Kết quả, lịch thi đấu & BXH Ngoại hạng Anh
Nổi trội hiện nay là một nhân vật đỏ rực như ngọn lửa, giọng nói lúc nào cũng ở âm vực cao, hễ mở miệng là tuôn ra sấm chớp mây mưa giông. Đó chính là Juergen Klopp của Liverpool, hoặc Jose Mourinho của Tottenham. Còn phía bên kia là một Pep Guardiola, Carlo Ancelotti trầm tĩnh, lặng lẽ và kiệm lời, thần thái luôn toát ra vẻ uy nghi của trí tuệ.
Hãy quay trở lại Anfield vào tối thứ Năm tuần trước để chứng kiến một Liverpool phi thường dưới tay Klopp. Họ thực hiện nhiều đường chuyền hơn bất kỳ trận đấu nào kể từ khi có thống kê; họ có chuỗi giữ sạch lưới Premier League dài thứ năm trong lịch sử kể từ thời kỳ đỉnh cao của triều đại Rafa Benitez…
Nhưng nhân vật trung tâm hoàn toàn không phải trên sân. Vai nam chính đứng trong khu vực kỹ thuật, mặc áo thể thao, đội mũ bóng chày. Ông ta gầm lên như con sư tử, nhe răng, vỗ tay, tung những nắm đấm vào thinh không. Đó chính là HLV của The Kop, kẻ rời sân muộn nhất.
Jurgen Klopp đã làm công việc của mình tốt hơn bất cứ đồng nghiệp nào trong nền tảng bóng đá hiện tại. Kết quả của nó chính là sự thống trị của Liverpool tại Premier League ở mùa giải này. Klopp bao giờ cũng là người độc tấu trên sân khấu, thu hút khán giả của mình bằng âm thanh có chỉ số octan cao.
Và đêm qua, Klopp đã phải đối đầu với một vị đồng nghiệp có tính cách và phong cách hoàn toàn trái ngược, một người lấy tĩnh chế động, lấy sự mềm mại giải trừ cái cứng rắn. Đó chính là HLV Ancelotti của Everton.
Thật thú vị, trong lần trở lại bóng đá Anh nay, ngay ở trận đấu thứ tư, ông già 60 tuổi Ancelotti đã phải đối mặt với một Liverpool ở thời kỳ đáng sợ nhất, trong một trận derby Merseyside.
Ancelotti thường gây ấn tượng với người khác bởi cặp lông mày cong và đậm, chứa đựng nhiều quyền mưu. Ở con người này có sự nguy hiểm chết người nấp trong vẻ ung dung tự tại và trầm lặng.
Pep Guardiola và Ancelotti không bao giờ nói nhiều, không bao giờ làm mình nổi bật trước công chúng bằng hành động, âm thanh phấn khích (như Klopp) hay bằng những phát ngôn đẫm thuốc súng, những hành động khiêu khích đôi khi hơi ngu ngốc (như Mourinho)…
Ở môi trường bóng đá CLB hiện đại, những HLV kể trên đều là những sinh vật quý hiếm, những chiến lược gia nổi tiếng được nhiều người hâm mộ và có danh tiếng chẳng kém gì CLB họ dẫn dắt. Họ là những người siêu HLV.
Sự khác biệt của họ đại diện cho hai thái cực của 2 trường phái huấn luyện hiện đại: Lãnh đạo giáo phái (với Klopp) và Người hướng đạo (với Ancelotti). Đó là 2 cách tiếp cận với cầu thủ hoàn toàn khác nhau.
Một bên là: Tuân lệnh hay là Chết. Còn một bên: Hãy suy nghĩ bằng tư duy của mình. Klopp đưa ra nguyên nhân để khiến cầu thủ thực hiện nhiệm vụ vì nguyên nhân đó. Còn Ancelotti lại cấp kiến thức cho cầu thủ, để họ tự xử lý nhiệm vụ.
Ở lĩnh vực này, Pep Guardiola đứng cùng phe của Klopp, cùng những HLV như Mauricio Pochettino, Diego Simeone và Julian Nagelsmann… Họ luôn cho cầu thủ thấy mục đích trong mọi thứ và biến những kẻ nghi ngờ thành tín đồ mù quáng nhất.
