Khi fan MU đốt pháo hoa ăn mừng gần SVĐ Old Trafford lúc hay tin giới chủ Mỹ rao bán CLB, họ không thể ngờ kết quả sau 11 tháng thành ra thế này. Sheikh Jassim Bin Hamad Al Thani với túi tiền không đáy cũng không thể kiên nhẫn trước những yêu sách từ phía Glazer và rút khỏi thương vụ này. Chỉ còn lại Jim Ratcliffe với đề nghị mua 25% cổ phần trị giá 1,4 tỷ bảng.
Nhìn qua, gần như chẳng có gì thay đổi ở thượng tầng MU. Nhà Glazer vẫn nắm quyền chi phối, và vừa bỏ túi số tiền gấp đôi những gì họ từng bỏ ra 18 năm trước để mua lại CLB. Không có gì đảm bảo 1,4 tỷ bảng kia sẽ được dùng để tái thiết cơ sở vật chất hay những hạng mục khác của Quỷ đỏ. MU vẫn nợ như "chúa chổm" và chỉ có thêm một ông chủ không thực quyền mà thôi.
Tuy nhiên, đi vào cụ thể, phía Jim Ratcliffe sẽ phụ trách vấn đề chuyên môn của MU. Và sau một thập kỷ kể từ lúc Sir Alex nghỉ hưu, MU có vẻ như đã tìm ra một người điều hành thực sự biết phải làm gì.
Nhận xét về khoản đầu tư của Jim Ratcliffe vào MU, Gary Neville cho rằng nó "để lại nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời". Tuy nhiên, sự yên tâm đầu tiên có phần cảm tính: Jim Ratcliffe là một fan cuồng của MU. Đương nhiên một doanh nhân sẽ ưu tiên lợi ích kinh tế lên hàng đầu, nhưng việc có tình cảm thực sự với dự án mình đầu tư cũng là một lợi thế so với những ông chủ khác chỉ nhìn vào CLB qua những con số.
Và với danh nghĩa 1 fan MU, Ratcliffe có thể mở kênh đối thoại thoải mái hơn với cộng đồng fan MU bản địa. Một trong những lý do nhà Glazer bị phản đối suốt gần 20 năm qua là họ không chịu giao tiếp với fan MU. Không có nhiều cuộc gặp mặt chính thức với hội CĐV, thậm chí đến tần suất tới Old Trafford xem những trận đấu của các doanh nhân Mỹ cũng rất ít. Mâu thuẫn giữa đôi bên vì thế càng khắc sâu và giờ không thể hòa giải.
Ratcliffe thì khác. Trước khi đầu tư vào MU, ông luôn kể đi kể lại khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời mình là chứng kiến tận mắt những phút bù giờ điên rồ ở trận chung kết Champions League 1999. Sau này nếu trở thành lãnh đạo CLB, Ratcliffe chắc chắn sẽ có mặt thường xuyên ở Old Trafford và giúp cải tạo mối quan hệ với CĐV.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải là chuyên môn. Và đội ngũ của Ratcliffe có chuyên môn cao. Tập đoàn INEOS mà Ratcliffe lãnh đạo trước đó đã đầu tư vào nhiều dự án thể thao, như đội F1 của Mercedes, Nice của Ligue 1 và Lausanne-Sport của Thụy Sĩ.
Sau nhiều năm hỗn loạn, Nice dưới sự lãnh đạo của Ratcliffe đang thăng hoa trong mùa này, đứng thứ 2 trên BXH, xếp trên cả PSG. Trong tay Ratcliffe có nhiều nhân tài sẽ giúp MU cải thiện khả năng mua sắm, đàm phán trên TTCN là David Brailsford hay nổi bật là Jean-Claude Blanc, cựu GĐĐH của Juventus và PSG.
Nhìn lại đội ngũ hiện tại của MU, sẽ thấy đó là một trời một vực. GĐĐH Richard Arnold mới nhậm chức được 1 năm và trước đó ông là GĐ kinh doanh. GĐTT John Murtough cũng chỉ là tay ngang khi được thăng chức từ một đại diện CLB.
Chính vì có chuyên môn cao như vậy nên Ratcliffe là người cực kỳ đòi hỏi, có yêu cầu khắt khe về nhân sự. Năm 2019, ông từng công khai chỉ trích MU trên The Times:
"INEOS không bao giờ muốn đổ tiền vào những dự án ngu ngốc. MU đang gặp trục trặc với tư cách một doanh nghiệp. Họ không có những lựa chọn đúng đắn, không mua sắm tốt. Họ đã đầu tư tiền ngu ngốc để mua những cầu thủ như Fred. MU đã chi rất nhiều tiền kể từ sau thời Sir Alex nhưng kết quả vô cùng nghèo nàn. Thú thật là quá sốc".
Đương nhiên, nói thì luôn hay hơn làm. Hãy chờ đợi xem một người "thông minh" như Ratcliffe sẽ tiêu tiền như thế nào để vực dậy MU khỏi bùn lầy.