Cuối cùng, sau nhiều năm chuẩn bị, “phiên tòa” lớn nhất nhất trong lịch sử bóng đá Anh sắp bắt đầu. Một bên là Premier League. Còn bên kia là nhà ĐKVĐ và quyền lực số một giải đấu Man City.
Man City phải đối mặt với 115 cáo buộc vi phạm các quy tắc tài chính của giải đấu mà họ đã vô địch trong bốn mùa giải liên tiếp.
Những cáo buộc này sẽ được đưa ra tại một phiên điều trần độc lập, bắt đầu vào thứ Hai tuần sau tại một địa điểm không được tiết lộ. “Phiên tòa thế kỷ” của thể thao sẽ diễn ra trong 10 tuần với phán quyết được đưa ra vào đầu năm 2025.
Đây là thời điểm quyết định cho cuộc tranh chấp pháp lý chưa từng có trong lịch sử Premier League và có thể gây ra hậu quả to lớn cho cả hai phía.
Vụ việc liên quan đến một trong những CLB thành công nhất thế giới bị cáo buộc gian lận tài chính ở giải đấu mà họ đã thống trị trong nhiều năm. Một CLB thuộc mạng lưới toàn cầu gồm 13 đội bóng trải dài trên năm châu lục, thuộc sở hữu của một thành viên tỷ phú của gia đình cầm quyền Abu Dhabi, người có khối tài sản khổng lồ đã làm thay đổi lịch sử Man City.
Vụ án liên quan đến danh mục chưa từng có gồm 115 cáo buộc trải dài trong 14 mùa giải, bao gồm nhiều cáo buộc vi phạm quy định bằng cách không cung cấp thông tin tài chính chính xác.
Man City luôn phủ nhận mạnh mẽ các cáo buộc. Và trong khi những đồn đoán ngày càng gia tăng, không ai biết kết quả - dự kiến vào đầu năm sau - sẽ như thế nào.
Nếu bị kết tội với những cáo buộc nghiêm trọng nhất, Man City có thể bị trừ điểm rất nặng khiến họ khó thoát khỏi kết cục xuống hạng - hoặc thậm chí bị trục xuất khỏi Premier League.
Một kết cục bi đát sẽ phủ bóng đen lên những thành tựu của Man City, đẩy tương lai của HLV, cầu thủ và đội bóng vào tình trạng bất định, và có thể gây ra những yêu cầu bồi thường từ các CLB khác.
Ngược lại nếu Man City được minh oan, tính khả thi của các quy tắc nhằm bảo vệ tính bền vững và khả năng cạnh tranh của Premier League sẽ bị nghi ngờ nghiêm trọng.
Nhưng bất kể phán quyết nào được đưa ra sau phiên điều trần kéo dài vài tuần, tác động cũng có thể rất sâu sắc và quyết định diễn biến tiếp theo của mùa giải 2024/25.
Bối cảnh “đại án” Man City
Vào tháng 6 năm nay, một tin tặc máy tính người Bồ Đào Nha có tên là Rui Pinto tuyên bố tại một hội nghị rằng anh ta sở hữu "hàng triệu tài liệu" liên quan đến việc vi phạm của Man City.
Pinto được các nhà quản lý bóng đá biết đến rộng rãi. Người đàn ông 34 tuổi này là người đứng sau trang web Football Leaks, nơi đã tiết lộ các thông tin chuyển nhượng và hợp đồng bóng đá bí mật.
Mặc dù luôn khẳng định mình là người tố giác, năm ngoái, Pinto đã bị tòa án Lisbon tuyên án bốn năm tù treo về các tội danh cố gắng tống tiền, truy cập dữ liệu bất hợp pháp và vi phạm thư từ. Nhưng lời đe dọa tiết lộ thêm thông tin của Pinto về Man City là lời nhắc nhở kịp thời về vai trò của nhân vật này trong đại án Man City.
Trở lại năm 2018, tạp chí Der Spiegel của Đức tuyên bố Man City đã thao túng hợp đồng để lách luật của UEFA và cho biết nguồn tin đến từ người tố giác mà họ gọi là 'John' - bút danh mà Pinto dùng để tạo ra Football Leaks.
Der Spiegel đã công bố các tài liệu bị rò rỉ, bao gồm các email được cho là được gửi giữa các giám đốc điều hành cấp cao của City (một số người hiện vẫn còn làm việc tại City Football Group), trong nhiều mùa giải sau khi câu lạc bộ được Abu Dhabi tiếp quản vào năm 2008.
Những điều này cho thấy CLB đã thổi phồng doanh thu tài trợ từ hãng hàng không nhà nước Etihad và công ty viễn thông nhà nước Etisalat bằng cách biến hóa khoản đầu tư trực tiếp từ công ty mẹ của mình (Tập đoàn Abu Dhabi United của Mansour, ADUG) thành thu nhập tài trợ.
