NGHỆ SỸ TRÊN SÂN CỎ
Eric Cantona bắt đầu đóng phim từ năm 1995, cái năm nổ ra scandal kung-fu nổi tiếng của anh. Tính cho tới thời điểm này, huyền thoại người Pháp của Man United đã tham gia vào 34 bộ phim trong cả vai trò diễn viên lẫn nhà nhà sản xuất. Eric Cantona là một diễn viên, có thể nói là gạo cội.
Nhưng Cantona, huyền thoại bóng đá được người hâm mộ tôn kính gọi là King Eric muốn lấn sân tới môn nghệ thuật thứ 7 từ bao giờ? Diễn viên Cantona, nên gọi anh như thế, từng thổ lộ rằng: “Khi chúng ta làm cowboy, làm người Ấn Độ… mua vui cho bọn trẻ con, là chúng ta đang diễn đấy. Từ trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, tôi đã thích nghề diễn viên”.
Đúng là từ ngoại hình, tới cái chất nghệ sỹ và khả năng diễn thì khó ngôi sao bóng đá nào có được như King Eric. Khi ra sân, Cantona luôn dựng đứng cổ áo lên và người ta luôn nhận thấy có thứ nghệ thuật trình diễn trên sân cỏ của Cantona: lúc anh đứng im, lúc anh nhìn trừng trừng, lúc anh khệnh khạng và đôi khi, ánh mắt của Cantona có thể chuyển đổi nhanh chóng từ cái nhìn xa xăm vô tư lự thành hoảng hốt.
Những lúc như thế, camera luôn hướng về Cantona, từ cảnh trung, cảnh toàn tới cảnh cận, khiến cho người hâm mộ có cảm giác như đang xem một bộ phim về siêu anh hùng. Đó là nghệ thuật trình diễn mà bất cứ tay đạo diễn khó tính nào cũng cảm thấy khoái.
Tài năng sân cỏ của Cantona thì khỏi phải bàn cãi. Nhưng người ta mãi nhớ anh, mãi cuồng anh còn vì cái cá tính nghệ sỹ độc đáo và những khoảnh khắc trình diễn có một không hai. Vậy nên, người ta gọi Cantona là nghệ sỹ của sân cỏ là vì thế… Và Cantona nói: “Những tay như Gary Neville hay Paul Scholes thì còn lâu mới làm được cái nghề giải trí”.
Năm 1997, Cantona 31 tuổi, anh chính thức treo giày để theo đuổi sự nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp, để lại bao nuối tiếc cho người hâm mộ bóng đá. Tới năm 2009, khi tên tuổi của diễn viên Cantona bắt đầu có chút “số má” với bộ phim “Looking for Eric”, tờ Telegraph hỏi, anh có nhớ bóng đá không thì Cantona trả lời: “Ban đầu tôi không dám xem bóng đá, thật khó khăn, vì tôi rất nhớ bóng đá. Tuy nhiên, tôi rất may mắn khi mối tình đầu vừa chết đi thì mối tình mới đến - đó là điện ảnh”
CẦU THỦ TRÊN MÀN BẠC
Năm 2008, sau hơn 10 năm lăn lộn với nghề, Cantona nói: “Để trở thành một diễn viên là điều không hề dễ dàng. Tôi là một cầu thủ bóng đá thế nào? Thế là đủ rồi, cả thế giới đều biết. Nhưng những gì tôi thể hiện trên màn bạc đã đủ cho mọi người biết? Dĩ nhiên là chưa. Trở thành diễn viên là công việc khó khăn, nó đòi hỏi tôi phải học hỏi nhiều và làm việc chăm chỉ. Trong 3 hoặc 4 năm nữa, tôi có thể trở thành một diễn viên vĩ đại”.
Tới thời điểm này thì có thể khẳng định, điện ảnh không còn là mới mẻ với diễn viên, nhà sản xuất Cantona. Vậy với những gì đã thể hiện, Cantona đã trở thành một tài tử lừng danh thế giới như mục tiêu của anh chưa? Xin mượn lời Cantona năm 2008 để khẳng định: “Vẫn chưa đủ”.
Thế nào là đủ, là thành công, là vĩ đại. Chỉ trong vỏn vẹn 5 mùa bóng ở Old Trafford (1992-1997), Cantona đã mang lại cho “Quỷ đỏ” thành Manchester 4 danh hiệu Premier League, 2 Cúp FA và 3 Charity Shield. Điều này thì cả thế giới đều biết.