Ăn gì uống gì, đi ngủ lúc nào, tập luyện cái gì… Klopp đều chỉ ra cho các cầu thủ và biến họ thành những con chiên của tôn giáo Klopp. Nếu bạn chưa tin, hãy nhìn cách Pep Guardiola biến đổi những cầu thủ của mình. Tín đồ của Pep luôn luôn mắc bệnh nghiện chuyền bóng, nghiện sở hữu bóng.
Đến nỗi, khi còn dẫn dắt Bayern Munich, một huyền thoại của bóng đá Đức đã phải than vãn: “Bayern Munich giờ thấy này ư, đám cầu thủ chuyền bóng trên cả vạch gôn đối phương”. Cầu thủ phải thế bởi vì Pep muốn thế, Klopp muốn thế. Họ can thiệp vào cách chơi bóng, cách sống và bản ngã của từng cầu thủ.
Còn ở trường phái của Ancelotti với những đại diện như Massimiliano Allegri, Ole Gunnar Solskjaer, Frank Lampard… lại thường muốn các cầu thủ phải tư duy để tìm ra cái tốt nhất, phù hợp nhất với mình. Họ muốn làm mọi thứ đơn giản, tạo ra cảm xúc, tin tưởng rằng khả năng và động lực cá nhân sẽ làm phần còn lại.
Claudio Ranieri đã tạo ra một phép màu với Leicester City theo cách này. Ông thấy vai trò của mình một cách thực tế, làm việc với những gì mình có để điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp (ban đầu ông không muốn N'Golo Kante đá ở giữa) và quản lý môi trường (luôn phát ngôn đầy cẩn trọng và ý đồ tại các cuộc họp báo) để đội bóng mình chịu ít áp lực nhất có thể.
Ancelotti cũng thi hành biện pháp tương tự ở lần hành nghề trước tại Premier League khi dẫn dắt Chelsea. Ông thậm chí cho phép các cầu thủ của Chelsea tự quyết định kế hoạch thi đấu trước trận chung kết FA Cup 2010.
Ashley Cole kể lại: “Đây chính là mẫu HLV ưa thích của tôi. Không cần huấn luyện như kiểu mẹ đảm chăm con mọn mà chỉ nói: ra sân và thi đấu tốt vào”. Sự ca tụng của Cole giúp chúng ta hiểu tại sao hồi ký của Ancelotti lại có tựa đề “Lãnh đạo thầm lặng”. Ngược lại, cuốn hồi ký bán chạy nhất của Klopp lại có tiêu đề “Hãy ồn ã lên”.
Trong “Lãnh đạo thầm lặng”, Ancelotti viết: “Tôi không nghĩ về bản sắc riêng của mình, mà chỉ nghĩ về bản sắc của đội bóng và điều này phụ thuộc vào những gì mà CLB yêu cầu bạn, đặc điểm của các cầu thủ và lịch sử truyền thống của CLB”.
Rõ ràng, Ancelotti chưa từng bao giờ kiêu hãnh “Đội bóng của tôi, cầu thủ của tôi”. Ông sẽ là sự lựa chọn tốt lành cho CLB, có khả năng trở thành huyền thoại của CLB hơn là hiểm hoạ cho CLB, như cách Mourinho tạo ra ấn tượng tại Chelsea, Man United và Tottenham.
Cho dù, Everton của Ancelotti đã thua Liverpool của Klopp 1-0 trong trận derby đêm qua, nhưng điều này hoàn toàn bình thường. Liverpool hiện giờ là một ban nhạc Rock ăn khách với thủ lĩnh Juergen Klopp. Song Ancelotti vẫn nhướn cao đôi lông mày, thản nhiên hướng dẫn Everton tự hình thành cho mình một phong cách thi đấu.
XEM THÊM
Fan Liverpool lo sợ The Kop mất chức vô địch Ngoại hạng Anh vì chiến tranh thế giới thứ 3