Man City bị cho là đã “lách luật” nhằm đáp ứng các quy tắc về “công bằng tài chính” (FFP) do UEFA đưa ra vào năm 2011 và Quy tắc về lợi nhuận và bền vững (PSR) do Premier League đưa ra vào năm 2012, nhằm che đậy các khoản lỗ của CLB
Tiếp theo, có thêm nhiều cáo buộc về việc Man City khai báo sai lệch thông tin tài chính liên quan đến các khoản thanh toán bí mật “ngoài sổ sách” cho HLV khi đó là Roberto Mancini. Ngoài ra, Man City đã trả các cầu thủ nhiều tiền hơn số tiền chính thức được chuyển qua các tài khoản nên sổ sách chi tiêu được ghi nhận lại ít hơn thực tế.
Man City - đội luôn khẳng định ADUG là một quỹ tư nhân chứ không phải là một nhánh của nhà nước UAE - đã từ chối bình luận về bất kỳ tiết lộ nào của Der Spiegel. Theo họ, các email bị rò rỉ là do thu thập bất hợp pháp và là "một âm mưu nhằm làm tổn hại đến danh tiếng của CLB".
Man City - cùng với các công ty liên quan - đã phủ nhận mạnh mẽ việc vi phạm bất kỳ quy tắc tài chính nào. Nhưng điều đó không ngăn cản cả UEFA và Premier League tiến hành điều tra vì lý do này.
Man City đã bị UEFA phạt hàng triệu bảng Anh vào năm 2014 sau khi bị phát hiện vi phạm các quy tắc FFP. Sau đó vào đầu năm 2020, đội chủ sân Etihad đã bị cấm tham gia các giải đấu ở châu Âu trong hai năm sau khi bị phát hiện đã "vi phạm nghiêm trọng" các quy định của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên vài tháng sau, Man City kháng án thành công khi Tòa án trọng tài thể thao (CAS) đã hủy bỏ lệnh cấm, tuyên bố rằng tòa "không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Man City ngụy tạo khoản tài trợ từ chủ sở hữu thành tài trợ", và hầu hết các hành vi vi phạm quy định bị cáo buộc đều chưa được xác lập hoặc "đã hết hiệu lực" vì nằm ngoài giới hạn năm năm theo luật định để truy tố.
Dù vậy, CAS cũng phát hiện ra rằng City đã "vi phạm nghiêm trọng" việc hợp tác với cuộc điều tra của UEFA, với mức phạt ban đầu là 25 triệu bảng được giảm xuống còn 8 triệu bảng.
Trong hơn hai năm, mọi chuyện có vẻ như đã lắng xuống. Nhưng ở hậu trường, cuộc điều tra của Premier League vẫn tiếp tục. Vào tháng 7/ 2021, một thẩm phán tòa án tối cao tiết lộ rằng Premier League cáo buộc City về việc trì hoãn không giao nộp tài liệu và yêu cầu CLB chấp hành ngay lập tức.
Tới năm 2023, bước ngoặt gây sốc nhất đã xảy ra. Trong khi Man City đang trên đường giành chức vô địch thứ ba trong bốn chức vô địch Premier League liên tiếp họ lại phải đối mặt với danh sách 115 cáo buộc vi phạm tài chính.
115 cáo buộc chống lại Man City là gì?
Cụ thể, Man City bị cáo buộc:
- 54 cáo buộc về việc không cung cấp thông tin tài chính chính xác từ mùa giải 2009/10 đến mùa giải 2017/18.
- 14 cáo buộc về việc không cung cấp thông tin chi tiết chính xác về các khoản thanh toán cho cầu thủ và huấn luyện viên từ mùa giải 2009/10 đến mùa giải 2017/18.
- 5 cáo buộc về việc không tuân thủ các quy định của UEFA bao gồm Luật công bằng tài chính (FFP) từ mùa giải 2013/14 đến 2017/18.
- 7 cáo buộc về việc vi phạm luật PSR của Premier League từ mùa giải 2015/16 đến 2017-18.
- 35 cáo buộc về việc không hợp tác với cuộc điều tra của Premier League từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2023.
Man City ngay lập tức bày tỏ "sự ngạc nhiên" và bác bỏ mọi cáo buộc. Nhưng quy mô và mức độ nghiêm trọng của những cáo buộc mà City đang phản đối đều tập trung vào một thập kỷ mà họ đã vô địch Premier League ba lần - cùng với nhiều danh hiệu khác.
Nếu các cáo buộc được chứng minh là có thật, Man City sẽ là “kẻ gian lận vĩ đại” khi phá vỡ các quy tắc, đẩy nhanh nền tảng cho sự thống trị của đội bóng dưới trướng Pep Guardiola. Điều đó có thể khiến các CLB khác mất đi các danh hiệu mà họ đáng lẽ đã giành được.
