chiều ngày hôm qua (7/6), Man City tự tin rằng họ có bằng chứng không thể bác bỏ được để trình bày trong đơn kháng cáo tại Tòa án Trọng tài Thể thao. Telegraph cũng tiết lộ rằng sự thù hằn giữa Man City và UEFA đã được thể hiện trong một loạt các lá thư, khi cơ quan quản lý của châu Âu bị buộc tội rò rỉ thông tin về các quy tắc công bằng tài chính.

    Quá trình xét xử CAS sẽ đòi hỏi gì?

    Phiên điều trần có thể rất giống với các thủ tục tố tụng thông thường, mặc dù bất kỳ ai nhìn thấy thời gian biểu do CAS phát hành đều sẽ nhận thấy đây là phiên điều trần kéo dài 3 ngày, khá dài cho phiên điều trần bình thường của CAS, hầu hết chỉ mất một ngày. Sở dĩ phải kéo dài như thế là bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải xét xử online ở một địa điểm không được tiết lộ với sự kết nối bởi các luật sư ở Thụy Sĩ và Anh. Ngoài ra, danh tính 3 thẩm phán của CAS cũng đã được bảo vệ.

    Khi nào biết kết quả?

    Mặc dù chưa có ngày chính xác khi nào quyết định sẽ được công bố, nhưng có thể mất từ vài tuần đến vài tháng. Một phiên điều trần kéo dài 3 ngày đối với CAS và họ có thể có nhiều bằng chứng để xem xét. Các thông tin gần đây tiết lộ: "CAS cho biết, quyết định cuối cùng về việc tham dự Champions League của Man City có thể mất đến 2 tháng". Điều này có nghĩa là một quyết định có thể được đưa ra vào tháng 8, tháng mà UEFA đang cân nhắc việc nối lại Champions League mùa này.

    Sự đồng thuận duy nhất giữa hai bên là cả hai đều muốn tình hình được giải quyết trước khi bắt đầu mùa giải 2020/2021, để tránh bất kỳ sự gián đoạn phức tạp nào khác.

    Nếu án phạt được giữ nguyên thì sao?

    Trong trường hợp Man City không được dự Champion League 2 mùa tới, họ sẽ hứng chịu những hậu quả to lớn. Thứ nhất, tác động tài chính của việc không dự Champions League sẽ rất lớn. Theo báo cáo của Forbes, lệnh cấm sẽ khiến đội bóng mất khoảng gần 70 triệu bảng, tương đương 11% tổng doanh thu của CLB, dẫn tới giá trị của Man City giảm 270 triệu bảng. Giá trị ước tính hiện tại của họ là 2,27 tỷ bảng.

    Thứ hai, nếu lệnh cấm của Man City được giữ nguyên, họ có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Premier League. Mặc dù các quy tắc FFP của giải đấu khác với quy định của UEFA, tùy thuộc vào kết quả của kháng cáo, có một số lĩnh vực mà nửa xanh thành Manchester có thể đã vi phạm. Một hình phạt quyết liệt như bị tước danh hiệu giải đấu là rất khó xảy ra, nhưng việc trừ điểm sẽ là một khả năng.

    Một vấn đề khác có thể phát sinh nếu CLB không kháng án thành công là một số cầu thủ nhất định có thể muốn ra đi, chủ yếu vì họ không chấp nhận việc không được thi đấu ở Champions League. Chưa kể, điều này cũng ảnh hưởng tới cơ hội chuyển nhượng những ngôi sao hàng đầu thế giới.

    XEM THÊM

    'Bộ thất tuyệt vời' của Sir Alex đã đi đâu về đâu?

    Sững sờ với đội hình siêu tấn công của M.U nếu mua 2 'mầm non' hot nhất Bundesliga

    Aubameyang chỉ dùng đúng 6 từ để nói về đề nghị gia hạn của Arsenal

    Quang Minh • 13:51 ngày 08/06/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay