Hành trình của Maresca từ chân trợ lý đi đến câu lạc bộ hàng đầu thế giới như Chelsea, để quay lại đối đầu với chính người thầy của mình ở tại đấu trường đỉnh cao Premier League tựa một câu chuyện trong sách.
Và nếu đêm nay ông tạo ra chiến thắng trước Pep, chúng ta khẳng định luôn đây là một câu chuyện cực kỳ thú vị. Tuy thú vị những cũng chẳng có gì là bất ngờ cả. Vì đấy là sự vận động vốn có của cuộc đời, mà bóng đá là ánh xạ của cuộc đời.
22 năm về trước, Pháp khi đó là đương kim vô địch EURO, đương kim vô địch thế giới, sở hữu trong tay một Zinedine Zidane thiên tài tưởng như không thể cản được. Nhưng họ thua Senegal ngay trong trận đầu tiên của World Cup 2002 trên đất Nhật-Hàn và sau đó bị loại từ vòng bảng. Người ta bảo rằng đó là vì Pháp năm đó đã thừa thãi vinh quang và không còn tìm thấy động lực để cố gắng nữa.
Điều tương tự diễn ra ở kỳ World Cup 2014, khi Tây Ban Nha bị thua một cách… nhục nhã ở vòng bảng. Sau khi bị Hà Lan quần cho tơi tả với tỷ số 5-1 ở trận khai mạc, họ thua tiếp Chile 0-2 ở loạt trận thứ 2 và… xách vali về nước trong sững sờ của tất cả. Nguyên nhân được đưa ra cũng tương tự Pháp: quá thừa vinh quang, quá thiếu ý tưởng, quá ù lì về tâm lý.
Nhưng sự sụp đổ của Tây Ban Nha ở kỳ World Cup năm đó còn một nguyên nhân khác, đấy là lời cáo chung cho một hệ thống đã từng đặt cả thế giới dưới bàn chân mình: tiqui-taca huyền thoại. Việc này đã được cảnh báo từ một năm trước, khi Barcelona còn đầy đủ Messi, Xavi, Iniesta đã bị Bayern Munich với lối chơi pressing và sơ đồ 4-2-3-1 hạ nhục với tổng tỷ số 7-0 sau hai lượt trận.
Những thất bại như của Pháp trước Senegal hay Tây Ban Nha trước Hà Lan là những bất ngờ với giới mộ điệu, nhưng không bất ngờ với quy luật cuộc sống vốn được vận động bởi đô thị hình sin. Sau đỉnh cao là xuống dốc, dưới đáy cuộc đời là bình minh cũng bắt đầu.
Bây giờ cũng vậy, ta có thể coi thường Chelsea đấy, cũng có thể coi thường Enzo Maresca chẳng là gì so với Pep Guardiola. Nhưng ta có thấy Chelsea rất trẻ, rất mới, cũng rất ẩn số. Còn Man City quá cũ, quá quen thuộc từ cách đá đến đội hình, dù hay thì cái hay đó vẫn mang tính chất “Ờ, biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đội bóng này lại vô địch Premier League 4 năm liên tục. Nhìn đi nhìn lại, ta không tìm thấy thêm sự mới mẻ trong đó.
Chelsea sở hữu đội hình trẻ nhất ở Premier League mùa này với độ tuổi trung bình 23 tuổi. Còn Man City? Đó là 27 tuổi. Một trong những đội bóng già nhất xứ sương mù. Gặp nhau đêm nay, dễ dàng nói rằng Chelsea dưới cơ. Nhưng cũng có cơ sở để nói: cái mới đấu cái cũ.