Viễn cảnh về bản án có tội sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi: liệu Guardiola có rời đi không, Sheikh Mansour sẽ phản ứng thế nào sau khi đã đầu tư rất nhiều vào đội bóng thành Manchester? FA liệu có phân bổ lại các danh hiệu cho các CLB khác?
Ai sẽ thắng?
Khó có thể dự báo ai sẽ chiến thắng trong phiên tòa thế kỷ, vì chưa từng có tiền lệ nào tương tự như thế này trong lịch sử bóng đá Anh.
Có những ý kiến cho rằng vấn đề sẽ phụ thuộc vào bên nào có luật sư giỏi nhất, hoặc mức độ quan trọng của các tài liệu mà Man City đã nộp, hoặc liệu Pinto có cung cấp thêm bất kỳ email bị rò rỉ nào không.
BLĐ của Man City - cùng với Guardiola - luôn tự tin rằng họ sẽ được xóa tội. Quyết định sẽ phụ thuộc vào ba thành viên của một ủy ban kỷ luật độc lập, một cơ quan được trang bị quyền lực vô hạn.
Phía Premier League luôn giương cao ngọn cờ chính nghĩa và muốn làm trong sạch giải đấu và bảo vệ tính nghiêm túc trong việc duy trì các quy định tài chính. Tuy nhiên, lại có những ý kiến hoài nghi về việc Premier League có thực sự muốn đội bóng xuất sắc nhất giải đấu biến mất khỏi sân chơi.
Dù vậy, cần nhấn mạnh lại rằng hội đồng độc lập chứ không phải Premier League sẽ quyết định hình phạt sau khi đã nghe tất cả các bằng chứng và tiếp nhận ý kiến từ tất cả các bên trong suốt quá trình xét xử kéo dài khoảng 10 tuần.
Một số nguồn tin có kinh nghiệm cho rằng cả hai bên nên khôn ngoan sử dụng biện pháp hòa giải để đạt được một số thỏa hiệp hoặc giải quyết.
Việc UEFA từng cấm City tham gia các giải đấu ở châu Âu khiến một số người suy đoán rằng ủy ban kỷ luật có thể đưa ra hình phạt tương tự. Tức là Man City sẽ bị trừ điểm nghiêm trọng, bị đánh xuống hạng hoặc bị trục xuất khỏi Premier League.
Tuy nhiên, Man City có thể lập luận rằng cuối cùng họ đã được minh oan khi CAS phán quyết có lợi cho họ. Nhưng cần biết rằng cho dù cả hai bên đều có thể kháng cáo và sắp xếp một phiên điều trần mới, thì việc nộp đơn lên CAS không phải là một lựa chọn trong vụ kiện lần này. Premier League không có bất kỳ quy tắc nào cho phép các vi phạm bị 'hết hiệu lực”.
Việc trừ điểm Everton và Nottingham Forest mùa giải trước vì vi phạm PSR có thể khiến người hâm mộ Man City lo lắng. Nhưng sau đó các CĐV Man City lại cảm thấy lạc quan hơn khi chứng kiến thất bại thảm hại gần đây của Premier League trước Leicester City. Đội bóng này đã tránh được việc trừ điểm sau khi kháng cáo thành công về việc xuất hiện sai sót trong các quy tắc PSR của Premier League.
Thời điểm trọng đại của Premier League
Tất cả diễn ra trong bối cảnh chính phủ Anh đang giám sát chặt chẽ cách điều hành của bóng đá nước này. Và trước khi một cơ quan quản lý bóng đá độc lập được thành lập - cơ quan này có thể được trao nhiều quyền hơn từ chính phủ mới của đảng Lao động.
Nếu thất bại trước Man City, Premier League sẽ không thuyết phục được những người chỉ trích rằng các tiêu chuẩn quản lý của giải đấu là phù hợp.
Và khi vụ kiện kéo dài, Premier League cũng phải đối mặt với sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa các câu lạc bộ, với sự bất đồng về mức độ quản lý cần thiết để kiểm soát chi tiêu của các câu lạc bộ giàu nhất nhằm bảo vệ sự cân bằng và tính cạnh tranh.
Trong thời gian gần đây, giải đấu cao nhất nước Anh đã bị cuốn vào một loạt các tranh chấp; trừ điểm một số CLB, đối mặt với kháng cáo từ những CLB khác, những lỗ hổng tiềm ẩn trong các quy tắc của giải đấu và thậm chí bị Man City kiện ngược vì những hạn chế trong quy định và điều lệ.
Các lá đơn kiện tụng ngày một chất đầy và rủi ro cũng ngày một cao hơn cho Premier League.
Và bây giờ trận chiến lớn nhất sắp nổ ra.