Còn nghệ thuật điện ảnh? Nếu tính từ bộ phim đầu tiên (Le bonheur est dans le pré) mà Cantona tham gia năm 1995 đến nay, diễn viên 49 tuổi người Pháp này đã gắn bó với môn nghệ thuật thứ 7 tròn 20 năm, cùng lăn lộn qua 34 bộ phim. Cantona tham gia đủ các vai diễn, từ anh cảnh sát trong phim hành động “Switch” (2011), cowboy viễn Tây trong “The Salvation” (2014)… cho tới anh chàng The Stud trong “You and the Night” (2013) - một bộ phim bị các nhà phê bình đánh giá là mang nặng tính khiêu dâm.
Nhưng tất cả những vai diễn ấy, theo các nhà phê bình phim, đều mang hình ảnh của Eric Cantona - một ngôi sao bóng đá, đúng như vai diễn anh đóng chính mình trong “Looking for Eric”. Tức là Cantona chưa thể lột xác, biến thành nhân vật trong phim như ý đồ nghệ thuật của đạo diễn, mà anh vẫn là… số 7 huyền thoại King Eric như người hâm mộ Man United vẫn thấy.
Điều này trái ngược hẳn với Vinnie Jones - tài tử đã nổi danh ở Hollywood từ lâu nhưng không phải người hâm mộ nào cũng biết rằng, Vinnie Jones từng khoác áo Leeds United như Cantona.
Cầu thủ Cantona không thích khuôn phép, “ưa nổi loạn”. Diễn viên Cantona cũng thế. Trong con mắt của các nhà đạo diễn và sản xuất, Cantona hợp với vai chính diện nhưng anh lại mê vai phản diện xấu xa. Điều đó cũng giống như việc, Cantona luôn nói hay tuyên ngôn: “Tôi giống như một con bướm trong nghệ thuật”. Nhưng các nhà phê bình lại cho rằng, trong nghệ thuật “Cantona là con gấu”.
KHÔNG SỐNG NỔI BẰNG CÁT-XÊ
Tiền cát-xê cũng là một thước đo cho sự thành công của một người nghệ sỹ. Vậy Cantona kiếm được bao nhiêu trong mỗi bộ phim tham gia? Theo một nguồn tin từ báo chí Pháp, bộ phim đình đám “Looking for Eric” cũng chỉ mang lại cho anh 300.000 euro tiền cát-xê. Cao hơn một chút là 350.000 euro từ bộ phim “The Salvation”.
Mỗi bộ phim, Cantona phải vất vả lăn lộn cả năm nhưng số tiền anh nhận được từ mỗi tác phẩm còn chưa bằng… một tuần lương của đàn em Wayne Rooney tại Old Trafford. Đấy là chưa kể bộ phim ngắn “Apporte moi ton amour” do anh làm đạo diễn năm 2002 bị “lõm” nặng.
Nhưng Cantona vẫn là ngôi sao giàu sụ tại Pháp. Bởi lẽ, dẫu có bị chê diễn dở thì những dự án phim liên tiếp ít nhất cũng giúp hình ảnh của King Eric… không chết như các cựu danh thủ khác để có thể kiếm tiền bằng những bản hợp đồng tài trợ, quảng bá béo bở. Chẳng hạn như tháng 9 năm ngoái, Cantona nhận lời làm đại diện hình ảnh cho bộ sưu tập The Invictus Morphos Limited Edition của hãng đồng hồ Hautlence.
Gần nhất là đoạn phim “vượt eo biển Manche” để quảng cáo cho hãng bia Kronenbourg. Hay như năm 2011, để đánh bóng hình ảnh, New York Cosmos từng thuê Cantona làm giám đốc. Quả thực, giá trị thương hiệu của King Eric vẫn rất lớn, nhưng giá trị đó phần nhiều vẫn là nhờ bóng đá.
5 năm ở Old Trafford đủ biến Cantona thành King Eric huyền thoại. Còn nghệ thuật? Trong suốt 20 năm qua, Cantona vẫn là con gấu với giấc mơ một ngày… hóa bướm.
Chỉ 1 lần được vinh danh
Trên sân cỏ, Cantona được ví như người nghệ sỹ. Nhưng bi kịch thay, trên màn ảnh, Cantona lại là… cầu thủ. Thế mới có chuyện, bộ phim được cho là thành công nhất của Cantona là “Looking for Eric” (2009) của đạo diễn Ken Loach, huyền thoại của Man United cũng chỉ mon men tới được… danh sách đề cử Cành cọ vàng (Palme d’Or). Chỉ là danh sách đề cử. Chấm hết!
Nghệ thuật nhưng phải có tiền
Huyền thoại M.U nói, anh nhận lời Hautlence vì những chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập độc đáo trên có in hình cánh bướm - một biểu tượng nghệ thuật của mình. Ừ thì bướm! Nhưng bên cạnh đó, để nhận được cái bắt tay của King Eric, Hautlence cũng phải rót vào tài khoản của anh một khoản tiền rất lớn.